MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời tuyên chiến "không tiếng súng" với Mỹ: TQ ôm mộng thành siêu cường, tham vọng lớn cho 8 ngành cốt lõi

06-03-2021 - 15:11 PM | Tài chính quốc tế

Lời tuyên chiến "không tiếng súng" với Mỹ: TQ ôm mộng thành siêu cường, tham vọng lớn cho 8 ngành cốt lõi

Theo kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc sẽ cải thiện các mắt xích yếu kém trong hệ thống phần mềm, vật liệu và thay đổi những yếu tố cơ bản khác.

Đầu tư lớn cho các ngành quan trọng

Hôm 5/3, Trung Quốc đã công bố kế hoạch toàn diện để cải thiện năng lực sản xuất của nước này vào năm 2025, đặc biệt chú trọng 8 lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp thương mại và công nghệ với Mỹ đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Kế hoạch này đã được công bố tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII, thể hiện sự quan tâm lớn của Bắc Kinh đối với các lĩnh vực: đất hiếm và vật liệu đặc biệt; robot; động cơ máy bay; phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh; thiết bị y tế cao cấp và sáng tạo y học như vắc xin; máy móc nông nghiệp; ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc; và các ứng dụng công nghiệp của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc.

"Chúng ta phải giữ ổn định tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế tổng thể và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực này", chính phủ Trung Quốc tuyên bố trước gần 3.000 đại biểu.

Việc Bắc Kinh chú trọng vào sản xuất theo xu hướng hiện đại đã nêu bật tham vọng của nước này với kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc với các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước từ năm 2021 đến năm 2025.

Lời tuyên chiến không tiếng súng với Mỹ: TQ ôm mộng thành siêu cường, tham vọng lớn cho 8 ngành cốt lõi - Ảnh 1.

Ảnh: Financial Times

Thông điệp cũng chỉ rõ Bắc Kinh đang quyết tâm theo đuổi xu hướng sản xuất công nghệ cao, hình thành và hiện thực hóa chiến lược "Made in China 2025" nhằm bù đắp chi phí sản xuất gia tăng, củng cố vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trước Mỹ.

Chiến lược sản xuất mới nhất của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh có báo cáo rằng Thượng viện Mỹ đang xem xét đưa khoản tài trợ 30 tỷ USD vào một dự luật mới nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh chống lại Trung Quốc.

Sản xuất đổi mới

Theo kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc sẽ cải thiện các mắt xích yếu kém trong hệ thống phần mềm, vật liệu và thay đổi những yếu tố cơ bản khác. Trung Quốc sẽ hướng tới phát triển một chuỗi giá trị công nghiệp "sáng tạo hơn, an toàn hơn và có giá trị gia tăng cao hơn", giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực "đường sắt tốc độ cao, thiết bị điện, năng lượng mới và đóng tàu".

Kế hoạch 5 năm mới cũng chỉ ra rằng "các phần quan trọng của chuỗi giá trị" phải nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Sản xuất đổi mới sẽ bao gồm nhiều ngành khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến sản xuất, cung cấp cho Trung Quốc nền tảng để thúc đẩy đổi mới và cắt giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Li Yi, trưởng khoa nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói: "Hãy nhìn vào những công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen [bao gồm công ty sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co và công ty sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp], chúng ta sẽ thấy rằng thứ đang kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc là những thứ như chip và thiết bị in thạch bản. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang đưa nhân tài và kinh phí sang các ngành sản xuất này vì họ nhận thấy nhiều rủi ro."

Ngành sản xuất - chiếm 33% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 - được coi là xương sống của nền kinh tế công nghiệp đất nước này. Xét về sản lượng các mặt hàng, Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và đã được coi là "công xưởng của thế giới" ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001.

Guo Wanda, phó chủ tịch điều hành của Viện phát triển Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết: "Sản xuất hiện đại hóa không có ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa đối với việc làm và cả sự phát triển của chuỗi cung ứng".

Dự thảo kế hoạch cũng kỳ vọng "các ngành công nghiệp non trẻ" sẽ bổ sung giá trị kinh tế đáng kể và chiếm 17% GDP của cả nước từ giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch cũng thúc đẩy việc triển khai mạng di động 5G nhanh hơn để tăng mức độ sử dụng của người dùng lên đến 56% trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ , Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến từ "công nghệ" 23 lần trong báo cáo của chính phủ trong năm nay, tăng hơn nhiều so với con số 9 lần vào hồi năm ngoái.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên