Lũ ở Làng Nủ như một 'âm mưu bí mật' của thiên nhiên
“Tiếng ầm ì như máy bay trực thăng, sau đó là sạt lở đất…”, đó là hồi ức của những người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Còn dấu hiệu trước đó là gì? Khi được hỏi thì ai cũng lắc đầu. Dòng suối bùn sau lũ quét đã mở toang thành con sông...
- 17-09-2024XÚC ĐỘNG: Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie nhận nuôi các bé sống sót sau trận lũ quét Làng Nủ đến năm 18 tuổi!
- 17-09-2024Hòa Minzy thông báo lý do chưa nhận nuôi được bé gái 6 tuổi mất cả 5 người thân sau trận bão lũ làng Nủ
- 16-09-2024Nam nghệ sĩ có mặt ở Làng Nủ, xót xa khi nghe thầy cô nói "lớp tôi cả nhà cái A mất hết rồi"
Tôi lặn lội dọc dòng sông bùn, “soi” rất kỹ nhưng vẫn không tìm ra dấu hiệu vốn thường gặp như những cơn lũ quét từng xảy ra ở miền Trung quê mình.
Chỉ còn bọt nước
Sáng 16/9, đã tròn 1 tuần thôn Làng Nủ trải qua đại nạn, nhưng bà con dân tộc Tày nơi đây dường như vẫn chưa hình dung hết những gì đã xảy ra. Như ác mộng, nhiều người nhắc điều này, bởi nhiều năm qua nơi đây vẫn là chốn yên bình. Nhưng giờ đây có lẽ chỉ còn là nỗi ám ảnh. Trong đêm 15/9, trời mưa rất to cộng với sấm chớp ầm ầm, cả thôn Làng Nủ lại một phen kinh hồn.
Tôi đi dọc con suối giờ đã biến thành dòng sông bùn để quan sát và so sánh với các vụ sạt lở tương tự ở miền Trung. Điểm giống nhau ở vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, đó là xảy ra sau siêu bão. Các tỉnh miền Trung, sạt lở nặng nề nhất cũng xảy ra sau siêu bão, như bão Molave năm 2020. Điều này cho thấy, các cơ quan phòng chống thiên tai phải thay đổi cách đánh giá, đó siêu bão luôn có “cú đánh bồi”, sạt lở đất sẽ đi kèm sau siêu bão.
Dân làng cho biết, chủ nhân của 2 chiếc xe này bị thiệt hại nặng nhất. Chủ xe là anh Hoàng Văn Bàn, cả gia đình anh, bao gồm vợ, 3 người con và anh Bàn đều chết, chỉ người cha là Hoàng Văn Bóng sống sót. Ngày thường anh Bàn làm nghề buôn bán, vận chuyển hàng hóa, anh vừa mượn chiếc xe xúc về để san ủi mặt bằng, xây dựng nhà cho con trai lớn trước khi tổ chức đám cưới, nhưng rồi tai họa ập đến...
16 năm lũ quét mới trở lại
Cựu chiến binh Hoàng Văn Hòa, 68 tuổi, từng giữ chức trưởng thôn từ năm 2003 đến năm 2015 chỉ vào chiếc điện thoại bàn gắn trên cột nhà, nơi dán chiếc bùa trừ tà trong ngôi nhà gỗ lợp tôn nóng bức. Chiếc điện thoại này do chính quyền cấp cho ông để thiết lập đường dây nóng, thông báo tình hình sạt lở. Cụm từ “sạt lở núi, lũ quét” đã được ông và địa phương đưa vào phần ghi nhớ trong sổ tay từ rất lâu rồi. Ông Hòa tròn xoe mắt và nói “năm 2008 có một lần như thế rồi, lũ ập xuống cuốn trôi một ngôi nhà, không có thiệt hại về người, tới 16 năm sau thì lũ lại đến và lần này thì gây thiệt hại quá nặng”.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh chia sẻ, hiện, địa phương đang khẩn trương san ủi để xây dựng khu dân cư mới để đưa bà con đến ở nơi an toàn. Tuy nhiên, mấy ngày nay mưa tiếp tục đổ xuống, đường trơn trượt nên xe cơ giới phải đi chậm ảnh hưởng đến việc thi công.
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh nằm giữa nhiều ngọn núi nhỏ, thấp thoáng bóng cây cọ và bạt ngàn rừng trồng cây quế, mỡ, bồ đề. Những con đường đi men theo chân núi thỉnh thoảng lại có tấm bảng đỏ cảnh báo của địa phương: “Đề nghị tất cả bà con không được tự ý vào rừng đào bới măng và thu hái…”.
Những ngọn núi thấp bao quanh thôn Làng Nủ vốn xanh ngắt màu xanh của các loại cây công nghiệp, sau siêu bão Yagi đã xuất hiện nhiều vết nứt. Điều này khá giống với một số ngọn núi thấp trồng cây keo lai ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, sau siêu bão Molave năm 2020, cây keo lai bị ngã đổ, trộn lẫn với bùn và gây ra những thiệt hại tàn khốc.
Ám ảnh
Mưa khiến cho việc tái thiết cuộc sống mới bị chậm lại. Ở Làng Nủ, cơn mưa giờ đã thành nỗi ám ảnh của người dân. Trong đêm 15 rạng ngày 16/9, mưa và sấm chớp ầm ầm đổ xuống thôn Làng Nủ. Đến đêm hôm sau, trời tiếp tục đổ mưa. Chị Hoàng Thị Yêu nấu tô canh cá với rau vón vén, mùi vị của tô canh chua đã trở nên đắng nghét trong cổ họng. Hai cậu con trai ôm chặt lấy mẹ rồi la hét nói mẹ “chạy mau đi”.
Đêm ấy, mưa đổ xuống và chỉ 20 phút, con suối nhỏ ở cuối thôn Làng Nủ lại lập tức réo sôi. Những người dân ở dọc khu vực suối lập tức che áo mưa, dắt nhau bỏ chạy trong đêm tối. Bà Hoàng Thị Khẩn cho biết, “mọi người dồn vào ở với nhau để nhỡ có báo động thì bỏ chạy”. Con đường dọc bờ suối thỉnh thoảng lại có chiếc vỏ bình gas treo trên cây để làm kẻng báo động mỗi khi trời mưa to và có thông tin “cảnh báo có thể tiếp tục sạt lở đất”.
Ở các tỉnh miền Trung, trước khi sạt lở thì trên lưng núi xuất hiện vài con suối lạ, như lời cảnh báo của thiên nhiên, sau đó là nước đục ngầu màu đất tuôn chảy. Còn ở thôn Làng Nủ, tất cả như một “âm mưu bí mật” của thiên nhiên. Nhiều người khi được hỏi “thử nhớ lại là đã thấy gì lạ thường trước đó?”, thì ai nấy đều lắc đầu, “không thấy gì lạ, cho tới khi tiếng ầm ầm như máy bay trực thăng, như chiếc xe chở hàng quá tải lên dốc, sau đó thì thôn Làng Nủ tan hoang...”.
Tiền phong