Long An khơi thông dòng hàng xuất khẩu
Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Long An 10 tháng qua, đạt khoảng 10,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Long An đang cần lượng lớn đơn hàng để giúp doanh nghiệp tăng tốc.
Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tỉnh Long An gỡ nút thắt bằng giải pháp khởi động các văn phòng giao dịch thương mại ở nước ngoài, gia tăng tính kết nối và tổ chức lại hoạt động xuất khẩu giúp các doanh nghiệp địa phương tận dụng lợi thế tại chỗ để tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa.
Không chỉ dừng lại ở kết nối
Ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ông Võ Xuân Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết: mặc dù trước đó đã có thị trường ổn định tại một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng một số thời điểm, do biến động thị trường bởi dịch bệnh Covid các đơn hàng của doanh nghiệp có dấu hiệu giảm sút, mặt hàng chuối cũng nằm trong số đó.
4 năm qua, doanh nghiệp phải giữ “phong độ” chất lượng sản phẩm chờ thời cơ. Hiện doanh nghiệp này duy trì ổn định hơn 700 ha chuối và để cung ứng ổn định khoảng 20.000 tấn chuối mỗi năm cho những thị trường trên.
Trong đợt xúc tiến thương mại năm 2023 tại Long An, doanh nghiệp này chưa có một hợp đồng mới nào. Đến đợt xúc tiến thương mại tháng 11/2024 này, doanh nghiệp này đã có những hợp đồng mới, hoặc những biên bản ghi nhớ, cam kết đưa vào kế hoạch nhập khẩu.
Chưa có khách hàng nào gặp lần đầu tiên mà họ mua hàng hết. Sau khi họ tới tham quan trang trại rồi nhiều lần giao tiếp qua email, điện thoại, đối tác họ mới quay lại đặt hàng. Từ những xúc tiến thương mại lần này, chúng tôi đã có thêm vài khách hàng tại Malaysia, Singapore, hệ thống Aeon của Nhật Bản tại Hồng Kông chẳng hạn… Đến năm nay, hiệu quả từ hoạt động xúc tiến được ghi nhận khá khả quan. Ông Hòa nhận định.
Thực tế thời gian qua, một số yếu tố khách quan đã làm tăng chi phí vận tải, áp lực từ hàng rào bảo hộ, rủi ro về tỷ giá và thanh toán quốc tế gây đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống và suy giảm tổng cầu, tổng đầu tư của nhiều đối tác.
Nhận thấy sự tác động này tiếp tục ảnh hưởng lớn đơn hàng xuất khẩu, một hợp tác xã của Long An táo bạo cử người sang Trung Đông tìm hiểu chợ đầu mối, mở văn phòng và trực tiếp ký hợp đồng cung ứng chanh cho nhiều quốc gia khu vực Trung Đông. Việc này đã tạo ra bước đi ổn định, mang lại giá trị cao cho mặt hàng chanh.
Tư duy mở rộng thị trường chủ động với 3 tiêu chí trực tiếp, như: tiếp cận thị trường; mời đối tác tham quan vùng nguyên liệu; cung ứng hàng tận nơi, không chỉ mang lại hiệu quả đơn hàng cho sản phẩm chanh mà còn mở rộng thị trường cho nhiều nông sản khác của địa phương.
Ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX Bến Lức, Long An cho rằng, để làm được điều này chuỗi cung ứng phải chặt chẽ ngay từ những khâu đầu tiên.
Long An càng ngày càng tiến bộ hơn. Đó là chúng ta làm được những dòng sản phẩm sạch để bán giá cao. Ở ngoài kia thu mua 5.000đ/kg thôi nhưng hợp tác xã đang mua giá 15.000đ/kg. Thì bà con thấy rất rõ, khi tham gia chuỗi liên kết HTX để làm thì vai trò chuỗi liên kết sẽ mạnh hơn. Chúng ta cùng làm, có bộ máy để đàm phán với doanh nghiệp cũng như đối tác nước ngoài… Rõ ràng giá trị, đầu ra nông sản của bà con tốt hơn. Ông Trần Duy Thuận chia sẻ.
Theo đánh giá từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tỉnh Long An cơ bản đáp ứng 3 trụ cột xuất khẩu, gồm: nhu cầu, nguồn cung và tổ chức xuất khẩu. Tuy nhiên khi hoạt động xuất nhập khẩu càng cao thì đòi hỏi logistics phải phát triển tương ứng. Đặc biệt là tổ chức logistics chuyên biệt, chuyên nghiệp cho ngành nông sản.
Tổ chức lại hoạt động Logistics
Cách đây vài năm, các đơn vị cung cấp dịch vụ kho lạnh tại Long An còn thiếu và yếu. Tuy nhiên hiện nay trong số 6 trung tâm logistics được Long An quy hoạch đã có 2 trung tâm đi vào hoạt động tại huyện Bến Lức và tại Cảng Quốc tế Long An, huyện Cần Giuộc. Hai trung tâm này có hệ thống kho chứa hàng, kho ngoại quan, bãi đổ…đáp ứng yêu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu của Long An cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Trịnh Phú Hiển, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Kho lạnh Kỷ Nguyên Mới, Bến Lức, Long An cho biết: Tại đây có dự án được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm hiện tại với sức chứa hơn 145.000 palet, vận hành công nghệ AS/RS truy xuất và lưu trữ hàng hóa tự động bằng robot… để tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp. Ông Trịnh Phú Hiển cho biết thêm.
Hiện tại thì chúng tôi vừa được Tổng cục Hải quan công nhận là một phần kho lạnh trở thành kho ngoại quan chuyên dụng. Với vị trí nằm ngay cao tốc TP.HCM- Trung Lương sắp tới còn được kết nối với Vành đai 3, Cao tốc Bến Lức – Long Thành đây sẽ là vị trí đắc địa để kết nối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với cảng biển và trung tâm lớn như TP.HCM.
Tại Cảng Quốc tế Long An, ngoài hệ thống cầu cảng, trung tâm logistics vừa đi vào hoạt động còn đáp ứng các chức năng xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, phân loại, đóng gói hàng hóa… Đồng thời có chức năng vận tải đa phương thức và hỗ trợ thông quan, các thủ tục, giấy tờ, các hoạt động bảo dưỡng phương tiện, cung cấp xăng dầu…
Bà Ngô Thị Thanh Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và khai thác Cảng Quốc tế Long An cho biết: Thời gian qua chúng tôi đã phục vụ được những khách hàng ở tỉnh như: Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM. Bước đầu đó là một trong những yếu tố được chúng tôi nhận định rằng rất quan trọng và mang tính chất quyết định đó là tại Cảng Quốc tế Long An đã sẵn sàng với những điều kiện về hạ tầng để mang đến hoạt động logistics trọn gói với chi phí tối ưu cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bà Vy nói.
Lãnh đạo tỉnh Long An cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến giao thương, mở rộng hợp tác, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
vov.vn