Lời miệt thị CEO Nhật ném vào tài xế công nghệ Việt và những bộ đồng phục định giá con người
Phát ngôn về tài xế xe ôm công nghệ người Việt "làm bẩn" không gian quán cafe của một CEO người Nhật đã khiến cộng đồng mạng nổi giận thực sự. Từ bao giờ bộ đồng phục người ta khoác lên người, nghề nghiệp của ai đó đã trở thành barem để đánh giá một người?
- Học hành cho tử tế vào, không sau này chỉ có đi móc cống, quét rác thôi con ạ.
- Mày định làm xe ôm hay công nhân à con mà học dốt thế?
- Mày điên à con, sao không thích làm văn phòng mà lại thích lái xe?
Rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong tư tưởng như thế, trong sự phân biệt "định giá" nghề nghiệp và con người như thế. Có những bộ đồng phục được khao khát khoác lên, và phải nỗ lực vượt bậc, phải trở thành nhân tố xuất sắc mới được mặc. Cũng có những bộ đồng phục mà người ta nhìn vào rẻ rúng và nó không bao giờ là lựa chọn đầu tiên, thậm chí là một lựa chọn "bất khả kháng", nghĩa là bần cùng lắm người ta mới chọn khoác vào.
Sự khác biệt của những bộ đồng phục - những nghề nghiệp và giá trị sướng - khổ, sang - hèn ẩn chứa đằng sau đó chẳng phải chuyện mới, nó âm ỉ trong tư tưởng của nhiều thế hệ. Ai cũng muốn con cái mình chọn một nghề "tử tế", mặc những bộ đồng phục đẹp đẽ, cao cấp hơn để mong cuộc đời đỡ vất vả, nhưng không phải ai cũng "dám" thừa nhận rằng, mình (cũng có lúc) coi thường hoặc cảm thấy "tội nghiệp" những bộ đồng phục lấm lem.
Thời gian gần đây, cùng với sự bùng nổ về cả số lượng cũng như nhận diện thương hiệu của các hãng xe ôm công nghệ như Grab, Now, Go Viet…, những câu chuyện kỳ thị, coi thường người làm những nghề bình dân này đã lộ ra nhiều hơn, làm bùng nổ lên tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội.
Gần đây nhất, một tài xế Grabfood Việt đang mua đồ uống cho khách đã bị một CEO người Nhật khởi nghiệp tại Việt Nam chụp ảnh đăng lên mạng với những lời lẽ khó nghe . Trước đó, nhiều quán xá có thương hiệu khác cũng từng có thái độ xúc phạm, phân biệt đối xử với các tài xế công nghệ.
Khoan hãy bàn đến yếu tố miệt thị dân tộc, hành động trên rõ ràng là một sự phân biệt nghề nghiệp, địa vị, là việc thông qua bề ngoài, bộ đồng phục để đánh giá thấp hoặc tôn trọng ai đó. Bạn đi vào nhà hàng, bạn tự cho phép mình có địa vị xã hội cao hơn, được quyền hống hách với người bán hàng hoặc anh shipper? Bạn sai rồi!
Tại sao chúng ta lại coi thường (hoặc thương hại) những người bán hàng, người xe ôm hay rất nhiều các công việc chân tay khác? Vì họ luôn có dáng vẻ nhếch nhác, vì bộ đồng phục của họ lấm bẩn, bết mồ hôi chăng? Vì bạn cho rằng mình "cao cấp" hơn họ chăng?
Thái độ của anh chàng CEO làm tôi nhớ đến một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Có anh chàng nọ đi qua đồng ruộng thấy cô gái nhà quê đang cặm cụi gặt lúa liền buông lời giễu cợt: "Hỡi cô con gái nhà nông, suốt ngày chỉ biết chổng mông lên trời". Cô gái ấy cũng chẳng vừa, thủng thẳng đáp lại: "Anh ơi đừng có ngạo đời, mông tôi không chổng thì lấy gì anh xơi".
