Lợi nhuận "khủng" từ các cơ sở sản xuất sữa "3 không"
Ông chủ một nhãn hiệu sữa cho biết, nếu các đại lý bán được sản lượng tốt thì sẵn sàng chiết khấu lên tới trên 50%.
- 29-07-2022Xưởng sản xuất sữa bột số lượng lớn "3 không" ở TP Hồ Chí Minh
- 06-06-2022Mỹ cảnh báo khủng hoảng nguồn cung sữa bột chưa sớm kết thúc
- 25-05-2022Vì sao Mỹ "khát" sữa công thức?
Như đã phản ánh trong các chương trình trước, một số các công ty sản xuất sữa bột tại TP Hồ Chí Minh đã đặt hàng gia công sữa từ một xưởng sản xuất sữa không đảm bảo vệ sinh theo quy định. Trong khi đó vẫn ra rả quảng cáo là sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy lớn theo tiêu chuẩn quốc tế. Lợi nhuận thu lại được từ việc này là khá lớn, vì thế đã không ít công ty vẫn bất chấp để sản xuất, và sử dụng nhiều chiêu trò để bán được hàng.
Như một hộp sữa có nhãn hiệu Alan Milk 850g được sản xuất gia công tại xưởng này, trong điều kiện công nhân không có bảo hộ lao động, không dây chuyền máy móc hiện đại, không đảm bảo vô trùng. Thế nhưng, sau khi xuất xưởng, ra ngoài thị trường tới tay người tiêu dùng, giá của hộp sữa này lại không hề rẻ chút nào là 580.000 đồng/hộp.
Giá bán cao nhưng giá thành sản xuất ra những hộp sữa bột này lại khá rẻ. Theo chia sẻ của ông chủ xưởng sản xuất sữa gia công này, thì tùy từng nhãn sữa, mà giá bán xuất xưởng đã có lãi sau gia công tới tay các công ty chịu trách nhiệm phân phối thì dao động từ 160.000 đến dưới 200.000 đồng/hộp.
Lãi gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, trong khi lại không cần đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại. Vì thế các công ty sản xuất sữa bột kiểu đặt hàng gia công cũng mọc lên nhanh như nấm. Ông chủ một nhãn hiệu sữa cho biết, nếu các đại lý bán được sản lượng tốt thì sẵn sàng chiết khấu lên tới trên 50%.
Chiết khấu cao, nên các sản phẩm sữa bột này cũng được các đại lý đẩy mạnh tiêu thụ, sản phẩm trở nên "đắt hàng", nhất là trên các trang mạng xã hội.
Còn đối với người tiêu dùng nếu mua phải các nhãn sữa này sẽ bị "thiệt đơn, thiệt kép", khi vừa phải mua với giá cao, lại vừa không được đảm bảo về mặt chất lượng.
"Công nhân sản xuất lại không đeo khẩu trang, dùng tay trần đóng sữa thì càng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật vào sản phẩm. Có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, trong một số trường hợp về lâu dài độc tố sinh ra từ vi nấm có thể gây ung thư", PGS.TS.BS Vũ Thị Thu Hiền - Trưởng khoa hóa sinh và chuyển hóa dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất sữa bột không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, đối với sữa bột dành cho trẻ em, đối tượng nhạy cảm thì nên có quy định chặt chẽ hơn, thay vì để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm như hiện nay. Việc tự công bố dẫn đến dễ dàng xuất hiện hàng trăm, nghìn nhãn sữa mới, càng khó khăn cho việc quản lý, và người tiêu dùng thì phải loay hoay giữa "ma trận" sữa bột.
Giữa "ma trận" sữa bột thì các bà mẹ hãy là những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn các loại sữa bột uy tín, có thương hiệu lâu năm, có nguồn gốc rõ ràng, tránh tình trạng mua phải các loại sữa bột kém chất lượng, để "tiền mất, tật mang".
VTV.VN