Lợn bị cấm ăn bèo, nuôi trùn quế bị phạt 50 triệu: Ai 'đẻ' quy định gây khó dân?
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, cơ quan nhà nước vẫn còn “đẻ” ra các điều kiện kinh doanh mới. Nhiều bộ, ngành ban hành quy định lạ lùng, gây khó khăn, thậm chí đẩy người dân, doanh nghiệp vào nguy cơ vi phạm pháp luật.
Ngày 26/12, VCCI công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh nhằm ghi lại bức tranh pháp luật của Việt Nam dựa trên ý kiến phản ánh của DN, hiệp hội và nghiên cứu của các chuyên gia. Điểm bất cập hàng đầu được VCCI phản ánh là tình trạng bộ, ngành xây dựng quy định pháp luật theo kiểu “cho có” mà không cần quan tâm việc triển khai có khả thi và hợp lý hay không.
Ðẩy dân, DN vào nguy cơ phạm luật
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) dẫn chứng, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 02/2019 về danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam. Theo đó, người dân chỉ được phép kinh doanh những loại có trong danh mục.
Phương pháp này vừa không phù hợp với Hiến pháp, vừa không hợp lý và dẫn đến khả năng cơ quan nhà nước quên hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó vẫn được áp dụng nhiều năm nay khiến người dân và DN không được phép kinh doanh. Các quy định này không hề phù hợp với mỗi loại vật nuôi, mỗi vùng miền người dân có kinh nghiệm dân gian khác nhau mà cán bộ quản lý nhà nước khó có thể biết được.
“Thông tư 02 đã bỏ quên nhiều loại thức ăn chăn nuôi truyền thống mà người dân hay sử dụng như bèo tây, cây chuối… Điều này dẫn đến lo ngại, việc người dân sử dụng, buôn bán các loại thức ăn này là phi pháp. Có DN từng ví quy định này chẳng khác gì “lợn không được ăn bèo tây”, đại diện VCCI dẫn chứng.
Thậm chí, với thông tư 01/2018 về danh mục giống, vật nuôi, Bộ NN&PTNT bỏ quên một số loài động vật mà hiện nay người dân nuôi, kinh doanh rất nhiều năm nay như trùn quế. Trong khi đó, theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi, việc kinh doanh loại không có trong danh mục có thể bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng. Như vậy nhiều cá nhân bán giống trùn quế hiện nay là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Theo VCCI, Bộ y tế còn ban hành một số quy định khiến chính sách trở nên thiếu minh bạch. Ảnh: Minh Châu.
VCCI cũng chỉ ra tình trạng cơ quan nhà nước vi phạm nguyên tắc, can thiệp phi lý vào việc phân bổ các nguồn lực kinh doanh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đưa ra phụ lục nghị định về mật độ chăn nuôi cho các vùng trên cả nước, xác định số lượng vật nuôi trên một diện tích. Do diện tích của các tỉnh, thành phố hầu như không thay đổi, nên bản chất quy định này được hiểu là sẽ giới hạn số lượng bao nhiêu con lợn, bao nhiêu con gà được nuôi tại mỗi đơn vị hành chính.
“Các địa phương phản ánh tình trạng giới hạn mật độ chăn nuôi quá thấp. Như tại Đồng Nai, theo quy định này sẽ không được phép mở thêm trang trại mới, trong khi tiềm năng phát triển kinh tế chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn còn rất lớn do ở đây rất thuận lợi về giao thông. Khu vực có mật độ chăn nuôi lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ được phép nuôi tối đa 1.020 con lợn (hoặc 458 con trâu hoặc 507 con bò thịt) trên mỗi km2 (trong điều kiện không nuôi thêm bất kỳ loại vật nuôi nào khác). Thậm chí mức này rất thấp nếu so sánh với mật độ dân số Hà Nội năm 2019 là 2.398 người/km2; mật độ dân số quận Hoàn Kiếm là 33.662 người/km2”, ông Tuấn dẫn chứng.
Theo thống kê của VCCI, năm 2019 số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, có 267 thông tư được ban hành. Những năm trước, con số này lên tới 500 - 800 thông tư của các năm trước đó.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) cho rằng, số lượng thông tư, nghị định ban hành thấp hơn trước, tuy nhiên, sự bất hợp lý, mức độ “cài cắm” tinh vi, kín đáo của bộ, ngành trong các văn bản mới ban hành ngày càng tăng. “Các văn bản mới ban hành có các điều kiện gần như thách đố người dân và DN thực hiện. Điều này vẫn diễn ra do việc ban hành các văn bản cài cắm điều kiện kinh doanh thì không có ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ luật hay trừ lương, mất chức”, ông Đức nói.
Chính sách thiếu minh bạch
Một trong những điểm bất cập được VCCI chỉ ra là năm 2019, việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) chỉ như “gợn sóng nhỏ” và phụ thuộc vào thiện chí của bộ, ngành. Cả năm 2019 chỉ có Bộ Y tế và Bộ Công Thương là hai đơn vị thực hiện cắt giảm ĐKKD.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Nghị định của Bộ Y tế lại bổ sung một số quy định có nguy cơ khiến chính sách trở nên thiếu minh bạch hơn. Ví dụ, các tiêu chí để được đặt tên “bệnh viện quốc tế” vừa chưa hợp lý vừa thiếu minh bạch và không có tính đặc thù, nhưng hơn hết là không rõ tại sao lại phải phân biệt bệnh viện quốc tế hay là không trong khi các chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần như không phân biệt.
Với Bộ Công Thương, một số quy định sửa đổi ĐKKD trong dự thảo nghị định vẫn còn hình thức, sửa đổi, bãi bỏ nhưng không thay đổi bản chất. Tiêu biểu như dự thảo nghị định bỏ các điều kiện “có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”, “đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy”… Việc bãi bỏ các điều kiện này không đồng nghĩa là các DN sản xuất, lắp ráp ô tô không phải đáp ứng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, mà họ vẫn phải đáp ứng, tuy nhiên phải đối chiếu với các văn bản pháp luật liên quan.
Ban hành thông tư tràn lan: Lãng phí lớn
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: DN, người dân kiến nghị cắt giảm các ĐKKD nhiều nhưng bộ ngành ít sửa đổi. Ông Cung kiến nghị, cần có công cụ để ngăn bộ ngành ban hành thông tư mới một cách tràn lan. Việc bộ ngành ban hành hàng trăm thông tư trong một năm rồi sửa đổi bất cứ khi nào là không thể chấp nhận được vì gây lãng phí, rủi ro cho DN.
"Từng bộ, ngành rà soát sẽ không tìm ra các ĐKKD chưa hợp lý bởi bộ, ngành chỉ nhìn theo góc độ quản lý của ngành. Đặc biệt, lĩnh vực đất đai, môi trường có quyền và lợi lớn nên cải cách cực kỳ khó. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, Chính phủ nên lập tổ đặc biệt chỉ có chuyên gia và DN, không có cơ quan nhà nước dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Phải làm đầy đủ thời gian, trong vài tháng, ngồi một chỗ, soạn luật sửa nhiều luật hoặc sửa từng luật để có cách nhìn độc lập, theo chiều ngang mới giải quyết tình trạng ĐKKD không cần thiết", ông Cung nói.
Tiền phong