Lợi nhuận sụt mạnh, nợ xấu tăng vọt tại các ngân hàng Trung Quốc do Covid-19
Dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt với tỷ lệ từ 27% cho đến 97% tại 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
- 29-08-2020Hàng chục nghìn kỹ sư Trung Quốc mất việc tại Thung lũng Silicon
- 28-08-2020"Cỗ máy sản xuất tỷ phú" của Trung Quốc đang vận hành hết công suất
- 27-08-2020Trung Quốc bất ngờ nhượng bộ, cho phép Mỹ kiểm toán những công ty “nhạy cảm” nhất
Nửa đầu năm 2020, các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc công bố lợi nhuận giảm sâu nhất trong hơn 1 thập kỷ, nợ xấu tăng vọt, chính phủ Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng giảm tốc. Kế hoạch trả cổ tức vào năm sau của các ngân hàng được cho rằng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo Bloomberg, lợi nhuận tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tài sản, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và ngân hàng Bank of China, giảm ít nhất 10% trong nửa đầu năm nay. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt với tỷ lệ từ 27% cho đến 97% tại 4 ngân hàng này.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc với quy mô tổng tài sản ước tính khoảng 45 nghìn tỷ USD đã được đưa lên tuyến đầu để hỗ trợ ngăn kinh tế Trung Quốc suy giảm nặng nề. Kinh tế Trung Quốc đã phải trải qua khoảng thời gian đóng cửa trên quy mô lớn do đại dịch Covid-19 bùng phát. Giới chức Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng cung cấp nguồn vốn giá rẻ, hoãn thanh toán một số khoản nợ, tăng cường cho các doanh nghiệp nhỏ gặp khó với đại dịch Covid-19 vay tiền.
Các ngân hàng đồng thời cảnh báo rằng nửa sau của năm 2020 sẽ trở nên khó khăn. Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) nhấn mạnh: "Kinh tế toàn cầu đương đầu với nhiều khó khăn, trong đó có sự suy giảm của hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, thị trường tài chính đầy biến động, hạn chế đi lại giữa các nước, sự gián đoạn của toàn cầu hóa và căng thẳng địa chính trị leo thang".
Chịu áp lực từ chính phủ về việc phải cho doanh nghiệp vay, tổng giá trị các khoản vay tại 4 ngân hàng lớn nhất tăng từ 7% đến 10% trong nửa đầu năm, dù rằng nợ xấu tăng vọt.
Tính chung, tổng số khoảng 1.000 ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận ròng trong quý 2/2020 giảm đến 24% trong cùng kỳ năm trước. Tổng nợ xấu tăng lên mức cao kỷ lục 2,7 nghìn tỷ USD.
Trong tháng trước, ngân hàng Citigroup đã hạ hơn 10% dự báo triển vọng lợi nhuận năm 2020 cho đến năm 2022 của các ngân hàng lớn tại Trung Quốc, Citigroup cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm 13% trong năm nay.
Nhóm các chuyên gia phân tích tại Citigroup, ông Judy Zhang, nhấn mạnh: "Dưới áp lực chính trị dâng cao, các ngân hàng Trung Quốc không những phải giảm lãi vay để hỗ trợ cho nền kinh tế thực mà thậm chí còn cần phải đẩy nhanh việc dự phòng rủi ro và thích ứng với điều kiện mới. Khả năng tăng trưởng lợi nhuận âm sẽ ám ảnh triển vọng lợi nhuận ngắn hạn của ngân hàng Trung Quốc".
Cho đến nay đã xuất hiện quá nhiều đồn đoán về việc liệu ngân hàng Trung Quốc có thể duy trì được việc trả cổ tức 30%. Một ngân hàng khác, Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, cũng công bố lợi nhuận giảm 15% và cho biết sẽ vẫn có chính sách trả cổ tức.
Tuy nhiên triển vọng lợi nhuận sắp tới của các ngân hàng sẽ có thể sẽ sáng sủa hơn khi mà tình hình kinh tế Trung Quốc đang có nhiều cải thiện.
Kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế đầu tiên chịu tác động từ đại dịch Covid-19, hiện đang hồi phục nhanh nhất.
Theo Bloomberg, việc các ngành của Trung Quốc phục hồi đang giúp kéo Trung Quốc ra khỏi khoảng thời gian kinh tế suy giảm kéo dài, đồng thời Trung Quốc tiến gần hơn đến khả năng là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2%.
Để có thể làm được điều này, Trung Quốc đã giải quyết được rất nhiều ổ dịch nhỏ, đương đầu được với sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu, đồng thời giữ được nhu cầu tiêu dùng của thị trường ở mức cao dù rằng nhiều người lo sợ về khả năng Chiến tranh Lạnh công nghệ với Mỹ.
Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt có nhiều nguyên nhân, trước tiên, phía Trung Quốc chấp nhận các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo, thế giới cũng vẫn rất cần hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc. Doanh số bán hàng hóa trong tháng 7/2020 cũng tăng khi mà các nhà máy mở cửa trở lại và nhiều cửa hàng bán lẻ hoạt động sau khi nghỉ trong thời gian dài.
Tuy nhiên, số liệu chính thức vẫn chưa nói lên hết tình hình thất nghiệp thực sự sau khoảng thời gian doanh nghiệp phải đóng cửa. Ngoài ra, chừng nào mà tâm lý người tiêu dùng còn chưa cải thiện, quá trình phục hồi kinh tế khó có thể nhanh hơn. Một yếu tố bất thường kiểu như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại có thể đồng nghĩa với chính sách hỗ trợ kinh tế hiện tại, sẽ vẫn phải thay đổi.
BizLive