MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận 3 ngân hàng thay đổi sau soát xét

04-09-2019 - 15:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng công bố báo cáo tài chính 6 tháng qua soát xét cho kết quả không như báo cáo ban đầu.

Mùa báo cáo tài chính 6 tháng của các ngân hàng đã kết thúc và thời điểm hiện tại các nhà băng lại công bố lượt báo cáo thứ hai đó là báo cáo 6 tháng được soát xét bởi các công ty kiểm toán.

Theo báo cáo soát xét của Eximbank, kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh khoản mục lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhà băng này từ 43,4 tỷ đồng trong báo cáo tự lập tăng lên 154,8 tỷ đồng sau soát xét. Do đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng được tăng thêm tương ứng 111,4 tỷ đồng, đạt 762,5 tỷ đồng.

Được biết, kiểm toán đã điều chỉnh giảm 111,4 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đối với các giao dịch kỳ hạn đang được Eximbank phản ánh trên khoản mục chênh lệch tỷ giá thuộc vốn chủ sở hữu. Cơ sở của việc điều chỉnh là để đảm bảo nguyên tắc số liệu có thể so sánh được giữa các kỳ khi trình bày báo cáo tài chính giữa niên độ.

Trong khi đó báo cáo của ABBank thì cho thấy lợi nhuận sau kiểm toán 6 tháng lại giảm 89 tỷ đồng, từ hơn 525,6 tỷ đồng xuống gần 436,5 tỷ đồng do ghi nhận thêm thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của 6 tháng 2019 theo đề xuất từ đơn vị kiểm toán, từ 25,2 tỷ đồng trước kiểm toán lên gần 114,5 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, theo báo cáo kiểm toán, huy động vốn khách hàng của ABBank tăng 4% so với cùng kỳ nhưng giảm 4% so với đầu năm và mới đạt 78% kế hoạch năm. Cho vay khách hàng tăng 6,4% so với cùng kỳ song cũng giảm 5% và mới đạt 81% kế hoạch. Mặc dù tín dụng tăng rất thấp so với cùng kỳ nhưng thu nhập lãi thuần lại tăng 21%. Tại đại hội cổ đông của ngân hàng, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% và huy động vốn tăng hơn 50%.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến tín dụng không tăng theo xu hướng chung của thị trường, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, tín dụng của An Bình giảm nhẹ so với đầu năm là do tác động của yếu tố mùa vụ và dòng tiền trong kinh doanh của khách hàng. Mặt khác, với chủ trương phát triển gắn với bền vững, ngân hàng này cũng tăng cường rà soát, thẩm định kỹ hơn đối với các hồ sơ vay, đảm bảo cho vay kịp thời và đúng mục đích, nhu cầu của khách hàng, đồng thời đảm bảo tính an toàn cho hệ thống. Cùng với đó, ABBank chủ trương hỗ trợ cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở, siết chặt hơn đối với vay đầu cơ bất động sản. Trong 6 tháng cuối năm, tín dụng chắc chắn sẽ tăng trở lại theo chu kỳ cũng như nhu cầu kinh doanh của thị trường.

Lãnh đạo ABBank cập nhật thêm, đến hết tháng 8/2019, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 745 tỷ đồng, tổng tài sản gần 93.400 tỷ. Trong các hoạt động đáng lưu ý có thu thuần từ phí dịch vụ đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm.

Một trường hợp nữa cũng cho kết quả kinh doanh khác xa so với báo cáo tài chính tự công bố trước đây là SeABank. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sau soát xét đạt 321 tỷ đồng, giảm 56 tỷ đồng so với báo cáo ban đầu, tương đương giảm gần 15%.

Nguyên nhân của SeABank cũng giống ABBank đó là do thuế thu nhập doanh nghiệp tăng mạnh so với kết quả tự lập trước đó. Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất công bố trước đây, thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng là 32,5 tỷ đồng, còn trong báo cáo soát xét là hơn 88 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thay đổi sau khi được soát xét là chuyện bình thường nhưng trong lĩnh vực ngân hàng thường ít hơn, và tại mùa báo cáo 6 tháng năm nay có đến 3 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thay đổi trên dưới trăm tỷ đồng cũng là điều khá bất ngờ.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên