Lợi nhuận tăng trưởng âm, chính sách ESOP từng gây tranh cãi của Thế giới Di động (MWG) tạm thời gián đoạn?
Chủ tịch HĐQT MWG từng nhấn mạnh: “Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của Công ty đó có vấn đề".
Trong bối cảnh lãi suất và lạm phát ở mức cao ảnh hưởng đến sức mua người tiêu dùng, ngành bán lẻ năm 2022 gặp không ít khó khăn. Không nằm ngoài xu hướng này, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) cũng không còn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận.
Từ đầu năm 2022, lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ này đã liên tục sụt giảm quý sau thấp hơn quý trước do sức mua yếu đối với các sản phẩn điện thoại, điện máy cũng như xu hướng thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với thực phẩn và hàng tiêu dùng thiết yếu.
Đỉnh điểm khó khăn rơi vào quý 4 khi lợi nhuận của MWG giảm mạnh 60,4% so với cùng kỳ xuống còn 619 tỷ đồng, mức thấp trong nhiều năm. Tính chung cả năm 2022, lãi ròng đạt 4.102 tỷ đồng giảm 16% so với năm 2021 là 4.901 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh đi xuống khiến cổ đông không khỏi đặt dấu hỏi về việc liệu MWG có tiếp tục duy trì chính sách ESOP như mọi năm?
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, MWG đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt của MWG và các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh năm 2022. Tỷ lệ phát hành tối đa là 2,5% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.
Điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát hành ESOP được đưa ra khi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt từ 10% trở lên với tỷ lệ phát hành được tính bằng % tăng trưởng LNST nhân 0,1. Giá phát hành sẽ là 10.000 đồng/cp và thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2023.
Với lợi nhuận tăng trưởng âm năm 2022, MWG nhiều khả năng sẽ không phát hành ESOP theo phương án được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua.
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022 MWG
Thực tế, MWG là một trong những doanh nghiệp rất ưa chuộng phát hành ESOP bất chấp nhiều ý kiến trái chiều từ phía các cổ đông. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn lo ngại việc ESOP sẽ tạo ra sự không công bằng với cổ đông bên ngoài khi phải đối mặt với vấn đề pha loãng cổ phần, giảm giá trị đầu tư trên sàn.
Giải đáp thắc mắc này tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG từng nhấn mạnh: “ Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của Công ty đó có vấn đề ".
Vị này cho biết việc ESOP tồn tại sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì Công ty. Chủ tịch khẳng định vẫn sẽ ủng hộ chính sách này của MWG bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại đây, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG. "Tôi mong muốn và hi vọng cổ đông hãy ở lại để xây dựng Công ty. Nếu cổ đông và ban điều hành cứ đấu đá nhau hoài sẽ tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp", ông Tài nói.
Trong một diễn biến khác, MWG đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với một số nội dung quan trọng như: Kế hoạch kinh doanh hàng năm; báo cáo của HĐQT; phương án phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của công ty mẹ cùng các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh 2023 và phương án chi trả cổ tức;...
Ngày 28/2 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham gia tức ngày không hưởng quyền là 27/2. Thời gian dự kiến diễn ra đại hội của MWG trong 2 ngày 7-8/4 (khai mạc lúc 13h ngày 8/4). Địa điểm họp dự kiến tại tào nhà MWG, Lô T2-1.2, đường D1, Khu công nghệ cao, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Nhịp sống thị trường