Lũ sông Cầu ở Bắc Ninh sắp chạm kỷ lục 53 năm
Vào 21 giờ tối nay (12/9), lũ trên sông Cầu ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) lên tới 7,78m, chỉ còn cách lũ lịch sử năm 1971 khoảng 6cm. Dự báo mực nước lũ đã đạt đỉnh, duy trì trên báo động 3 trong đêm nay và ngày mai. Lũ trên sông Đáy và sông Chảy cũng đang có xu thế lên.
Tình hình lũ đang diễn biến phức tạp tại sông Cầu (chảy qua địa phận các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương). Lúc 21 giờ tối nay, lũ trên sông cầu vượt báo động đến 1,48m, cách mức lũ cao nhất lịch sử 53 năm trước là 6cm. Dự báo trong đêm nay và ngày mai, lũ trên sông Cầu ít biến đổi, tiếp tục dao động ở mức đỉnh – trên báo động 3.
Trước đó, vào 1h sáng 10/9, lũ trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy cũng lên tới 28,81m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 khoảng 0,67m. Thời điểm đó, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,92m.
Lũ trên sông Đáy tại Phủ Lý (Hà Nam) cũng tiếp tục lên trong tối nay. Lúc 21 giờ, lũ cao 5,18m, cách mực lũ lịch sử khoảng 65cm. Dự báo lũ vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao tại sông Đáy trong đêm nay và ngày mai.
Trên sông Hồng tại Hà Nội lũ đang xuống. Lúc 21 giờ tối nay, lũ cao 10.6m, trên báo động 2 là 10cm. Dự báo trong đêm nay và ngày mai, lũ trên sông Hồng xuống dưới báo động 2 và duy trì mực nước từ báo động 1 (là 9,5m) đến báo động 2 (là 10,5m).
Tại thượng nguồn các dòng sông ở miền Bắc, lũ đang xuống nhanh. Lúc 21 giờ tối nay, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đã dưới mức báo động 2, giảm gần 6m so với thời gian đạt đỉnh. Dự báo đêm nay, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 2, ngày mai xuống dưới mức báo động 1. Lũ trên sông Lô tại Vũ Quang cũng xuống dưới mức báo động 1 trong đêm nay và ngày mai.
Riêng tại 4 dòng sông quan trọng của miền Bắc gồm sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Thương, sông Lục Nam, do ảnh hưởng của thuỷ triều dâng ven biển nên lũ xuống rất chậm. Dự báo trong đêm nay và sáng mai, lũ các dòng sông này vẫn duy trì trên báo động 3.
Do quá trình thoát lũ và giảm lũ trên hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình diễn ra chậm chạp. Mức lũ trên các dòng sông duy trì ở mức rất cao nên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, tình trạng ngập ở ven sông, vùng ngoài đê chính tại Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Mực nước lũ lên cao và duy trì lâu có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Tại khu vực vùng núi, nguy cơ cao nhất hiện nay là sạt lở đất do mưa lớn kéo dài, tỷ lệ đất bị bão hoà rất lớn. Thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cung cấp trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Miền Bắc đang trải qua một đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Tại Hà Nội, nước lũ trên sông Hồng lên cao nhất 20 năm qua, tại sông Thao ở Yên Bái, đỉnh lũ cũng vượt qua kỷ lục năm 1968. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Thái Nguyên hứng chịu một đợt lũ lụt nghiêm trọng như vậy. Bắc Giang, lũ tương đương năm 1986, 2008, gây thiệt hại rất lớn. Tính đến trưa 12/9, mưa lũ đã khiến 327 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất đặc biệt to lớn.
Tiền Phong