MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lòng tốt online, đã cho đi sao còn tính toán?

25-04-2020 - 20:29 PM | Sống

Những ngày này chúng ta sống khép kín trong nhà, online nhiều hơn. Nhưng bạn có nhận thấy không, dường như chúng ta lại đang hướng về cộng đồng, về xã hội nhiều hơn.

Chúng ta “thi đua” hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp vào chiến dịch chống Covid-19 của chính phủ. Chúng ta hào hiệp giải cứu nông sản, mua đồ ăn của các quán ven đường, tổ chức phát gạo và thức ăn cho các cụ già bán vé số, chia sẻ những hoàn cảnh đáng thương lên Facebook để gọi bạn bè mình cùng giúp đỡ, lên án các cá nhân lợi dụng lấy quà từ thiện… Nói gọn lại, chúng ta đang rất nhiệt tình và hồ hởi trao đi lòng tốt của mình.

Nhưng mấy ngày trước, khi chiến dịch kêu gọi góp 100.000 chữ A của Trung tâm Sáng kiến Sức Khoẻ và Dân Số CCIHP (kết hợp với đối tác là Mạng lưới tự kỷ Việt Nam VAN) trở nên phổ biến rộng khắp, có nhiều người tham gia, thì lại dấy lên kha khá luồng dư luận tiêu cực, thậm chí cực đoan. Vì sao vậy?

Những nỗi sợ "vĩ mô" hơi... tào lao

Tôi để ý: Cứ mỗi lần Facebook xuất hiện một chiến dịch truyền thông kêu gọi chung tay chia sẻ để tăng nhận thức về một vấn đề xã hội nào đó, thì y như rằng các thánh đạo đức liền xuất hiện và “đấu tố” lại.

Đón nhận những góc nhìn đa chiều là cần thiết, nó giúp chúng ta nắm được trọn vẹn vấn đề, không quá ngây thơ trên mạng Internet vốn là một chốn vàng thau lẫn lộn. Tuy nhiên, có một chân lý làm truyền thông cơ bản là “tiếng lành đồn gần, tiếng xấu đồn xa” – một bài phản biện khách quan sẽ không náo nhiệt bằng một tuyên ngôn mang tính “bóc phốt” những bất cập. Việc kích cho người đọc rơi vào trạng thái cảm xúc “ôi, mày dám lừa ông à?!” sẽ dễ thao túng họ tranh luận, hưởng ứng hơn. Giận quá mất khôn, mấy người đọc kịp tỉnh lại trước những lý lẽ nguỵ biện, đánh tráo khái niệm?

Gỡ rối vài luận điểm thông dụng được dùng để “dắt mũi online” nhé:

Sợ chia sẻ trên Facebook gắn kèm hashtag là bị ăn cắp thông tin cá nhân

Chỉ một status, một bức ảnh ở chế độ public kèm theo hashtag thì chẳng ai ăn cắp được thông tin gì của bạn. Điều duy nhất khả thi là người ta có thể lọc ra các user ID (UID, giống như mã CMND trên Facebook) của người dùng Facebook đã đăng bài đó, kèm hình ảnh (có thể chính xác hoặc không) của người dùng.

Nhưng bạn ơi, mỗi ngày hàng ngàn người vẫn vô tư đăng ảnh gia đình, đăng ảnh con nhỏ lên chế độ public, vẫn chơi mấy ứng dụng game Facebook như bói khuôn mặt, bói tương lai… thì chẳng thấy ai kêu ca đòi gỡ ứng dụng có thể ăn cắp thông tin cá nhân xuống cả.

