Lời tiên tri của Toyota thành sự thật - người dùng 'chán ngấy' xe điện? Sự thật bất ngờ!
Sự thật là chính Toyota cũng đang ôm mộng "phản công" trên trận địa này!
- 20-10-2023VinFast chính thức mở cọc xe điện VF6: Giá từ 675 triệu, ưu đãi 20 triệu - chi phí di chuyển chưa đến 500 đồng/km
- 18-10-2023Thời tới cản không kịp: Xe điện Huawei nhận 60.000 đơn đặt trước/tháng, khách sẽ nhận 700 nghìn đồng/ngày giao xe chậm
- 18-10-2023Xe điện Haima đầu tiên Việt Nam giá dự kiến 1,1 tỷ lộ diện ngoài showroom, sắp mở bán đấu Innova
Lâu nay, giới quan sát và phân tích thường nhìn nhận Toyota là thương hiệu rất chậm chạp trong cuộc chuyển đổi sang dòng xe chạy điện, thay vào đó vẫn phát triển dòng xe hybrid và dòng xe sử dụng năng lượng hydro.
Tuy nhiên, mới đây thì tờ Thời báo phố Wall đã có bài viết phản ánh về thị trường xe tại Mỹ, cho thấy doanh số xe điện dù đang tăng lên, nhưng nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng khi so với cùng kỳ năm ngoái thì sẽ thấy một dấu hiệu xấu. Ở tình thế ngược lại với xe điện là dòng xe lai điện (thường được gọi là xe hybrid), doanh số dòng xe này đang tăng lên.
Trước bối cảnh đang diễn ra tại Mỹ, một số quan điểm cho rằng Toyota đã "tiên tri" đúng khi không tham gia vào làn sóng xe điện toàn cầu, và giờ họ có cơ hội "phản công" trên thị trường.
Liệu điều này có xảy ra?
CON SỐ ẤN TƯỢNG CỦA HYBRID
Toyota được xem là thương hiệu đi đầu dòng xe hybrid với mẫu Prius.
Bài viết của Thời báo phố Wall có đề cập rằng doanh số xe điện từ đầu năm tới nay đã tăng tới 51%, nhưng cũng nhận định rằng tốc độ tăng trưởng so với năm ngoái thì không bằng. Cùng lúc, số lượng xe điện tồn kho của một vài hãng cũng đang tăng lên.
Theo nghiên cứu của GlobalData, doanh số xe hybrid tại Mỹ năm nay sẽ tăng gấp 2 lần so với 3 năm trước; người Mỹ đang trên đà mua nhiều hơn 35% số xe hybrid trong năm nay so với năm 2022. Lấy ví dụ với Ford, doanh số xe hybrid của hãng này khi kết thúc Quý II/2023 vừa rồi đã tăng 41,4% nhờ 2 mẫu xe chủ lực là Ford Maverick và Ford Escape.
Đối với Toyota, thương hiệu xe lớn nhất thế giới tính theo số lượng xe bán ra này đang là nhà sản xuất đi đầu về doanh số xe hybrid, khi chiếm đến khoảng 1/3 tổng doanh số của hãng. Theo dự đoán của các nhà phân tích tại GlobalData, doanh số xe hybrid của Toyota trong năm nay sẽ tăng 7,5%.
Bán tải đô thị Maverick góp công sức lớn nâng doanh số dòng xe lai điện của Ford. Ảnh: MICHAEL SIMARI | CAR AND DRIVER
Giới phân tích hay chê trách Toyota khi quá chậm chạp trong việc phát triển xe thuần điện. Trên thực tế, Toyota chỉ có 3 mẫu xe thuần điện là Toyota bZ3, Toyota bZ4X, Lexus RZ. Trong khi Toyota bZ3 là sản phẩm do Toyota, BYD và FAW hợp tác phát triển - sản xuất dành riêng cho thị trường nội địa Trung Quốc, Toyota bZ4X là mẫu xe hợp tác với Subaru để phát triển (mẫu xe tương tự, chung nền tảng khung gầm là Subaru Solterra), còn Lexus RZ về cơ bản cũng là Toyota bZ4X nhưng được chỉnh sửa cho phân khúc cao cấp và cùng sẽ được bán ở thị trường quốc tế như bZ4X.
Ở phía Toyota, nhà làm xe này thường nêu quan điểm về mong muốn cung cấp nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, trong đó gồm xe điện, xe hybrid và cả xe sử dụng năng lượng hydro. Bên cạnh đó, hạ tầng trạm sạc cũng là một vấn đề mà Toyota đề cập đến, cho rằng độ phủ của trạm sạc vẫn còn thưa, chưa đủ để người dùng xe điện sử dụng một cách thoải mái.
Tại một số nước đang phát triển, khi mục tiêu giảm thải khí nhà kính được đặt ra mà lại chưa có đủ hạ tầng trạm sạc để phục vụ thì các mẫu xe hybrid được xem là giải pháp phù hợp.
Mẫu xe ý tưởng được cho là nền móng của Toyota bZ3.
MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN ĐẾN... XE ĐIỆN
Trên thực tế, phương tiện chạy điện dùng pin không phải là phương án duy nhất để cắt giảm khí thải nhà kính. Chính Toyota cũng có một phương án khác vẫn đang được triển khai, đó là xe sử dụng năng lượng hydro - Toyota Mirai.
