Lợi nhuận doanh nghiệp dược phẩm đi xuống trong quý III
Lợi nhuận doanh nghiệp dược phẩm bắt đầu đi xuống, nguồn: internet
Xuất hiện các khoản lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và về mức thấp nhất trong 4 quý của nhiều doanh nghiệp dược.
Đa phần doanh nghiệp dược phẩm đều “ăn nên làm ra” trong nửa đầu năm bất chấp kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, theo thống kê của Nhadautu.vn , bước qua quý III ngành dược đã xuất hiện những khoản lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức thấp nhất trong 4 quý ở các doanh nghiệp đầu ngành.
Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) báo cáo doanh thu quý III giảm 5,3% xuống 1.099 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 49,8% xuống 46,8%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý đồng thời tăng 13% và 29%. Theo đó, lãi ròng đạt 166 tỷ đồng, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tương tự Dược Hà Tây (HoSE: DHT) báo cáo doanh thu quý vừa qua giảm 3% xuống 479 tỷ đồng, lãi ròng giảm 21% xuống 18 tỷ đồng – thấp nhất 2 năm.
Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3) và Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) cũng báo cáo lợi nhuận về mức thấp nhất trong 4 quý gần đây nhưng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Dược phẩm Trung ương 3 đạt 91 tỷ đồng doanh thu quý III, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Song, chi phí bán hàng giảm 27% về 29 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm 18% về 12 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận ròng tăng 16% lên 19 tỷ đồng.
Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) công bố doanh thu quý III tăng 12% lên 467 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 25% đạt 70 tỷ đồng – thấp nhất trong 4 quý (giai đoạn quý IV/2022 – quý III/2023 ghi nhận từ 78 – 80 tỷ đồng). Công ty cho biết nhờ chiến lược mở rộng thị trường, cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra giúp doanh thu thuần tiếp tục tăng; đồng thời, quản lý hiệu quả chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp ngược dòng, tiếp tục chinh phục mức cao hơn. Dược Danapha (UPCoM: DAN) có thêm quý thăng hoa, lợi nhuận quý III cao nhất trong vòng 7 năm đạt 31 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 13%, biên lãi gộp cải thiện và chi phí bán hàng giảm 44% là các yếu tố chính giúp lợi nhuận tăng mạnh. Doanh nghiệp cho biết đã thay đổi chiến lược chính sách bán hàng để phù hợp với tình hình thị trường.
Trong định hướng phát triển, Danapha lên kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu, Đông Nam Á, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc; duy trì và phát triển kênh ETC (đấu thầu qua bệnh viện) đối với nhóm sản phẩm đông dược và tâm thần; tập trung đẩy kênh OTC (không kê đơn) để tăng độ phủ, tăng tính nhận diện thương hiệu.
Mặc dù lợi nhuận có phần phân hóa trong quý III nhưng nhờ kết quả cao nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp dược vẫn ghi nhận tăng trưởng khi xét 9 tháng, một vài đơn vị đã vượt kế hoạch năm.
Dược Hà Tây vượt 12% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng với 90 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Dược Danapha vượt 52% mục tiêu lợi nhuận trước thuế và tăng trưởng 80% đạt 94 tỷ đồng. Imexpharm tiến sát mục tiêu năm khi hoàn thành 94% kế hoạch lợi nhuận với 286 tỷ đồng. Doanh nghiệp đầu ngành Dược Hậu Giang cũng thực hiện được 77% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm sau 9 tháng với 867 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Kênh OTC khó duy trì đà tăng do sức mua yếu
Nhìn chung, dù lĩnh vực kinh doanh thiết yếu nhưng ngành dược phẩm cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sức mua yếu đi khi thu nhập người tiêu dùng giảm, đặc biệt là kênh OTC. Theo Imexpharm, sức mua trên thị trường OTC duy trì tăng trưởng trong quý I nhưng từ quý II có xu hướng giảm, đà tăng nửa cuối năm gặp thách thức. Kênh OTC đóng góp 58% kênh doanh thu của công ty.
Dược Hậu Giang cũng cho biết tác động khó khăn từ tình hình kinh tế chung đã làm giảm sức mua, tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam vẫn chưa đạt mức kỳ vọng, trong đó có ngành dược phẩm khiến doanh thu quý III giảm. Bên cạnh đó, Dược Hậu Giang cũng đang tăng cường các hoạt động marketing, đầu tư phát triển sản phẩm mới nhằm thực hiện các chiến lược dài hạn đẩy chi phí lên cao.
Dược Hậu Giang mới đẩy kênh ETC gần đây, tỷ trọng 13% trên doanh thu hàng sản xuất của công ty vào 2022.
Lúc này kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng. Theo FPTS, kênh ETC đang là kênh phân phối chủ đạo chiếm 70% giá trị thị trường dược phẩm và tiếp tục là kênh phân phối chính khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế càng tăng.
Trong năm 2022, sau khi trải qua dịch bệnh COVID-19, Cục quản lý Dược – Bộ Y tế đã đưa ra một số thông tư và văn bản giúp các doanh nghiệp dược dần tháo gỡ được khó khăn, đảm bảo sản xuất. Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 ban hành vào tháng 3 của Chính phủ đã phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt cho bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, nhất là việc tổ chức mua sắm đấu thầu và gia hạn giấy lưu hành thuốc.
Báo cáo của Imexpharm cho hay những giải pháp này đã giúp hoạt động đấu thầu thuốc ETC trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối quý II, lượng hàng cung cấp có dấu hiệu cải thiện và tương đối đầy đủ tại các bệnh viện, thuốc ngoại đã được nhập về nhiều hơn so với trước đây.
Nhà Đầu Tư