Sợ bị nhét vào tập khách hàng tiềm năng để bán quảng cáo

Không có gì khẳng định tập hợp UID và tên Facebook này là khách hàng tiềm năng được. Dân làm marketing đều biết, một tập khách hàng gọi là tiềm năng khi và chỉ khi họ đó có một vài đặc điểm sống phù hợp với sản phẩm mình muốn bán. Tuy nhiên, hồ sơ của những người tham gia vào các chiến dịch xã hội ở trên mạng thì… siêu lộn xộn. Tuổi tác trải dài từ 13 lên đến 70+, nam và nữ, thành thị và nông thôn, nước trong và nước ngoài, kết hôn và độc thân, giàu có và đang trả nợ, đủ cả. Điểm chung duy nhất của họ chính là “có thiện chí”, vậy thôi. Chưa kể, đây còn là thông tin từ Facebook, nếu thế thì chạy béng quảng cáo trên Facebook cho nhanh. Facebook cung cấp nhiều công cụ thông minh giúp lọc ra khách hàng tiềm năng cho sản phẩm chính xác hơn nhiều.

Vẫn sợ mất dữ liệu, sợ vu vơ thôi có được không?

Vu vơ cũng... không được! Chúng ta đang sống ở thời đại số rồi. Bạn lên Facebook, bạn coi YouTube, bạn mua hàng online, bạn mở thẻ ngân hàng, bạn tham gia làm thành viên của các nhãn hàng để lấy khuyến mãi… trong các hoạt động sống thường nhật, bạn đã phát tán thông tin cá nhân đi tá lả nơi rồi. Nếu người ta nhất nhất muốn truy thông tin của bạn để quảng cáo thì có khối cách, chẳng cần gây dựng một chiến dịch xã hội làm chi.

Sợ các tổ chức xã hội cho dùng sản phẩm miễn phí theo kiểu của Facebook và Google

Hơi lầm lẫn khái niệm rồi đấy. Facebook hay Google lấy doanh thu từ quảng cáo, miễn phí cho sử dụng dịch vụ nhưng đổi lại là họ thu thập dữ liệu và thói quen người dùng. Còn khi các tổ chức xã hội phát động chiến dịch truyền thông trên Facebook thì họ chỉ có thể thu thập UID của người đăng bài.

Trong trường hợp cụ thể của chiến dịch 3A, thì chỉ khi sử dụng bài test trên website, bạn mới phải khai báo thông tin khi muốn dùng các tính năng cao cấp hơn như theo dõi nhiều trẻ cùng lúc. Lúc này, bạn chứng tỏ mình thật sự quan tâm và có nhu cầu với các sản phẩm hỗ trợ của thương hiệu, nên họ muốn lưu giữ thông tin của bạn để tiếp tục trao đổi là tất nhiên.

Sợ quảng cáo không công cho người khác

Khi tham gia vào một chiến dịch xã hội online, là bạn đang QUẢNG BÁ cho thông điệp xã hội và tổ chức đứng đằng sau của nó. “Quảng bá” mang tính tuyên truyền. Còn QUẢNG CÁO thì phải gắn với thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, và sẽ trực tiếp thu tiền sau quảng cáo. Có sự hỗ trợ tích cực của bạn chưa chắc các tổ chức xã hội ấy sẽ trở thành doanh nghiệp triệu đô, nhưng chỉ cần vài bình phẩm tiêu cực là bạn có thể giết chết một dự án tốt đẹp cho cộng đồng rồi.

Xu hướng toàn cầu: Cho vài con cá và một vài cái cần câu ("Từ thiện" và "phát triển xã hội bền vững" khác nhau chỗ nào?"

Ở Việt Nam, các hoạt động từ thiện xuất hiện từ lâu rồi. Ngày xưa, chúng ta nghĩ và làm theo cách dân dã là “đi cho” (và “cho đi”), nghĩa là có gì cho nấy, nhiều lúc cũng chẳng cần biết người nhận có cần không, tiền hoặc vật đó được sử dụng như thế nào. Cách làm này hiện vẫn phổ biến. Ví dụ như khi chúng ta đóng góp tiền, mua hàng, tạo việc làm giúp cho những câu chuyện được chia sẻ trên Facebook. Một cụ già bán trái cây ở góc đường (quận 6, TP.HCM) vừa bán vừa khóc vì ít người mua trong thời buổi dịch bệnh hạn chế ra đường. Một thầy giáo người Anh phải gạt bỏ sĩ diện để cầm tấm bảng xin tiền. Nhiều lắm. Chúng ta làm từ thiện kiểu này là cho đi con cá.

