Lũ lớn kéo lợi nhuận LSS quý vừa qua rơi về mức thấp nhất 5 năm
Sau quý đầu tiên ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh, kết quả kinh doanh quý thứ hai niên độ 2017-2018 của Mía đường Lam Sơn tiếp tục gây thất vọng với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 204 triệu đồng.
Nguyên nhân khiến cho lợi nhuận của CTCP Mía đường Lam Sơn (mã LSS-HoSE) giảm mạnh trong cả hai quý đầu tiên của NĐTC 1/7-30/6 là do doanh thu giảm mạnh mà chi phí tài chính lại tăng đáng kể.
Theo báo cáo soát xét được Mía đường Lam Sơn công bố mới đây, tổng doanh thu thuần bán hàng trong 2 quý đầu xấp xỉ 475 tỷ đồng, chỉ tương đương 55% cùng kỳ niên độ trước.
Vùng nguyên liệu của Mía đường Lam Sơn đã bị thiệt hại khá nặng trong đợt mưa lũ hồi tháng 10/2017. Hơn 30% diện tích mía đã đến lúc vào vụ thu hoạch bị ngập lụt, khu nông nghiệp công nghệ cao bị tổn thất nặng nề. Tỉnh Thanh Hóa, nơi đặt trụ sở của Lam Sơn, cũng là một trong các tỉnh thành chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong đợt bão lũ vừa qua với tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.990 tỷ đồng, trong đó 2.781 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn và hư hỏng một phần, 44.049 nhà bị ngập... và hơn 16.000 ha rau màu, cây trồng các loại bị hư hỏng.
Cùng đó, doanh thu tài chính cũng bị hụt đi đáng kể, chủ yếu do năm ngoái công ty có khoản lãi đột biến từ chuyển nhượng cổ phần. Trong khi chi phí tài chính lại tăng hơn 10%, đạt 21 tỷ đồng trong 2 quý đầu.
Vay nợ tại Mía đường Lam Sơn so với thời điểm 1/7/2017 cũng đã tăng thêm 126 tỷ đồng lên 818 tỷ đồng đối với kỳ hạn ngắn dưới 1 năm. Vay nợ dài hạn chỉ ở mức khá khiêm tốn, xấp xỉ 6,65 tỷ đồng, cũng tăng 41% so với đầu năm. Tổng nợ hiện đang chiếm khoảng 39,7% nguồn vốn.
Dù các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng lợi nhuận trước thuế của LSS 6 tháng đầu niên độ chỉ đạt 17,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 15 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý II, Mía đường Lam Sơn chỉ đạt hơn 200 triệu đồng.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của LSS đạt 2.687 tỷ đồng, tăng 3% so với hai quý trước đó. Tồn kho xấp xỉ 534 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, phải thu ngắn hạn tăng thêm 25 tỷ đồng lên xấp xỉ 403 tỷ đồng. Chi phí trả trước ngắn hạn cũng tăng gấp 10 lên 45,1 tỷ đồng.
NDH