Lời tâm sự của một bác sĩ thâm niên 10 năm: "Tự tử là vô trách nhiệm"
Tôi không phán xét hết tất cả trường hợp, chỉ mong các bạn trước khi tìm đến cái chết hãy quan tâm tới người thân của mình đã, làm ơn hãy quý mạng sống của mình, đừng để lại nỗi đau cho người ở lại.
Cá nhân tôi cho rằng tự tử là hành vi vô cùng vô trách nhiệm. Tôi là bác sĩ, công tác ở bệnh viện gần chục năm, chứng kiến không biết bao nhiêu ca tự tử, hầu hết là các thanh thiếu niên, các bạn trẻ, thỉnh thoảng mới có vài trường hợp trung niên, hoặc giết người xong tự tử.
Tôi đưa ra độ tuổi này là bởi vì trong chừng ấy năm công tác, tôi chưa hề gặp trường hợp nào người tự tử không có người nhà. Bao nhiêu lần nhìn thấy người nhà của họ đau đớn, vật vã, cầu xin tôi cứu bệnh nhân mà tôi ngao ngán.
Tất cả bác sĩ chúng tôi đều ghét người tự tử. Công việc chúng tôi đã rất nhiều và căng thẳng, bao nhiêu bệnh nhân trong tình trạng nặng hy vọng được bác sĩ cứu, thì lại có người tăng thêm việc cho chúng tôi bằng cách cố gắng tước đoạt mạng sống của chính họ.
Tôi nói ghét không phải là sẽ bỏ bệnh nhân. Khi vào viện thì bản năng và phản xạ của bác sĩ sẽ cứu bệnh nhân dù người đó là tội phạm, nhưng sau khi xong việc nghĩ lại nhiều khi thấy nản với những người không biết quý trọng mạng sống của mình.
Tôi không hiểu vì lý do gì mà những người không có gia đình, thân nhân lại không tự tử, mà những người khỏe mạnh, người nhà lo lắng đầy ra đấy lại muốn chết. Phải chăng khi người ta phải đấu tranh, bươn chải để có bữa ăn, để sống hàng ngày người ta lại không muốn chết? Tôi từng gặp một thanh niên hơn 20 tuổi, em làm phụ hồ và bị chẩn đoán bệnh tim phải mổ, khi tôi khám thì em đã yếu rồi, em nói với tôi nhà nghèo nên bỏ học đi làm từ lâu, nay không có tiền mổ thì chấp nhận lúc nào nặng thì chết, vậy mà khi bệnh ổn tí em lại xin ra viện tiếp tục đi làm.
Khi còn thực tập ở bệnh viện ung bướu, tôi nhớ nhất chính là ánh mắt của các bé nhi, nhiều em ở độ tuổi đã hiểu chuyện và biết mình chẳng còn sống lâu nữa, vậy mà các em chưa bao giờ từ bỏ hy vọng và vẫn điều trị đến giờ phút cuối cùng. Thật buồn khi có người muốn sống thì không được, còn có người thì lại từ bỏ mạng sống của mình dễ dàng.
Các bạn nào mà biết hoặc nghi ngờ trầm cảm thì nên điều trị sớm, nhưng bên cạnh đó tôi cũng muốn hỏi các bạn, các bạn đã làm điều gì cho gia đình, người thân, xã hội chưa, hay mong muốn mọi người phải quan tâm mình trong khi bản thân mình chưa làm được gì mà cứ mong người khác phải thông cảm?
Trước khi tự tử, bạn hãy tìm hiểu xem một em bé được ra đời như thế nào, người mẹ của bạn đã phải mang nặng bạn 9 tháng 10 ngày, chịu bao cơn đau, thậm chí bệnh tật, từ lúc mang bầu đến lúc sinh, cả đánh cược mạng sống mới có được bạn (cửa sinh là cửa tử mà, bao nhiêu vụ sản phụ chết do tai biến khi sinh rồi), và những lúc bạn ốm đau, bệnh tật, những lúc bạn còn nhỏ quấy khóc, ba mẹ bạn đã vất vả như thế nào.
Tôi thấy việc tự tử chính là nhát dao đâm vào tim người mẹ, chỉ cần nghĩ con tôi một ngày nào đó làm như vậy thì tôi đã thấy tan nát trái tim rồi.
Việc làm từ thiện theo tôi cũng sẽ cải thiện bớt suy nghĩ tiêu cực, giống như việc bạn sẽ thấy nỗi đau của mình chưa là gì nếu gặp người đau khổ hơn. Bệnh nghề nghiệp nên tôi đã gặp bao nhiêu người dị tật và thấy mình may mắn khi có cơ thể khỏe mạnh.
Đối với người khiếm thị, việc nhìn thấy ánh sáng chính là mong ước cả đời của họ.
Đối với người bị liệt, họ chỉ hy vọng một ngày có thể tự đi bằng đôi chân.
Với những người bệnh tim, họ chỉ mong có thể hoạt động mạnh như những bạn bè cùng trang lứa.
Với những người ung thư, ước mơ của họ là thoát khỏi những cơn đau khi vào thuốc và do bệnh.
Vậy đó, những gì bạn cho là bình thường có khi với người khác chính là ước mơ.
Tôi không phán xét hết tất cả trường hợp, chỉ mong các bạn trước khi tìm đến cái chết hãy quan tâm tới người thân của mình đã, làm ơn hãy quý mạng sống của mình, đừng để lại nỗi đau cho người ở lại. Những ai có bạn bè hay người thân có dấu hiệu trầm cảm thì hãy quan tâm và đưa đến gặp bác sĩ sớm để điều trị, nhất là trẻ em, đừng để điều đáng tiếc xảy ra, đau lòng và hối hận lắm.
*Bài viết được trích từ NEU Confessions.
Trí thức trẻ