MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời khuyên của Khổng Tử cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung

11-08-2016 - 14:31 PM | Tài chính quốc tế

Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc hưởng lợi từ độ mở của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Bắc Kinh không mang lại nhiều tự do cho các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc.

Khi Khổng Tử được hỏi về một từ duy nhất miêu tả triết lý dẫn dắt cả cuộc đời một con người, câu trả lời được đưa ra là “sự tương hỗ, hỗ trợ lẫn nhau”. Có một quy tắc vàng: “Điều mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác”.

Tuy nhiên, ở thời hiện đại, có vẻ như đôi lúc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã quên mất lời răn dạy cổ xưa này. Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc hưởng lợi từ độ mở của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Bắc Kinh không mang lại nhiều tự do cho các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc. Sự mất cân bằng này đang trở thành rào cản ngày càng lớn mà các công ty phương Tây phải đối mặt. Trong khi họ không thể hưởng lợi tối đa từ sự bùng nổ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các công ty Trung Quốc lại đang thực hiện hàng loạt vụ M&A tầm cỡ ở nhiều nước.

Dù cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc vẫn hạn chế (thậm chí là cấm) các công ty nước ngoài tham gia kinh doanh trong một số lĩnh vực. Công ty sản xuất ô tô Trung Quốc Geely đã thâu tóm Volvo của Thụy Điển từ năm 2010, nhưng cho đến nay các hãng ô tô ngoại chỉ có thể hợp tác với một đối tác bản địa để có thể sản xuất ô tô ở Trung Quốc. Tập đoàn bất động sản Wanda đang bận rộn thâu tóm một loạt công ty ở Hollywood, trong khi các nhà làm phim nước ngoài gặp phải nhiều rào cản khi đầu tư vào công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Ngân hàng Bank of China mua tòa nhà văn phòng hoành tráng ở Manhattan, trong khi những thương vụ thâu tóm ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Trung Quốc gặp khó vì các quy định pháp lý.

Trung Quốc càng giàu có hơn và ảnh hưởng lớn hơn đến kinh tế thế giới thì sự bất hợp lý này càng khiến các đối tác thương mại cảm thấy khó chịu. Thậm chí một chính trị gia Mỹ đã đề xuất tăng mạnh thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt khác.

Đó là một ý tưởng tồi bởi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp và đến cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, những chính sách kiềm chế Trung Quốc hiện nay cũng không hiệu quả.

Năm 2012, WTO ra phán quyết rằng Trung Quốc đã phân biệt đối xử với các công ty thanh toán nước ngoài (gồm MasterCard và Visa). Tuy nhiên phải mất 4 năm sau Bắc Kinh mới đưa ra những thay đổi chính sách để chào đón những công ty này.

Mỹ và các nước khác nên áp dụng những giới hạn tương tự như chính sách đối đãi mà Trung Quốc dành cho họ. Đúng là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ, nhưng Mỹ cũng nên hạn chế người Trung Quốc đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng, giống như cách Trung Quốc đang làm. Nếu khả năng tiếp cận với những ngành quan trọng như công nghệ bị thu hẹp, Trung Quốc sẽ buộc phải cải cách.

Không giống như thuế, biện pháp này không ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình Mỹ. Về dài hạn, thậm chí kinh tế Mỹ còn được hưởng lợi vì những công nghệ quan trọng nằm ngoài tầm với của Trung Quốc, các công ty Mỹ có được lợi thế trong cuộc chiến trên thương trưởng ngày càng khốc liệt.

Trung Quốc cũng có thể trả đũa và đây là tin xấu cho cả hai bên. Tuy nhiên, sự thực là các doanh nghiệp Mỹ đã chịu thiệt kể cả khi Chính phủ Mỹ không làm gì. Theo một khảo sát mới được Bộ Thương mại Mỹ thực hiện ở Trung Quốc, 77% doanh nghiệp được hỏi cho biết thị trường Trung Quốc ngày càng khép kín hơn.

Khổng tử cũng đã nói về lằn ranh giữa một người đàn ông lịch thiệp và một người ngốc nghếch. “Hãy dùng công lý để đáp lại sự tổn thương và dùng lòng tốt để đáp lại lòng tốt”.

Thu Hương

Bloomberg

Từ Khóa:
Trở lên trên