MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận không tưởng của các nhà sản xuất dầu và vũ khí Mỹ

08-11-2022 - 08:07 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã đút túi hàng trăm tỉ USD kể từ tháng 2 khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.

Financial Times dẫn báo cáo thu nhập và ước tính do S&P Global Commodity Insights thực hiện cho thấy tổng lợi nhuận ròng của các tập đoàn dầu khí có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đạt 200,24 tỉ USD trong quí II và quý III/2022 - đánh dấu mức lợi nhuận kỷ lục của ngành trong vòng 6 tháng.

Con số hơn 200 tỉ USD, bao gồm lợi nhuận của các tập đoàn lớn và các công ty có quy mô trung bình, cũng như các nhà khai thác dầu đá phiến độc lập nhỏ hơn. Các công ty dầu của Mỹ kiếm được khoản lợi nhuận cao chưa từng thấy trong lịch sử, nhờ được hưởng lợi từ thời kỳ bất ổn địa chính trị do cuộc xung đột tại Ukraine làm rung chuyển thị trường năng lượng.

Theo dự đoán của Hassan Eltorie, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vốn cổ phiếu ngành khai thác dầu khí tại S&P Global Commodity Insights, ngành dầu khí Mỹ có thể ghi nhận mức doanh thu kỷ lục trong năm nay.

Báo cáo cũng lưu ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã ví những khoản thu nhập vượt mức đó như một "cơn gió chướng của chiến tranh", đồng thời cáo buộc các công ty dầu khí đã "trục lợi" từ cuộc chiến Ukraine. Tổng thống Biden nói ông sẽ yêu cầu Quốc hội đánh mức thuế lớn hơn với các công ty dầu khí.

Trả lời trước viễn cảnh về việc áp thuế, Darren Woods, Giám đốc điều hành (CEO) ExxonMobil, công ty có quý đạt lợi nhuận cao nhất từ ​​trước đến nay, nhấn mạnh: "Việc chia cổ tức lớn cũng nên được xem là cách công ty trả lại một số lợi nhuận trực tiếp cho người dân Mỹ".

Lợi nhuận không tưởng của các nhà sản xuất dầu và vũ khí Mỹ - Ảnh 1.

Công ty dầu Mỹ Exxon Mobil báo cáo lợi nhuận ròng quý III/2022 đạt 19,66 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Reuters

Báo cáo tiếp tục giải thích: Lợi nhuận tăng vọt của các công ty dầu của Mỹ còn nhờ dòng tiền tự do tăng vọt, tức dòng tiền còn lại sau khi đã chi trả cho mọi chi phí cần thiết. Đồng thời, báo cáo còn chỉ ra rằng giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn dầu thế giới, đạt trung bình hơn 105 USD/thùng trong quý II và quý III/2022, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình là 70 USD/thùng trong 5 năm trước đó.

Giá dầu đã đạt mức vượt gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3, tức không lâu sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra hôm 24-2.

Trong khi đó, Phố Wall đã yêu cầu các công ty ưu tiên lợi nhuận của cổ đông hơn các chiến dịch khoan tốn kém để theo đuổi tăng trưởng sản lượng ngày càng lớn.

Financial Times dẫn ước tính từ ngân hàng đầu tư Raymond James nhận định, chi tiêu vốn của 50 nhà sản xuất lớn dầu lớn nhất thế giới sẽ vào khoảng 300 tỉ USD trong năm nay, gần bằng một nửa so với năm 2013, dù giá cả ở mức tương đương.

Pavel Molchanov, một nhà phân tích của Raymond James, cho biết: Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp đã chuyển từ "đào mỏ" sang tập trung vào những gì cổ đông thực sự muốn đó là lợi tức trên vốn. Cổ tức và mua lại cổ phiếu chưa bao giờ hào phóng đến thế.

Mỹ còn "giàu to" về xuất khẩu vũ khí sang châu Âu

Doanh số bán vũ khí quân sự Mỹ cho châu Âu tăng vọt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào nước láng giềng Ukraine hôm 24-2.

Theo Yahoo News , các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tăng cường kho vũ khí của họ với ngân sách khoảng 230 tỉ USD. Tính riêng Đức đã nâng kế hoạch hiện đại hóa quân đội lên mức 100 tỉ USD trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ - nơi sản xuất và xuất khẩu nhiều vũ khí hơn bất kỳ quốc gia nào khác - đã hưởng lợi lớn nhất với doanh số bán hàng đến nay đã đạt trên 82 tỉ USD.

Tại nhiều nước châu Âu khác, cũng có hơn một nửa chi tiêu quân sự gần đây có liên quan đến các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ.

Na Uy đã dành 83% các khoản tiền trang bị vũ khí để mua hàng của Mỹ; Anh mua của Mỹ 77% trên tổng số tiền trang bị vũ khí; tỉ lệ tương tự ở Ý là 72% và Hà Lan chi 95% cho vũ khí do Mỹ sản xuất trong giai đoạn 2017- 2021.

Theo Bằng Hưng

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên