Lợi thế của nhà ở có thương hiệu
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, những điểm nổi bật của mô hình nhà ở có thương hiệu khá hấp dẫn và không chỉ dành cho người mua. Các chủ đầu tư cũng được hưởng lợi từ chuyên môn, danh tiếng và tên tuổi của thương hiệu khi chào bán các căn hộ đơn lẻ.
Nhà ở có thương hiệu – hiểu đơn giản là dự án căn hộ được gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng, mô hình này chưa phải là sản phẩm phổ biến trên thị trường BĐS nhà ở. Thậm chí trên toàn thế giới, số lượng căn hộ có thương hiệu chỉ có khoảng 55.000 căn trong hơn 400 dự án. Nói theo một cách khác, căn hộ có thương hiệu không chỉ cao cấp ở mặt vị trí hay thiết kế, mà còn là các dịch vụ được cung cấp trong các dự án phát triển độc quyền tạo nên sự khác biệt.
Trên toàn cầu, các khách sạn kiểm soát 80% thị trường nhà ở có thương hiệu. Mỹ là quốc gia nắm giữ khoảng một phần ba nguồn cung khu dân cư thương hiệu trên toàn cầu. Châu Á cũng chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là ở Thái Lan, Indonesia và Dubai.
Theo JLL, thị trường nhà ở thương hiệu được thúc đẩy bởi các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWIs), sở hữu ít nhất là 1 triệu USD vốn có thể đầu tư. Theo Báo cáo về Sự giàu có trên Thế giới được đồng phát hành bởi Merrill Lynch và Capgemini, số lượng HNWI đã tăng gấp đôi trên toàn thế giới từ năm 2009 đến 2019.
HNWI là những người thuộc tầng lớp dịch chuyển và gọi nhiều thành phố trên thế giới là nhà. Những cá nhân giàu có, hạn hẹp thời gian, mong đợi một dịch vụ chuyên dụng, được cá nhân hóa, phản ánh địa vị của họ, nâng cao lối sống và tạo điều kiện cho các hoạt động hàng ngày của họ. Chính vì vậy nhóm khách này đòi hỏi một nơi ở mà không phải đối mặt với những rắc rối khi điều hành một hộ gia đình, nhưng vẫn được cung cấp các dịch vụ cao cấp như khách sạn.
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, các thương hiệu khách sạn lâu đời là đối tác tuyệt vời cho các khu nhà ở có thương hiệu vì sự nổi tiếng về việc cung cấp dịch vụ hoàn hảo cũng như trải nghiệm khách hàng đặc biệt và dễ nhận biết.
"Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về các dịch vụ cho dân cư ngày càng tăng do nhu cầu thể hiện đẳng cấp sống, điều này đã làm tăng đáng kể sức hấp dẫn của các khu nhà ở có thương hiệu đối với bất kỳ ai coi trọng thiết kế nội thất và dịch vụ tốt", bà Trang nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho rằng, rất ít người cảm thấy việc ở khách sạn đem lại cảm giác tốt giống như ở nhà, phần lớn mọi người đều muốn sở hữu một nơi để thuộc về riêng mình. Thêm vào đó, chi phí lưu trú tại một khách sạn đạt chuẩn sẽ tăng lên tùy ngày, ngay cả đối với những khách hàng thân thiết.
Ngược lại, một căn hộ độc quyền sẽ là một khoản đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm thị trường BĐS không ngừng tăng trưởng. Khu nhà ở có thương hiệu có thêm lợi thế là một thương hiệu mạnh đảm bảo các dịch vụ hàng đầu và quản lý tài sản. Tất cả những điều đó tạo nên một lập luận mạnh mẽ cho sự ổn định và tiềm năng của khoản đầu tư này, ngay cả sau khi giai đoạn bùng nổ bất động sản đã diễn ra.
Ngoài ra, những điểm nổi bật của mô hình nhà ở có thương hiệu khá hấp dẫn và không chỉ dành cho người mua. Các chủ đầu tư cũng được hưởng lợi từ chuyên môn, danh tiếng và tên tuổi của thương hiệu khi chào bán các căn hộ đơn lẻ.
"Một nơi cư trú có thương hiệu tạo niềm tin ở người dùng và người mua cao hơn so với một bất động sản không có thương hiệu cho dù họ định sống trong đó hay cho thuê," bà Trang nhấn mạnh.
Các dự án nhà ở có thương hiệu hoạt động như thế nào? Theo bà Trang, đầu tiên, một tập đoàn lớn có thương hiệu hợp tác với một nhà phát triển nhà ở và cho phép họ sử dụng thương hiệu trong dự án. Hầu hết các tập đoàn thương hiệu sẽ thuộc ngành khách sạn. Tuy nhiên, bất kỳ chủ đầu tư uy tín nào cũng có thể cấp phép cho thương hiệu của mình theo cách này, đặc biệt nếu thương hiệu đến từ phân khúc cao cấp hoặc sang trọng, đổi lại thì họ phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển các dịch vụ phù hợp đạt tiêu chuẩn.
Ngược lại, các tập đoàn khách sạn danh tiếng đã có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quý giá mà họ có thể áp dụng sau khi hoàn thành dự án. Sau đó, chủ đầu tư sẽ chào bán các căn hộ cho những người mua trả phí dịch vụ khách sạn. Các chủ sở hữu mới rõ ràng cũng có thể (tạm thời) cho chính họ thuê tài sản đó.
Như vậy, sự kết hợp giữa khách sạn và khu dân cư tạo ra sức mạnh tổng hợp hơn là xung đột lợi ích.
Theo bà Trang, Việt Nam vẫn là một thị trường khá mới mẻ trong lĩnh vực này, nhưng rõ ràng, nhìn vào các chỉ số tăng trưởng kinh tế và du lịch, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong thị trường nhà ở có thương hiệu. Khu dân cư có thương hiệu hoạt động tốt nhất tại những khu nghỉ dưỡng dành cho kỳ nghỉ và ở các thành phố lớn. Theo đó, Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng là những lựa chọn hoàn hảo cho mô hình cư trú có thương hiệu.