Lũ lụt kinh hoàng chưa từng có ở Pakistan khiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bị sốc
Gần 1.400 người đã tử vong, hơn một triệu người mất nhà cửa trong trận lũ lụt đã nhấn chìm gần một phần ba diện tích Pakistan và phá hủy mùa màng, khi nước này vốn đang khó khăn.
- 04-09-2022Hơn 1/3 lãnh thổ Pakistan đang chìm trong lũ lụt
- 01-09-2022Đáng sợ như lũ lụt Pakistan: Từ đồng bằng thành hồ nội địa rộng 100 km
- 31-08-2022Lý giải nguyên nhân “gió mùa quái vật” gây lũ lụt khủng khiếp ở Pakistan
Sự tàn phá ở quy mô "chưa từng thấy" của lũ lụt tại Pakistan
Mới đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có chuyến thăm vùng lũ tại Pakistan và những người dân Pakistan chịu ảnh hưởng. Ông nói rằng mình "không thể diễn tả bằng lời" những điều ông đã chứng kiến tại quốc gia này, bởi ông chưa bao giờ thấy sự tàn phá của khí hậu ở quy mô lớn đến vậy.
Gần 1.400 người đã tử vong, hơn một triệu người mất nhà cửa trong trận lũ lụt đã nhấn chìm gần một phần ba diện tích Pakistan và phá hủy mùa màng, trong khi quốc gia này vốn đang đối mặt với lạm phát cao và khủng hoảng cán cân thanh toán.
Trả lời báo giới hôm 10/9 tại thành phố cảng Karachi trong ngày thứ hai của chuyến thăm Pakistan, ông Guterres bình luận: "Tôi đã chứng kiến nhiều thảm họa nhân đạo trên thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ thấy thảm họa khí hậu ở quy mô như thế này."
Hơn một phần ba diện tích Pakistan đã bị các sông băng tan chảy và những trận mưa gió mùa kỷ lục bắt đầu từ tháng 6 nhấn chìm, gây ra thiệt hại lớn cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, mạng lưới đường sắt, vật nuôi và cây trồng.
Tổng Thư ký LHQ Guterres cho biết ông hy vọng chuyến thăm của mình sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ cho Pakistan, và ông cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Pakistan vượt qua khó khăn này.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP
Pakistan thường xuyên chứng kiến những trận mưa lớn trong mùa mưa - vốn là nguồn cung quan trọng cho hệ thống nước và hệ thống tưới tiêu của nước này.
Tuy nhiên, năm nay, những trận mưa kỷ lục chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ cùng với tình trạng các sông băng ở phía bắc tan chảy đã tạo thêm áp lực lên các tuyến đường thủy của Pakistan.
Trong khi các quốc gia G20 phát thải đến 80% tổng lượng khí thải trên toàn cầu, thì Pakistan chỉ chịu trách nhiệm cho chưa đến 1%. Thế nhưng Pakistan lại đứng thứ 8 trong danh sách của tổ chức phi chính phủ Germanwatch về các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Người đứng đầu LHQ đã chỉ trích việc thế giới thiếu quan tâm đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc gia công nghiệp.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng "các quốc gia giàu có hơn có trách nhiệm đạo đức phải giúp đỡ các nước đang phát triển như Pakistan phục hồi và thích ứng sau những thảm họa như thế này. Pakistan cần được đầu tư để tăng cường khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ lặp lại trong tương lai."
Ảnh: Stringer/Reuters
Sau trận lũ kỷ lục là nỗi lo về kinh tế
Tanveer Aziz Kingrani dự định dành tháng 8 để ôn tập cho kỳ thi học kỳ của mình tại Đại học Sindh. Thay vào đó, cậu sinh viên 23 tuổi với mơ ước trở thành nhà vật lý học này đã phải sống tạm bợ trong lều cùng 18 thành viên trong gia đình suốt cả tuần qua, sau khi ngôi làng Haji Manik Khan của cậu bị nước lũ nhấn chìm.
Kingrani và gia đình cậu nằm trong số 33 triệu người buộc phải sơ tán do những trận mưa và lũ lụt chưa từng có. Thế nhưng điều Kingrani lo ngại không chỉ là nhà cửa bị mất trong trận lũ.
"Lũ lụt đã phá hủy toàn bộ mùa màng của chúng tôi. Chúng tôi chẳng còn gì cho bản thân hoặc để đi bán. Chúng tôi thiệt hại ít nhất 1,8 triệu rupee [tương đương 8.000 USD]", Kingrani trả lời phóng viên Al Jazeera.