Dân gian hóm hỉnh có thể gài một chút ý tưởng phồn thực, chơi vơi giữa thanh và tục vào câu trả lời của cô gái nông dân, nhưng cũng thâm thúy chỉ ra một sự thật: nếu không có những người nông dân ấy, ta lấy đâu ra lương thực. Tương tự, không có những công nhân môi trường móc cống, quét rác, dễ thường đường phố tự sạch. Nếu không có những anh shipper chạy như đèn cù giữa trời nắng mưa, mấy vị khách sang chảnh muốn thưởng thức đồ uống, đồ ăn mà không muốn đi quá xa những tòa nhà cao tầng thoáng mát sẽ làm sao…?
Nhà văn Scotland R.L Stevenson từ nhiều thế kỷ trước đã có một kết luận rất "phũ" thế này: "Suy cho cùng, mọi người đều sống nhờ bán một thứ gì đó". Anh shipper dùng sức lực làm món hàng để đổi lấy tiền. Anh CEO dùng kiến thức, kỹ năng quản lý để khởi nghiệp. Người bán hàng kinh doanh để tìm lợi nhuận, cũng như nông dân bán mồ hôi thánh thót rơi giữa đồng để đổi về lúa thóc…
Nghĩ cho kỹ thì tất cả mọi nghề nghiệp lương thiện tồn tại đều chung một tính chất, mọi bộ đồng phục dù thấm đẫm mồ hôi và bụi bặm hay thơm lừng nước hoa cũng đều đưa về một đích vào cuối ngày: Sử dụng sức lao động của mình để kiếm tiền, để nuôi thân, nuôi gia đình.
Ai cũng mong đường đời mình trải hoa hồng, mong có một công việc "danh giá" và nhàn hạ, nhưng ngẫm cho đến cùng, sự danh giá của một nghề được đong đếm bằng giá trị mang lại cho xã hội, phát triển và đáp ứng nhu cầu của cá nhân, giữ được nhân cách con người tốt đẹp, hay là đo bằng độ phẳng phiu sạch sẽ của bộ đồng phục ta khoác lên mình?
Những lời lẽ mà anh chàng CEO người Nhật ném vào anh xe ôm công nghệ đầy tính sát thương và gây hấn. Nhất là khi anh ấy cho rằng sự xuất hiện của shipper công nghệ đã làm ảnh hưởng đến "không gian thư giãn hướng đến sự cao cấp, thanh lịch đồng nhất trên toàn cầu" mà thương hiệu đồ uống nổi tiếng đó đã xây dựng.
Cộng đồng mạng nổi giận vì một người đồng hương của chúng ta bị xúc phạm bởi một người nước ngoài trịch thượng, đó là một phản ứng tất yếu. Làm sao có thể chấp nhận việc một người khởi nghiệp ở đất nước chúng ta, đang kiếm tiền (và có thể là giàu có) nhờ cộng đồng của chúng ta lại có thể thốt ra một phát ngôn miệt thị đến vậy với một người khác, chỉ vì anh ta làm một nghề kém "sang trọng"?
Bất luận việc anh tài xế kia vào mua cafe cho khách hay mua cho chính mình, anh ấy cũng là khách hàng, và chẳng phải khi cả CEO và anh xe ôm cùng trả tiền dịch vụ, họ cần được đối xử bình đẳng sao?
Chúng ta nổi giận với anh CEO trịch thượng, nhưng cũng cần thẳng thắn mà nói, chúng ta đôi khi cũng như vậy với những người lao động chân tay - thường bị coi là ở "tầng lớp dưới", dù ở thái độ bề ngoài hay trong tư tưởng.
Có thể ta không kỳ thị họ, không xúc phạm họ, nhưng ta thường có xu hướng thương hại họ, cảm thấy tội nghiệp cho họ khi phải làm những nghề "thấp kém" hơn. Ta cảm thấy mình may mắn vì không giống họ, ta thầm nghĩ sẽ cố gắng để con mình có một cuộc sống tương lai sáng sủa hơn họ. Ta dễ dàng cảm thông, thương cảm những người lao động vì coi mình ở trên cao hơn, nhưng để thực sự tôn trọng họ, tôn trọng bộ đồng phục họ khoác lên mình thì khó hơn nhiều!
