Lợi nhuận của 12 ngân hàng niêm yết có thể giảm 11,9% trong năm nay
FiinGroup cho rằng, việc các ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp là do những tác động của dịch Covid-19 và định hướng chính sách của NHNN về việc chia sẻ khó khăn với khách hàng. Sức ảnh hưởng của Covid-19 hiện vẫn đang được các ngân hàng phân tích, đánh giá ảnh hưởng và có thể điều chỉnh mục tiêu kinh doanh trong 2020 này.
- 02-06-2020HDBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 33%, lợi nhuận cao kỷ lục mới 5.661 tỷ đồng
- 29-05-2020Tổng giám đốc VPBank: Lợi nhuận 5 tháng khoảng 5.100 tỷ đồng, nếu dịch bệnh kiểm soát tốt sẽ phấn đấu lợi nhuận cả năm cao hơn 10-20% so với mục tiêu
Nhóm phân tích dữ liệu của FiinGroup vừa có báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 dưới góc nhìn về phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp.
Tỷ lệ nợ xấu trên BCTC tăng nhẹ, chưa phản ánh đủ tác động của Covid-19
Với riêng ngành ngân hàng, FiinGroup cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 của 18 ngân hàng niêm yết tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 11,5% so với quý liền kề.
Lợi nhuận của các ngân hàng có mức tăng trưởng thấp do các ngân hàng vẫn giữ được lợi nhuận từ hoạt động tín dụng. Biên lãi ròng (NIM) giảm nhẹ 1,1 điểm cơ bản so với quý 4/2019 còn 0,87% trong khi Tỷ lệ Nợ xấu (NPL) vẫn duy trì ở mức khá thấp 1,65% tại cuối quý 1/2020.
Điểm đáng lưu ý là các tác động của Covid-19 theo nhóm phân tích mới chỉ phản ánh một phần vào kết quả kinh doanh của quý 1/2020. Cụ thể, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã cơ cấu lại 13,5 nghìn tỷ nợ cho khoảng 12 nghìn khách hàng do ảnh hưởng của Covid-19 trong quý 1/2020. Theo Thông tư 01 của NHNN thì dư nợ được cơ cấu này sẽ vẫn được hạch toán là Nợ đủ tiêu chuẩn và do đó không phải trích dự phòng.
Tuy nhiên, điểm khá đặc biệt là các ngân hàng không phải trích lãi dự thu từ các khoản nợ được cơ cấu này và tổng dư nợ được cơ cấu lại là gần 138 nghìn tỷ đồng tính đến 11/5/2020. Điều này sẽ làm cho thu nhập lãi thuần có thể giảm trong quý 2 này nhưng lợi ích là các ngân hàng cũng không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trên phần lãi dự thu đó.
Trong quý 1/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 16 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,44% cuối quý 4/2019 lên 1,65%. 6/18 ngân hàng niêm yết công bố thuyết minh trái phiếu VAMC với tổng dư nợ là hơn 4,85 nghìn tỷ đồng, giảm từ mức 6 nghìn tỷ cuối quý 4/2019.
Trong quý 1/2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 16 ngân hàng niêm yết là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước về tương đương mức quý 1/ 2018. Tỷ lệ tạo mới nợ xấu (NPL formation rate) tính bằng thay đổi tổng nợ nhóm 3– 5 trong quý chia cho dư nợ trung bình quý.
Theo Thông tư Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ 23/1-28/3/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong quý 1/2020 sẽ ở mức cao hơn. Điều này cũng sẽ tương tự trong các quý sau, khi đến 11/5/2020 con số dư nợ được cơ cấu lại đã là gần 138 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng dự kiến giảm 11,9% trong năm 2020
Về bức tranh chung của năm 2020, theo FiinGroup, số liệu được tổng hợp từ 12/18 ngân hàng niêm yết, chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành, đã công bố chỉ tiêu kế hoạch 2020 sau đại hội cổ đông hoặc được các chuyên viên phân tích đưa ra dự báo lợi nhuận 2020, thì dự kiến lợi nhuận sau thuế được tính toán sẽ giảm 11,9% trong năm 2020 này. Các chỉ tiêu này được đặt ra phần lớn là sau khi dịch đã được kiểm soát trong thời gian gần đây.
Việc đặt chỉ tiêu thấp là do những tác động của dịch Covid-19 và định hướng chính sách của NHNN về việc chia sẻ khó khăn với khách hàng. Sức ảnh hưởng của Covid-19 hiện vẫn đang được các ngân hàng phân tích, đánh giá ảnh hưởng và có thể điều chỉnh mục tiêu kinh doanh trong 2020 này.
Theo nhóm phân tích, báo cáo tài chính quý 1/2020 của các ngân hàng vẫn chưa phản ánh đầy đủ chi phí dự phòng có thể gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những khó khăn về lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp. Tỷ lệ Chi phí dự phòng/ Dư nợ tăng nhẹ từ mức 0,32% lên 0,42% và chủ yếu bởi chi phí dự phòng được hạch toán tăng thêm ở hai ngân hàng là VCB và VPB. Số liệu từ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 cho thấy chi phí dự phòng phát sinh thường có độ trễ rất dài do việc xác định các ảnh hưởng đòi hỏi thời gian đánh giá và phân tích cũng như do sự thay đổi về các chính sách hạch toán kế toán để thích ứng của ngành.