Lời nhắn của 'bác sĩ từng nhìn thấy nhiều người chết nhất': Con người gom góp một kiếp, tranh đoạt vinh hoa, phú quý cả đời nhưng chết rồi lại chẳng thể mang theo...
Kết cục của đời người chỉ có hai loại mà thôi: Cắm ống thở hay là không cắm ống thở. Nhưng rồi sau tất cả vẫn đều là cái chết.
- 16-06-2020Nguồn cơn của mọi khổ đau nằm ở ham muốn quá nhiều: Càng sống tối giản càng bớt muộn phiền, thêm hạnh phúc
- 16-06-2020Sau tuổi 50, cuộc sống thay đổi bất ngờ khi tôi nhận ra điều này: Nếp nhăn đi cùng trí tuệ, hãy học cách tận hưởng món quà vô giá mà tuổi tác dành cho bạn
- 13-06-2020Gây quỹ hơn 50 tỷ đồng, xây gần 800 nhà chống lũ và bắt đầu những dự án xanh, Jang Kều chia sẻ: "Tiền chưa bao giờ là điều khó khăn nhất"
Ngày 29/11/2014, bác sĩ Kha Văn Triết chính thức đắc cử Thị trưởng thành phố Đài Bắc – Đài Loan, vượt đối thủ chính của mình hơn 200 nghìn phiếu bầu. Dù là một thị trưởng đầy quyền lực nhưng ông vẫn thường nói: "Vinh hoa phú quý đời người rốt cuộc cũng chỉ là một đống rác mà thôi".
Trong thời gian còn là bác sĩ ngoại khoa, ông Kha Văn Triết chính là người tạo ra quy trình cấy ghép tạng tiêu chuẩn của Đài Bắc và đưa vào ứng dụng phương pháp cấp cứu Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO).
Năm 2013, bài thuyết giảng "Trí tuệ và sinh tử" trên TED (buổi hội thảo của giới trí thức về công nghệ, thiết kế và giải trí) của Kha Văn Triết đã gây ấn tượng mạnh.
Dưới đây là toàn bộ bài diễn thuyết của ông:
Có lẽ tôi là bác sĩ Đài Loan đã từng nhìn thấy người chết nhiều nhất, vậy nên rất thích hợp để bàn luận về vấn đề sinh tử. Hãy để tôi bắt đầu nói từ "Diệp Khắc Mạc" – Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO).
Có một người nông dân chạy đến bệnh viện Kì Mỹ Liễu Doanh, nói muốn được gặp bác sĩ Diệp. Người ở phòng cấp cứu nói, không có đâu, chỗ chúng tôi đây không có bác sĩ nào họ Diệp cả. Người nông dân nọ vẫn khẳng định chắc nịch tên bác sĩ ấy là Diệp Khắc Mạc (ECMO).
Diệp Khắc Mạc thật ra không phải là bác sĩ nào cả, nó chỉ là một phương pháp trị liệu. Vận hành của nó cũng rất đơn giản, chính là dẫn máu từ trong tĩnh mạch ra, trải qua một cái bơm huyết dịch (trái tim nhân tạo), rồi lại thông qua một thiết bị tạo ô-xy (buồng phổi nhân tạo), đưa vào cơ thể. Nó được dùng để thay thế chức năng tạm thời của phổi, tim.
ECMO chính là một máy chủ làm trái tim nhân tạo, bên cạnh là một buồng phổi nhân tạo, đưa máu trở về. Xác thực là có những trường hợp vô cùng thành công.
Một vũ công trong nhóm múa của Châu Kiệt Luân, một ngày nọ bị viêm cơ tim đột ngột, tim không còn đập nữa. Lúc đó, con mắt của cô ấy mở to nhìn trừng trừng vào màn ảnh. Tín hiệu trên màn hình toàn bộ đều là một đường thẳng băng cả. Nhưng 9 ngày sau, cô ấy đã tiến hành cấy ghép tim và phổi. Chưa đến 1 tháng, đã có thể trở về tiếp tục nhảy múa rồi. Tất cả là nhờ ECMO.
Trong các tài liệu y khoa, thời gian hồi sức tim phổi dài nhất, còn có thể được cứu sống trở lại chính là trường hợp này. Mỗi lần nhìn lại tôi đều nói đây là thần tích của y học hiện đại. Một người đã trải qua hồi sức tim phổi trong 4 giờ đồng hồ, liên tục 9 ngày tim hoàn toàn không còn hoạt động mà vẫn có thể được cứu sống lại!
