Lợi nhuận ngân hàng 2018 cân đong đến phút cuối
Có những thành viên đã nắm chắc khả năng vượt xa chỉ tiêu, nhưng có trường hợp phải cân đong đến phút cuối...
- 25-11-2018Cái bóng của lợi nhuận ngân hàng 2018 quá lớn?
- 02-11-2018Nhiều thay đổi trong Top 5 lợi nhuận ngân hàng
- 25-10-2018Lợi nhuận ngân hàng Việt vừa bơi vừa… đeo tạ
Năm 2018, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là thành viên đầu tiên trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hạ chỉ tiêu lợi nhuận năm. Và đây không phải trường hợp duy nhất.
Sau thay đổi nhân sự cao cấp, một nguyên do chính khiến LienVietPostBank hạ chỉ tiêu lợi nhuận là tăng trưởng tín dụng không được như kỳ vọng. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ 14% từng được lãnh đạo ngân hàng này cho là hạn chế, và đã xin được nới thêm.
Sau 11 tháng đầu năm, thông tin cập nhật vừa qua từ LienVietPostBank cho biết, họ sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau điều chỉnh, trong đó có động lực từ gia tăng nguồn dịch vụ.
Tín dụng được giao chỉ tiêu tăng trưởng thấp cũng là trở ngại chính trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng Việt Nam năm 2018.
Không chỉ tại LienVietPostBank, tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), sau đợt phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cuối 2017, kế hoạch hoạt động những năm tới được xây dựng trên kỳ vọng tín dụng tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước siết lại chỉ tiêu tín dụng, các cân đối hoạt động của HDBank có thể phải điều chỉnh lại, dù đây là thành viên tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Sau tuần đầu tiên của tháng 12, khi năm 2018 gần kết thúc, thị trường bất ngờ đón nhận quyết định hạ mạnh chỉ tiêu lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Dù chỉ tiêu mới được xem là tối thiểu, nhưng mức lợi nhuận 6.700 tỷ đồng là điều chỉnh rất lớn so với 10.800 tỷ đồng từng có trong dự kiến đầu năm.
Chưa hết, ngay sau VietinBank, một công ty chứng khoán đề cập đến trường hợp Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giảm mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và tín dụng năm nay, dù chưa có thông tin chính thức công bố từ VPBank.
Dù chỉ số ít thành viên giảm chỉ tiêu như trên, nhưng kết quả lợi nhuận ngân hàng năm 2018 đến nay cho thấy không nhiều thuận lợi trong thực hiện các chỉ tiêu như trong năm 2017.
Ngược lại, cho đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu đã xác định qua đại hội đồng cổ đông đầu năm. Nhiều thành viên cho biết đã nắm chắc khả năng hoàn tất, thậm chí vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), sau kết quả 9 tháng, lãnh đạo ngân hàng này cho biết họ tin tưởng sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm, cũng như tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đều đặn trong năm tới. Tại Techcombank, tăng trưởng tín dụng 2018 đã được Ngân hàng Nhà nước nới lên 20%, sau bước tăng mạnh vốn giữa năm nay.
Cuối tháng 11 vừa qua, từ sự kiện nguyên lãnh đạo cao cấp bị bắt, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nhanh chóng cập nhật tình hình kinh doanh, cho biết đến cuối tháng 11/2018 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó lợi nhuận tăng trưởng 18%.
Ngay trong nửa đầu tháng 12/2018, thị trường ghi nhận trường hợp Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thoái vốn xong tại Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đồng nghĩa một khoản thu lớn sẽ được hạch toán trong năm nay. Và với kết quả định hình sau 11 tháng, cùng với kết quả thoái vốn, dự kiến lợi nhuận Vietcombank năm nay sẽ tiếp tục tạo kỷ lục mới trên 15.000 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch năm.
Ở tình hình chung, như trên, tín dụng là một cấu phần có ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận các ngân hàng năm nay, theo định hướng siết lại của Ngân hàng Nhà nước qua các chỉ tiêu cụ thể được giao.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, theo thông tin đưa ra cuối tuần qua, năm nay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến sẽ ở mức thấp nhất trong bốn năm qua, thấp hơn nhiều so với hai năm gần nhất 2016 và 2017, ước tính dưới 16% và chỉ quanh 15,5%.
Vneconomy