Trên Toyota Mirai, hydro sẽ lưu trữ ở dạng lỏng trong một bình chứa bằng kim loại được gia cố chắc chắn, sau đó sẽ tham gia vào phản ứng oxy hóa khử với oxy và tạo ra điện; điện sinh ra từ phản ứng này là nguồn năng lượng làm mô tơ điện chạy và giúp xe di chuyển. Vì những loại xe như Toyota Mirai vẫn có mô tơ điện và về cơ bản vẫn cần điện để chạy nên, ở một góc độ nào đó, vẫn có thể xếp loại là xe điện.
Toyota đã bán Mirai từ nhiều năm trước, nhưng chỉ tại một số khu vực giới hạn. Nguyên nhân là bởi chi phí xây dựng các trạm tiếp hydro rất lớn, có thể tính bằng triệu đô mỗi trạm khi yêu cầu an toàn xây dựng rất cao để lưu trữ hydro dạng lỏng.
Toyota Mirai từng lập kỷ lục khi đi được hơn 1000km với một bình hydro.
Một phương án khác có thể thay thế xe điện dùng pin là nhiên liệu trung hòa các-bon, thường được gọi là e-fuel. Bên cạnh Porsche và đối tác đã tìm ra cách thức tổng hợp xăng từ CO2 trong không khí mà có thể sử dụng cho xe xăng thông thường, Toyota cũng đã bắt tay với ông lớn làng dầu khí Exxon để thử nghiệm một loại nhiên liệu giúp cắt giảm 75% lượng khí thải ra môi trường.
Hiện chưa rõ mức giá cho mỗi lít nhiên liệu loại này sẽ là bao nhiêu, nhưng có nghiên cứu ước tính rằng chi phí cho mỗi lít nhiên liệu mà Porsche và đối tác phát triển có giá khoảng 43 bảng Anh, tương đương gần 1,3 triệu đồng/lít; ngay cả khi sản xuất ở quy mô công nghiệp thì giá mỗi lít vẫn sẽ bằng hai lần giá xăng mua vào ở hiện tại, khiến cho loại nhiên liệu này không phù hợp với phân khúc phổ thông.
ÔM MỘNG "PHẢN CÔNG" BẰNG... XE ĐIỆN
Mô hình mô-đun pin thể rắn của Toyota.
Dù Toyota ở vị thế là nhà sản xuất có doanh số đứng đầu thế giới mà lại chậm chân tham gia làn sóng xe điện, vẫn rất khó để có thể kết luận rằng ông lớn này "ngủ quên trên chiến thắng". Một thực tế cần nhắc rằng Toyota đang là đơn vị đứng đầu về số lượng sáng chế một công nghệ được coi là nắm giữ quyền "sinh - sát" xe điện: pin thể rắn.
Tờ Nikkei Asia đã cùng với Patent Results nghiên cứu các tài liệu và chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ pin thể rắn được nộp lên Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trong giai đoạn từ năm 2000 đến hết tháng 3 năm 2022. Thống kê của nghiên cứu cho thấy rằng Toyota đứng đầu với 1.331 đơn, đứng thứ 2 là Panasonic với 445 đơn, đứng thứ 3 là Idemitsu Kosan với 272 đơn.
Nhiều tài liệu cho thấy Toyota đã đầu tư công nghệ pin thể rắn từ những năm 1990 - khi pin Li-ion vừa mới được thương mại hóa. Toyota được cho nắm giữ các đơn sở hữu trí tuệ về nhiều vấn đề quan trọng của pin thể rắn, từ cấu trúc, vật liệu đến quy trình sản xuất. Tính riêng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2000, số lượng đơn của Toyota về pin thể rắn tăng khoảng 40%.
Toyota từng cho rằng hãng sẽ bắt đầu ứng dụng công nghệ pin thể rắn từ năm 2025.
Trong các phát biểu trước đây, Toyota cho rằng pin thể rắn sẽ xuất hiện trên xe của hãng sớm nhất từ năm 2025. Đây thực tế là mốc thời gian tương đối sớm so với nhiều đơn vị khác cùng phát triển pin thể rắn - thường là năm 2028 hoặc năm 2030.
Thông tin mới nhất về pin thể rắn của Toyota cho biết rằng Toyota dã ký kết thỏa thuận hợp tác với Idemitsu Kosan để thương mại hóa pin thể rắn từ năm 2028. Loại pin mà Toyota và Idemitsu Kosan sản xuất có mật độ năng lượng cực cao, có thể giúp xe điện đi được khoảng 1500 km mỗi lần sạc, có thể sạc trong khoảng 10 phút.
Những cải tiến mạnh của pin thể rắn so với công nghệ pin ngày nay có thể được coi là quân bài chiến lược đối với Toyota để duy trì vị thế đầu ngành của mình. Nếu như hiện tại vẫn còn quá sớm để kết luận Toyota "ngủ quên trên chiến thắng", thì thực ra bây giờ cũng chưa phải lúc để đưa kết luận rằng phần thắng thuộc về Toyota.
Phụ nữ số