Lợi nhuận năm 2018 đạt kỷ lục, điều gì khiến cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC) bị bán mạnh ngay khi ra tin?
Năm 2019, Vĩnh Hoàn được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn khi áp lực cạnh tranh gia tăng, cũng như mức giá khó có thể tốt như năm trước.
- 28-01-2019Vĩnh Hoàn (VHC) lãi gần 1.500 tỷ trong năm 2018, tương đương lợi nhuận 3 năm trước cộng lại
- 22-01-2019Năm 2018, xuất khẩu cá tra phá kỷ lục 20 năm, riêng Vĩnh Hoàn đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thành công
Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận những tín hiệu hết sức tích cực khi kim ngạch xuất khẩu thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu cá tra khi tăng trưởng 26,4% lên 2,26 tỷ USD.
Với sự khởi sắc của ngành thủy sản, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt những doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn (Mã CK: VHC) đã có một năm kinh doanh ngoạn mục.
Theo số liệu mới được công bố, trong năm 2018, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 9.323 tỷ đồng – tăng 14%; Lợi nhuận sau thuế 1.452 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt 15.585 đồng. Đây đều là những con số kỷ lục từ trước tới nay mà công ty đạt được. Thậm chí, lợi nhuận Vĩnh Hoàn đạt được trong năm vừa qua tương đương lợi nhuận trong 3 năm 2015; 2016 và 2017 cộng lại.
Lợi nhuận Vĩnh Hoàn năm 2018 bằng 3 năm trước cộng lại
Mặc dù kết quả kinh doanh đạt được rất tích cực, tuy nhiên cổ phiếu VHC bất ngờ bị bán mạnh và giảm 6.100 đồng (6,3%) xuống 90.200 đồng ngay khi thông tin lợi nhuận năm 2018 được công bố. So với đỉnh được thiết lập từ cuối tháng 11/2018, cổ phiếu VHC đã mất đi khoảng 18% giá trị.
Điều gì khiến cổ phiếu VHC bị bán mạnh khi công bố lợi nhuận kỷ lục?
Trong năm 2018, mức thuế POR13 làm các nghiệp thủy sản (trừ Vĩnh Hoàn, Biển Đông vẫn hưởng mức thuế 0%) gặp khó trong việc xuất khẩu vào Mỹ khiến nguồn cung bị thu hẹp. Nhờ đó, Vĩnh Hoàn nhanh chóng tăng được giá bán và chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ.
Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi khác như Trung Quốc, Asean vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, trong khi nguồn cung trong nước thiếu hụt khiến giá bán trung bình tại các thị trường này tăng 25 – 30%.
Những yếu tố trên đã giúp Vĩnh Hoàn có năm tăng trưởng thần tốc. Tuy vậy, sang năm 2019, Vĩnh Hoàn sẽ khó có thể duy trì được những thuận lợi như năm trước và điều này khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán cổ phiếu ngay khi ra tin lợi nhuận kỷ lục.
Yếu tố đáng lo ngại đầu tiên với Vĩnh Hoàn trong năm 2019 là việc mức thuế POR 14 được áp dụng. Đối với sản phẩm cá tra, ngày 13/9/2018, Bộ Thương mại Hoa kỳ thông báo kết quả sơ bộ kỳ POR14 đối với cá tra bình quân còn 0,41 USD/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,87 USD/kg kỳ trước (POR 13). Mức thuế thấp như vậy sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cá tra xuất khẩu trở lại Mỹ và điều này sẽ gây nên áp lực cạnh tranh mạnh mẽ, làm giảm thị phần của Vĩnh Hoàn.
Theo ước tính của CTCK BSC, thị phần của Vĩnh Hoàn tại Mỹ sẽ giảm từ mức 50% về 45% như năm 2017 – năm có mức thuế CBPG tương đương với mức thuế sơ bộ POR 14.
Yếu tố đáng lo ngại tiếp theo trong năm 2019 với Vĩnh Hoàn là mức giá bán khó có thể tiếp tục tăng trưởng. Năm 2018, mức giá bán cá tra của Vĩnh Hoàn vào các thị trường đều tăng trưởng 25 – 30%, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, vượt cả dự báo của chính công ty (Vĩnh Hoàn kỳ vọng mỗi năm tăng giá bán khoảng 7,5%/năm).
Với mức giá này, cá tra đang tiệm cận với mức giá xuất khẩu vào Mỹ của cá hồi – sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn. Do đó, CTCK BSC cho rằng giá xuất khẩu trung bình năm 2019 sẽ khó có đà tăng trưởng tiếp, thậm chí có thể giảm khi nguồn cung tăng.
Ngay trong quý 4/2018, biên lãi gộp của Vĩnh Hoàn cũng giảm mạnh xuống 21%, từ mức 30% trong quý trước đó và điều này cũng góp phần khiến cổ phiếu VHC bị bán mạnh ngay khi ra tin.