Cũng chính vì quá quen thuộc với khái niệm từ thiện là “đi cho/cho đi” đơn thuần như vậy, nên chúng ta dễ bị kích động, quy kết rằng những hoạt động từ thiện có thêm vài phần tính toán đằng sau chính là âm mưu.

Lòng tốt online, đã cho đi sao còn tính toán? - Ảnh 1.

Bạn ơi, thời nay tư duy làm từ thiện đã chuyên nghiệp và hệ thống hơn rồi. Thay vì cho con cá rồi xong, thì bây giờ là cho vài con cá và một cái cần câu. Cá để ăn hôm nay, cần câu để câu cá cho ngày mai. Xu hướng toàn cầu của hoạt động từ thiện là “phát triển bền vững” (sustainable development), hướng đến việc “tự câu cá” cho cả người được giúp đỡ và các tổ chức/doanh nghiệp xã hội đứng ra làm từ thiện.

Anh Huỳnh Minh Thảo, Nhà hoạt động về Quyền LGBTI+, “Doanh nghiệp xã hội là một hình thức vận hành tổ chức dựa trên kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ, và phần lớn doanh thu thu được sẽ quay về phục vụ cho SỨ MỆNH XÃ HỘI của doanh nghiệp đó. Ở Việt Nam, hình thức này cũng đã có ràng buộc bởi tính pháp lý. Đây là mô hình phát triển bền vững và lành mạnh của các hoạt động xã hội hiện nay và cả trong tương lai. Hay có thể nói, các mô hình này càng huy động được nhiều tiền, thì các nhóm đối tượng đích họ hỗ trợ trong xã hội càng có lợi.”

Các nhà tài trợ không thể cung cấp tiền mãi cho chúng ta cứu đói, cứu mù chữ, bảo vệ rừng, bảo vệ thú, nạo vét sông… Các nhà tài trợ cần chúng ta tạo việc làm cho đồng bào sống ở vùng đệm để họ không phải phá rừng giết thú mới có cơm ăn, giáo dục sức khoẻ sinh sản để không đẻ nhiều mà giảm đói, tổ chức hướng nghiệp để giảm nghèo, tặng xe đạp cho trẻ em sống xa trường không phải bỏ lớp…

Tất nhiên, khi đã cho tiền thì nhà tài trợ cần nhìn thấy kết quả đo lường được. Do vậy, các tổ chức/doanh nghiệp xã hội chịu áp lực làm báo cáo tới nhà tài trợ bằng số liệu, bảng biểu, thống kê, chứ không thể đơn thuần báo cáo miệng. (Đây cũng là một phương thức để kiểm toán, chống tham nhũng.) Việc các chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi tăng share, đếm like là bình thường. Chỉ có một điểm cần được điều chỉnh, đó là người cầm trịch các chiến dịch truyền thông này phải hết sức khéo léo về mặt ngôn từ, nhằm tránh chuyện bị bắt bẻ từng chữ, tạo ra dư luận tiêu cực.

Cá nhân tôi ủng hộ việc các tổ chức/doanh nghiệp xã hội tự tạo ra thu nhập. Khi có thể tự thân vận động, họ sẽ tồn tại ngay cả khi không còn nhà tài trợ nữa, họ sẽ tăng quy mô hoạt động, giúp đỡ thêm cho nhiều trường hợp, dự án khác trong khuôn khổ sứ mệnh đề ra. Việt Nam mình còn rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, chúng ta cần những tổ chức và doanh nghiệp này để đưa mình văn minh, tốt đẹp hơn.

