MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận doanh nghiệp thép quý II đồng loạt lao dốc từ đỉnh cùng kỳ năm trước

26-07-2022 - 17:15 PM | Doanh nghiệp

Hòa Phát, Thép SMC, Thép Vicasa – Vnsteel, Thép Thủ Đức – Vnsteel đồng thời công bố lợi nhuận quý II giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ thép quý II giảm gần 4% trong khi giá bán thép xây dựng bị điều chỉnh giảm 9-10 lần. SSI Research dự báo tỷ suất lợi nhuận các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục giảm trong quý III.

Lợi nhuận lao dốc từ đỉnh

Quý II năm trước, hưởng lợi từ giá thép tăng nóng trong khi tồn kho giá thấp, hàng loạt doanh nghiệp thép từ lớn đến nhỏ công bố lợi nhuận đột biến, đạt đỉnh. Sang đến quý II năm nay, nhiều doanh nghiệp thép công bố lợi nhuận giảm sâu, có đơn vị giảm đến 98% và thậm chí thua lỗ.

Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) vừa công bố lợi nhuận sau thuế quý II đạt 4.023 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 7 quý. Quý II năm trước là quý có lức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận đạt 12.229 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ trong khi doanh thu tăng 24% và sản lượng tiêu thụ tăng 6%.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép quý II đồng loạt lao dốc từ đỉnh cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Đơn vị: tỷ đồng

Đầu tư thương mại SMC ( HoSE: SMC ) báo cáo lợi nhuận quý II giảm 90% về 47 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng giảm 82% về 127 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá thép có xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng. Biên lợi nhuận gộp của công ty thép giảm mạnh từ vùng 10-11% xuống 3% trong quý II và lũy kế 6 tháng.

Thép Vicasa – Vnsteel ( HoSE: VCA ) cho biết sản lượng tiêu thụ quý II giảm 27,3%. Đồng thời, giá hàng hóa biến động liên tục, tỷ lệ tăng giá bán so với giá vốn thấp hơn 7,1% khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm đến 98% xuống 502 triệu đồng.

Nhu cầu và giá bán giảm khiến doanh thu quý II của Thép Tiến Lên ( HoSE: TLH ) giảm phân nửa xuống 306 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng mạnh nhưng chi phí cũng tăng không kém do trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán. Chi phí bán hàng và quản lý cùng được tiết giảm giúp lợi nhuận công ty còn giảm 12% xuống 47 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 30% lên 1.211 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 4% đạt 84 tỷ đồng.

Thép Thủ Đức – Vnsteel ( UPCoM: TDS ) báo lỗ gần 2 tỷ đồng quý II trong khi cùng kỳ năm trước lãi kỷ lục 34 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ giảm 50,4%, doanh thu giảm hơn 45% và kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp 2,5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lý giải giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay khiến sản lượng tiêu thụ giảm, công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng đến giá vốn. Mặt khác, tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng đến dòng tiền, kèm việc siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao làm chi phí lãi vay tăng.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép quý II đồng loạt lao dốc từ đỉnh cùng kỳ năm trước - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng


Tiêu thụ và giá thép cùng giảm trong quý II

Nhu cầu thấp cùng giá thép liên tục điều chỉnh giảm là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận doanh nghiệp thép đồng loạt lao dốc từ đỉnh cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép thành phẩm quý II đạt 7 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Thép xây dựng ghi nhận tăng nhẹ 3,5% nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh, các mặt hàng khác đều giảm từ 4% đến 14%, giảm mạnh nhất là tôn mạ.

Lợi nhuận doanh nghiệp thép quý II đồng loạt lao dốc từ đỉnh cùng kỳ năm trước - Ảnh 3.

Đơn vị: triệu tấn


Xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, tăng 2,2% với động lực từ thép xây dựng ghi nhận tăng 46,4%, các mặt hàng khác như ống thép giảm 2,5%, tôn mạ giảm 12%, thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 18%, thép cán nguội tương đương cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng, bán hàng thép thành phẩm tăng 0,6% đạt 15,1 triệu tấn nhờ quý I tăng 15% do nhu cầu dồn nén trước ảnh hưởng dịch bệnh năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,6 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép như quặng sắt, thép phế, than cốc cuối quý II đã giảm 40-50% so với cuối quý II. VSA chỉ ra nguyên nhân là do Trung Quốc – đất nước tiêu thụ một nửa tổng lượng thép toàn cầu áp dụng chính sách Zero Covid, đóng cửa liên tiếp làm ngưng trệ hoạt động thương mại và tê liệt hoạt động xây dựng.

Diễn biến lao dốc của giá nguyên liệu từ cuối tháng 4 khiến thị trường trong nước chững lại. Nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ… Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do tồn kho giá cao, mức độ cạnh tranh khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần lẫn nhau.

Chỉ trong 2 tháng 5 và 6, giá thép xây dựng trong nước điều chỉnh giảm 9-10 lần với tổng mức giảm 2,1 – 2,35 triệu đồng/tấn thép. Giá bình quân vào khoảng 16.950 – 17.200 đồng/kg trong quý II. Tính đến 22/7, giá thép xây dựng vẫn tiếp tục giảm về vùng 15.550 đồng/kg – 16.160 đồng/kg.

Tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp thép giảm tiếp trong quý III

SSI Research dự báo giá thép trong thời gian tới khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây khi mà tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu. Song, sự phục hồi cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Với các doanh nghiệp thép trong nước, SSI Research nhận định tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm trong quý II và quý III nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019.

Cụ thể, trong năm 2018-2019, việc lợi nhuận tăng trưởng mạnh giai đoạn 2016-2017 đã thúc đẩy nhiều công ty tăng công suất từ 50% - 100%, đặc biệt trong lĩnh vực tôn mạ. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác như Hòa Phát và Pomian ( HoSE: POM ) cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tôn mạ, làm gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, nợ và hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đầu năm 2018 cũng rất cao, khiến họ phải cắt giảm biên lợi nhuận trong năm 2018-2019 để đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay.

Ngược lại, không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng trong giai đoạn 2020-2021. Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như Hòa Phát, Nam Kim ( HoSE: NKG ) và Tôn Đông Á đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới, nhưng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này, do công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022. Ngoài ra, mức nợ của các công ty tôn mạ cũng đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, song cũng có thể giúp giảm chi phí sản xuất trong các quý tiếp theo.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên