Lợi nhuận đầu tư dầu mỏ năm nay vượt trội so với chứng khoán và ngoại hối
Giá dầu đang chứng tỏ khả năng chống chịu rất tốt đối với mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và đã tăng vượt trội so với cả tài sản rủi ro (chứng khoán và tiền kỹ thuật số) cũng như tài sản trú ẩn an toàn (USD).
- 02-08-2022Lộ diện ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh nhất quý 2/2022
- 31-07-2022Những sự kiện đáng chú ý tuần tới: Các ngân hàng trung ương đã đến lúc bị bắt buộc nâng lãi suất
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy hai hợp đồng chính trên thị trường dầu mỏ (dầu Brent biển Bắc kỳ hạn tương lai và dầu ngọt nhẹ Mỹ kỳ hạn tương lai) đều tăng giá khoảng 30% từ đầu năm đến nay giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu của Nga khiến nguồn cung vốn đã eo hẹp lại càng thêm hạn chế.
Trong khi đó Chỉ số chứng khoán toàn cầu (ACWI) giảm khoảng 15%. Theo đó, chỉ số chứng khoán MSCI của 47 quốc gia trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đã giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này ra đời – năm 1990 – do lạm phát vọt lên mức cao nhất trong vòng 40 năm và các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - đã tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay.
Giá dầu tăng vượt trội so với chứng khoán và đô la Mỹ trong năm 2022.
Ngay cả tiền điện tử tăng giá mạnh trong tháng 7 vừa qua, nhưng so với đầu năm 2022 hiện vẫn thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, Bitcoin đã tăng hơn 17% trong tháng 7, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021, trong khi Ether tăng 57%, nhiều nhất kể từ tháng 1/2021, song so từ đầu năm đến nay thì 2 loại tiền điện tử lớn nhất này vẫn giảm lần lượt 39% và 34%.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Lượng dầu tồn kho thấp và công suất dự phòng ngày càng giảm là nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng mạnh".
Trong phần lớn thời gian suốt hai năm qua, sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC +, thấp hơn mục tiêu sản lượng mà họ đã thống nhất do nhiều thành viên phải vật lộn với các vấn đề về năng lực sản xuất. Nguồn cung dầu thiếu hụt lên tới khoảng 3 triệu thùng/ngày trong tháng 6 - chiếm khoảng 3% nguồn cung toàn cầu - dữ liệu nội bộ của OPEC + cho thấy.
Ngân hàng MUFG cho biết: "Niềm tin vào việc giá hàng hóa tăng vẫn còn đó, miễn là nhu cầu vẫn cao hơn cung", "Ngược lại, thị trường tài chính là những tài sản mang tính chất dự đoán, được thúc đẩy bởi 'tốc độ' tăng trưởng nhu cầu, mà nhu cầu rõ ràng là đang giảm".
Nhà phân tích Craig Earlam của Oanda bổ sung rằng thị trường chứng khoán đã bị tác động tiêu cực bởi nhiều diễn biến khác nhau, bao gồm cả giá dầu – yếu tố đang góp phần làm tăng mức lạm phát.
Trong khi JP Morgan điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trung bình trong năm nay và năm tới, họ vẫn cho rằng thị trường vẫn chưa định giá việc giá dầu sẽ suy yếu. Theo ngân hàng này, giá dầu có xu hướng giảm khoảng 30% đến 40% trong tất cả các cuộc suy thoái, song các bằng chứng lịch sử cho thấy nhu cầu dầu được hỗ trợ tốt miễn là tăng trưởng toàn cầu vẫn tích cực.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực và có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, theo dự báo của IMF thì kinh tế thế giới vẫn có tăng trưởng chứ chưa rơi vào suy thoái.
Cụ thể, trong báo cáo cập nhật mang tên "Triển vọng kinh tế thế giới," IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng Tư, do GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý 2 do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga. Đồng thời, dự báo về tăng trưởng GDP của thế giới năm 2023 cũng được điều chỉnh từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng Tư xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Trong đó, Mỹ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% năm 2022 và 1% năm 2023.
Tham khảo: Reuters