CÁC LOẠI HÌNH TỔ CHỨC/ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI

- Tổ chức thuần từ thiện (Charity): Theo đúng bản chất, họ chỉ cho đi và không nhận lại (về mặt kinh tế). Các tổ chức này có thể bao gồm cả các cơ quan hỗ trợ phát triển của chính phủ, như USAID, AusAID (nay là DFAT), DANIDA, SIDA…

- Các tổ chức phi lợi nhuận (Nonprofit Organization - NPO): Họ cũng cho đi mà không yêu cầu nhận lại. Các tổ chức NPO nói chung đều độc lập hơn so về mặt chính phủ, chính trị, tôn giáo so với các tổ chức thuần từ thiện nêu trên. Họ có tạo ra thu nhập, nhưng không đặt mục tiêu vào thu nhập này làm chính, mà nhấn vào các mục tiêu xã hội. Nguồn tiền nhận được có thể từ các doanh nghiệp, cá nhân, quỹ chính phủ, thậm chí là tự đầu tư. Thường thì bạn sẽ thấy các NPO hoạt động cho các mục tiêu lớn, mang tầm vóc toàn cầu hoặc khu vực.

- Các tổ chức không vì lợi nhuận (Not-For-Profit Organization – NFPO): Tương tự các NPO kể trên, họ cũng không vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng "hơi vì lợi nhuận", miễn đạt mục tiêu xã hội, và quyền hạn trong việc sử dụng vốn tài trợ sẽ nhiều hơn. Dễ hiểu hơn, đối với NPO, hầu hết các trường hợp, nếu bạn không tiêu hết tiền của nhà tài trợ thì bạn sẽ phải hoàn trả lại tiền cho nhà tài trợ, còn với các NFPO, bạn có thể trả lại, hoặc có quyền giữ lại phần tiền này và chi dùng cho các mục đích khác liên quan đến mục đích xã hội của tổ chức.


Hãy nhìn vào sự lương thiện tươi đẹp để bước tiếp!

Hơn một năm trước (cuối 2018), cộng đồng mạng đã nhiệt tình chia sẻ hình ảnh hoa hướng dương để hưởng ứng chiến dịch “Tôi đồng hành” hướng về Ngày hội hoa hướng dương “Vì bệnh nhi ung thư” lần thứ 10. Do một số lỗ hổng trong truyền thông, chiến dịch này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, um sùm vài ngày. Bây giờ thì đến phiên chiến dịch kêu gọi góp 100.000 chữ A.

Bình tĩnh lại, hãy nghĩ thế này: Chiến dịch thật hay giả, sai sót đến đâu, có quan trọng bằng mục đích tốt đẹp và kết quả mà nó mang lại cho những người đang cần hay không? Tiền nhận được là thật. Nhận thức và nhắc nhớ về một cộng đồng mà công chúng ít biết đến là thật.

Lòng tốt online, đã cho đi sao còn tính toán? - Ảnh 3.

Khi làm một việc tốt là chúng ta đang giúp mình trước, giúp người sau. Cho đi lòng tốt của bản thân để nhận lại niềm vui, sự an lòng, cảm giác có ích cho xã hội, và một đêm an giấc. Chúng ta chia sẻ một tấm ảnh thì có mất gì đâu, nhưng sau đó lại được nhận thức về một chuyện mà xưa nay mình chẳng để tâm, rồi từ đó thay đổi hành vi để sống tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải chấp nhận rằng trên đời có nhiều người hơi lạ. Họ có nhu cầu trở thành người đặc biệt trong mắt số đông, vì đó mà họ sẵn sàng đi gieo rắc ngờ vực và những cảm xúc tiêu cực để kiếm tiếng, tăng like, tăng follow (tính trở thành influencer kiếm tiền hay gì?). Nhận thức được sự tồn tại của nhóm người này để lấy đó làm động lực tăng cường hiểu biết, giữ cho bản thân sáng suốt, tránh không lâm vào cảnh tức giận bởi những lý lẽ một nửa sự thật.

(Bài viết sử dụng tư liệu từ anh Đỗ Duy Hoàng, cựu nhân viên WWF.)


Theo LANA TRẦN/ DESIGN: HOÀNG ANH

Tổ quốc

Trở lên trên