Tất cả mọi người đều khó có thể hoàn hảo, cho nên chúng ta không có lý do gì để dùng ánh mắt "ở trên cao" để đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt "xem thường" để đi làm tổn thương người khác. Chỉ bằng cách tôn trọng người khác, ta mới có thể giành được sự tôn trọng từ họ đối với mình mà chẳng cần vin vào sức mạnh của bộ quần áo ta mặc trên người. Cho nên, tôn trọng người khác, tôn trọng nghề nghiệp của người khác kỳ thực chính là biết cách tôn trọng bản thân mình.
Tôn trọng người khác cũng không phải là sự lễ phép xã giao mà nó đến từ sự hiểu biết, thông cảm và kính trọng được ẩn sâu ở trong tâm hồn mỗi người, với nền tảng giáo dục tỉ mỉ. Sự tôn trọng không có hàm chứa bất cứ sắc thái lợi ích nào, cũng không bị ảnh hưởng bởi thân phận hay địa vị, đó mới là nét đẹp thuần túy nhất, chất phác nhất. Dám tôn trọng những điều khác biệt và biết ơn những nghề nghiệp "bé mọn" xung quanh ta, đó chính là một loại dũng khí, cũng là một loại trí tuệ.
Cũng cần nói thêm, việc chúng ta tôn trọng chính mình, tôn trọng bộ đồng phục mình đang mặc trên người, tôn trọng nghề nghiệp của mình cũng quan trọng chẳng kém việc yêu cầu người khác tôn trọng ta. Bộ đồng phục không định vị được phẩm giá của con người, như ông bà ta dạy rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng hành động của ta trong bộ đồng phục ấy thì có.
Không thể phủ nhận rằng, có những ứng xử xấu xí của một bộ phận người làm tài xế công nghệ như nói tục chửi bậy, gây gổ với khách hàng… đã làm sụt giảm thiện cảm và sự tôn trọng của người khác về nghề này.
Thế nên việc những người làm nghề giữ thái độ đúng mực cho đến giữ gìn đồng phục tươm tất, chỉn chu cũng là cách thể hiện sự tôn trọng công việc đang mang về cho mình và gia đình cơm áo. Trên hết, đó cũng là cách để người khác nhìn vào và tôn trọng công việc của bạn.
Bộ đồng phục chỉ đại diện cho nghề nghiệp, không đại diện cho nhân cách của chúng ta. Cởi bỏ mọi bộ đồng phục và địa vị, không vin vào hào nhoáng hay bụi bặm của công việc ta làm, ta "sang" hay "hèn", có được người khác tôn trọng hay không là do cái gì? Đó là một câu hỏi mà tất cả chúng ta cần suy ngẫm và tìm câu trả lời cho mình.
Có một ông lão ăn mày quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi khó chịu đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều nhíu mày, tỏ rõ thái độ ghét bỏ và khó chịu với ông ta.
Nhân viên bán hàng cũng đuổi ông đi. Người ăn mày lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn thỉu và ngỏ ý muốn mua một chiếc bánh nhỏ nhất. Ông lão chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày, rồi cúi người thật sâu xuống, nói: "Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!".
Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi lý do ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó. Chủ tiệm bánh giải thích: "Mặc dù đó là một người ăn mày nhưng cũng là khách hàng. Ông ấy để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc tiêu những đồng tiền mà phải mất một thời gian lâu lắm mới kiếm được. Nếu ông không tự mình phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?".
Cháu trai lại hỏi: "Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?".
Người chủ tiệm bánh nói: "Ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải là đến ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải ông đã sỉ nhục ông ấy rồi sao? Nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người ăn mày. Bởi vì hết thảy những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cấp cho".
Cậu bé ấy sau này lớn lên là nhà kinh doanh, tỷ phú Nhật Bản – Yoshiaki Tsutsumi, vẫn luôn kể lại câu chuyện về ông nội mình và lão ăn mày.
Trí thức trẻ