Lại có một thanh niên 26 tuổi, uống say rồi đi bơi, bị sặc nước đến viêm phổi nghiêm trọng (gọi là triệu chứng hô hấp cấp tính). Toàn bộ lá phổi của anh đều trắng xoá hết cả, không còn khả năng hô hấp. Anh ta đã điều trị ECMO trong 117 ngày. Trong khoảng thời gian gần 1 tháng, lượng khí thông phổi của anh ta chỉ không đến 100cc. Nhưng rồi cuối cùng anh vẫn dần dần hồi phục trở lại.
Điều này quả thật quá thần kỳ. Vậy nên, dưới sự đồn thổi của giới truyền thông, ECMO ở Đài Loan đã trở nên nổi tiếng như vậy, cũng xác thực là có một vài trường hợp rất thành công. Nhưng các kênh truyền thông chỉ đưa tin về những trường hợp thành công chứ không đả động gì đến những ca thất bại.
Thân là một bác sĩ, chứng kiến những ca thành công đương nhiên rất vui mừng, nhưng cũng không thể quên đi những ca thất bại. Nó thật sự ám ảnh tôi. Từng có một đứa trẻ vừa mới chào đời được nửa tháng đã mắc phải bệnh tim bẩm sinh. Sau khi phẫu thuật tim, sự sống hoàn toàn nhờ vào máy trợ tim phổi, vậy nên đã lắp đặt ECMO. Nhưng không đến 3 ngày sau, chân của bé đã chuyển sang màu đen.
Lúc này, bác sĩ phải đối mặt với một lựa chọn đau lòng, hoặc phải cưa mất hai chân của bé rồi tiếp tục cứu chữa với cơ hội thấp, hoặc là chấm dứt điều trị tránh tổn thất, đau đớn. Đây chính là áp lực rất lớn, khiến bạn vô cùng khó xử, tiến thoái lưỡng nan.
Lại có một cậu bé 7 tuổi, mắc viêm phổi, ung thư máu khuẩn cầu đôi, khiến hô hấp vô cùng khó khăn, lại xuất hiện bệnh biến chứng, tứ chi đều đã chuyển sang màu đen.
Là một bác sĩ, bạn phải đối mặt với sự lựa chọn khủng khiếp này. Nếu muốn cứu bé, thì bạn phải cưa bỏ tứ chi, còn như không cứu, thì cần phải tháo các thiết bị đi. Nhưng đôi mắt long lanh của bé vẫn ngước nhìn bạn, ý thức vẫn còn rõ ràng, biết xin nước uống. Ai nỡ đành lòng chấm dứt cơ hội sinh tồn của sinh linh bé nhỏ ấy đây?
Mọi người hãy thử nghĩ xem, trong thời khắc sinh tử, khi bệnh nhân thần trí vẫn rõ ràng, tôi làm sao nói được với họ rằng: "Cậu bé này, nếu như cậu muốn sống tiếp, chúng tôi cần phải cắt bỏ tứ chi của cậu, hoặc là thôi, cậu không cần sống tiếp nữa". Bạn làm sao có thể nói chuyện sống chết này với một cậu bé 7 tuổi đây?
Ngoài 30 tuổi, tôi được làm chủ nhiệm, cảm thấy y học rất lợi hại, cái gì cũng đều có thể giải quyết. Sau khi tôi hơn 40 tuổi, thường có những ca lắp đặt ECMO thất bại, người nhà bệnh nhân hỏi tôi: "Tại sao người khác thì cứu sống được, còn người nhà chúng tôi lại không thể cứu sống?". Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tại sao tứ chi của người bệnh lại chuyển sang màu đen? Nếu tôi biết được thì đã có thể tránh được rồi, nhưng tôi thật sự không hiểu gì cả.
Khi ngoài 50 tuổi, cuối cùng tôi cũng đã nghĩ thông suốt. Bác sĩ là người chứ không phải là Thần, chỉ có thể tận hết sức lực, chỉ vậy mà thôi. Dù cho y học phát triển đến mức nào thì vẫn là có giới hạn. Với khoa học kỹ thuật hiện tại, không có tim, phổi, thận người ta vẫn có thể sống được, nhưng lẽ nào cứ đeo bên mình đống máy móc như vậy mà sống cả đời sao?
Trời đất có Xuân, Hạ, Thu, Đông, cây cỏ mùa Xuân thì đâm chồi, nẩy lộc, mùa Hạ thì kết quả, ra hoa, mùa Thu bắt đầu thay vỏ, vàng lá, đến khi Đông về thì trút lá xạc xào, cành khô, thân nứt. Người làm vườn có cách nào thay đổi được loại quy luật ấy hay không? Họ chỉ có thể tận sức chăm sóc vun trồng để những bông hoa kia khi nở rộ trông đẹp đẽ hơn, sống được thời gian dài lâu hơn mà thôi.