Gia đình Kingrani sở hữu 12 ha đất ruộng trồng lúa, bông trong vụ hè-thu và lúa mì trong vụ đông. Tuy nhiên, những trận mưa không chỉ phá hủy những cây lúa và bông của gia đình họ, mà giờ đây gia đình này còn lo lắng về vụ lúa mì mùa đông.
Ông Aziz Kingrani, cha của Tanveer cho biết: "Khu vực này đang ngập rất sâu, nên khó có khả năng nước rút hết trong 3 tháng tới, và điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ lỡ mất thời điểm gieo trồng lúa mì".
Là một giáo sư đã nghỉ hưu, ông Aziz cho hay hiện tại ông không có nguồn thu nhập nào khác ngoài đất đai và lương hưu của mình. Ông rất lo lắng vì số tiền lương hưu ít ỏi khó mà đủ để ông chu cấp cho 18 người trong gia đình.
Ảnh: Al Jazeera
Ở cách làng của Kingrani khoảng 800km về phía Tây Bắc là Balochistan, tỉnh nghèo nhất của Pakistan, tình hình cũng diễn ra tương tự. Nơi đây đã chứng kiến lượng mưa nhiều hơn 500% so với mức trung bình hàng năm trong tháng 8 vừa qua.
Abdul Bashir Jatoi, một nông dân ở thành phố Dera Allah Yar thuộc tỉnh Balochistan, cho biết toàn bộ ngôi làng của anh, bao gồm 10 ha đất nông nghiệp, đã bị nước lũ nhấn chìm. Khoảng 800 ha đất của 4-5 ngôi làng lân cận cũng đang chìm trong nước.
"Tôi đã đầu tư gần 500.000 rupee [tương đương 2.240 USD] cho vụ mùa năm nay, với hy vọng kiếm được lợi nhuận gần 1.500.000 rupee [tương đương 6.720 USD], nhưng giờ mọi thứ đã mất trắng", Jatoi nói.
Đây chỉ là hai trong số nhiều hộ gia đình nông dân tại Pakistan bị lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà quản lý kinh tế của nước này đang đối mặt thách thức vô cùng lớn trước mắt, khi lũ lụt tàn phá đường xá và mạng lưới thông tin liên lạc của đất nước, làm hư hại một số lượng lớn nhà cửa và phá hủy hàng triệu ha cây trồng.
Ngành nông nghiệp chiếm gần một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan - cụ thể là 22,7%. Sự tàn phá kinh hoàng của trận lũ diễn ra vào thời điểm Pakistan đang phải đối mặt với tình trạng dự trữ ngoại hối sụt giảm nhanh chóng, và nước này đang quay cuồng với lạm phát nghiêm trọng, chạm mức 27,3% trong tháng 8, mức cao nhất trong vòng 5 thập kỷ
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương LHQ ngày 29/8, gần 80% số cây trồng ở Sindh, địa phương sản xuất khoảng 30% tổng sản lượng bông của Pakistan, đã bị phá hủy.
Gần 70% ngành công nghiệp dệt may của Pakistan - ngành cung cấp việc làm và ngoại hối quan trọng của nước này, sử dụng nguồn bông nội địa. Gần 35% số bông đó được thu hoạch và sản xuất ở tỉnh Sindh bởi những người nông dân như gia đình Kingrani.
Ảnh: Akhtar Soomro/Reuters.
Ông Abdul Rahim Nasir, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy dệt của Pakistan, cho biết việc lũ lụt ảnh hưởng đến mùa màng sẽ khiến nước này thiệt hại rất lớn, đặc biệt là với nguồn ngoại tệ đang ngày càng cạn kiệt.
Ông Nasir nói: "Chúng tôi thường nhập khẩu hơn 4 triệu kiện để đáp ứng yêu cầu của mình. Do tình trạng thiếu hụt hiện tại, chúng tôi có thể phải nhập khẩu gấp đôi, với chi phí có thể lên đến gần 3 tỷ USD".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pakistan Miftah Ismail ước tính tổng thiệt hại là 10 tỷ USD trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tiếp tục diễn ra, tuy nhiên các nhà phân tích độc lập cho rằng con số thực tế là 15 tỷ đến 20 tỷ USD, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng thiệt hại có thể còn tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng trong khi thiệt hại tài chính trực tiếp của thảm họa về các cây cầu, tòa nhà, mạng lưới đường bộ, cây trồng và vật nuôi bị mất là những điều có thể xác định và tính toán dễ dàng, thì chính phủ cũng cần tính đến ảnh hưởng đối với phần còn lại của nền kinh tế.
Shahrukh Wani, một nhà kinh tế tại Trường Chính phủ Blavatnik thuộc Đại học Oxford, cho biết việc xác định những thiệt hại lan tỏa có thể mất đến nhiều tháng.
Phụ nữ Việt Nam