Một bác sĩ có cách nào thay đổi được quy luật "Sinh – Lão – Bệnh – Tử" hay không? Điều này thực sự khó vô cùng. Bác sĩ chỉ là khiến cho người bệnh đang ở giữa vòng tuần hoàn "Sinh – Lão – Bệnh – Tử" ấy mà sống được dễ dàng hơn một chút, chỉ vậy mà thôi. Bác sĩ chỉ là người làm vườn trong vườn hoa của sinh mệnh, anh ta liệu có thể làm được gì khi đứng nhìn những cái cây đã khô héo, khi đối mặt với cái chết đây?
Một ngày nọ, trong lúc tôi đi thăm bệnh nhân, tôi đột nhiên hiểu ra đạo lý này. Kết cục của đời người chỉ có hai loại mà thôi: Cắm ống thở hay là không cắm ống thở. Nhưng rồi sau tất cả vẫn đều là cái chết.
Nếu có người hỏi tôi: "Cái chết là gì?". Đáp án của tôi là: "Làm thế nào mới được coi là sống đây?". Bởi vì con người nhất định đều sẽ chết, vậy nên cái chết không phải là mục đích của đời người. Đời người, trái lại chính là một quá trình. Chúng ta trong quá trình này không ngừng theo đuổi một điều gì đó, đây chính là đời người. Và tôi nói: "Tất cả những thứ người ta theo đuổi, vinh hoa phú quý của đời người chẳng qua chỉ là một đống rác bỏ đi".
Có một lần, tôi mời thầy giáo đã nghỉ hưu của mình và lớp trưởng cùng đi dùng cơm. Ba người chúng tôi lên lầu hai của một nhà hàng Pháp có tên Sheraton, kết quả đã tiêu hết 26.000 Đài tệ (gần 20 triệu đồng), bình quân mỗi người là 9.000 Đài tệ (6,7 triệu đồng). Khi nhìn thấy hóa đơn, mặt mày tôi tái mét: "Sao lại đắt đến vậy chứ!". Tôi chưa từng đến dùng bữa ở nơi nào đắt đỏ như vậy cả, chỉ là chọn đại mấy món, cũng không hiểu đã dùng món gì mà mất đến 26.000 Đài tệ.
Cả ngày hôm ấy và hôm sau, tôi đã không ngừng suy nghĩ về chuyện này. Bữa cơm đã tiêu tốn của tôi mất 9.000 Đài tệ, so với một suất cơm bình dân ở bệnh viện ngày thường tôi vẫn ăn thật chẳng khác nhau chút nào. Dù là cao lương mỹ vị, dù là gan rồng, tuỷ phượng, ăn vào dạ dày rồi lại phải bài tiết ra ngoài. Vinh hoa, phú quý của đời người cũng thế, tranh đoạt cả đời, gom góp một kiếp, chết rồi lại chẳng thể mang theo.
Tư tưởng Nho gia ảnh hưởng rất mạnh mẽ ở Á Đông nhưng đối với vấn đề sự sống – cái chết, họ cũng chỉ bàn đến một mức độ rất bề mặt. "Luận Ngữ" viết: "Vị tri sinh, yên tri tử" (chưa biết đạo lý của đời sống, sao lại thắc mắc về cái chết); hoặc như Khổng Tử cũng nói: "Triêu văn Đạo, tịch khả tử" (sáng nghe đạo, chiều chết cũng yên lòng). Nói tóm lại chính là không thích luận đàm về sống chết.
Còn cá nhân tôi thì luôn nghĩ về cái gọi là "trải nghiệm cận tử". Chỉ khi đối diện với cái chết, khi đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, người ta mới lại nhìn thấu được đời người là gì, ý nghĩa nhân sinh đích thực là chi?
Con người cuối cùng rồi sẽ phải chết, đời người chẳng qua chỉ là một quá trình theo đuổi và tìm kiếm ý nghĩa của nhân sinh. Mà ý nghĩa nhân sinh đó đôi khi không thể dễ mà nhìn ra. Trên con đường trở về với giá trị gốc của mình, người ta sẽ phải đi qua biết bao thống khổ, bơi qua một bể khổ vô bờ. Nghĩ lại thì kiếp sống này thật quá ư mông lung, nhân sinh này chính xác chỉ là giấc mộng.
Trí thức trẻ