MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa chịu mặn lên ngôi

18-08-2016 - 15:12 PM | Thị trường

Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử vừa qua đã khiến cho người trồng lúa ĐBSCL tìm đến những bộ giống chịu được độ mặn cao.

Các tỉnh ven biển phía Nam hầu hết đều có chương trình thay đổi các bộ giống lúa chịu mặn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất cao, đem đến lợi nhuận cho người trồng. Sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là cụm từ được nói đến rất nhiều.

Thay đổi tại thủ phủ lúa - tôm

Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân huyện Hồng Dân đã thực hiện mô hình này. Các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ phải cố giải thích rằng cây lúa và con tôm vẫn sống được trong cùng một diện tích sản xuất trước sự ngỡ ngàng của các đại biểu.

Qua hơn 20 năm sản xuất cho mô hình này, hiệu quả mang lại khiến các tỉnh ven biển phía Nam đều nhân rộng mô hình lên đến trên 260.000 ha sản xuất. Dù vậy, điều người dân quan tâm là giống lúa có thể sản xuất được trên đồng đất “lỡ bị mặn” đến 4 - 5 phần ngàn khi giao mùa. Ngay từ năm 1998, Bạc Liêu đã chọn được giống “Một bụi đỏ” để sản xuất cho mô hình lúa - tôm, lúa trên đất nuôi tôm ở các huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.

Vụ mùa này, toàn tỉnh có trên 26.000 ha lúa “Một bụi đỏ” trên đất nuôi tôm. Tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu đã phục tráng giống lúa “Một bụi đỏ” có khả năng chịu mặn đến 5 phần ngàn, năng suất đạt tới 6 tấn/ha, đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu. Ông Trần Văn Hiếu - Phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, người chọn đề tài lúa chịu mặn trên đất lúa tôm làm đề tài tiến sĩ của mình - cho biết: “Bây giờ, lúa trên đất tôm rất quan trọng chứ không như ngày trước, trồng chủ yếu để lấy rơm, rạ để cải tạo môi trường nước cho nuôi tôm. Cây lúa là thu nhập chính trong mô hình lúa - tôm chứ không phải như trước đây, cây lúa chỉ phụ trợ cho con tôm. Hiện tại, Hồng Dân có 5.600 ha sản xuất dòng lúa F1 “Một bụi đỏ” vừa mới phục tráng. Đạt được hai yếu tố, năng suất và xuất khẩu”.

Để có những thành công này, Hồng Dân từng bị dư luận chỉ trích vì bỏ ra hàng tỉ đồng để đưa giống lúa chịu mặn cao, dân gian gọi là lúa “sổi” không mấy thành công do năng suất quá thấp, phẩm chất gạo thấp, không đạt chuẩn xuất khẩu. Dù vậy, học phí bỏ ra quá rẻ so với hiệu quả làm cho trên 20.000 hộ dân nơi đây có cuộc sống ổn định, vươn lên khá, giàu từ cây lúa, con tôm.

Tại Cà Mau, UBND tỉnh cũng vừa chính thức lập đề án tuyển chọn từ 3 - 6 bộ giống lúa chịu mặn vào sản xuất trong giai đoạn 2016 - 2020, góp phần tăng tỉ lệ sử dụng giống xác nhận lên 75%, giảm lượng giống gieo sạ còn 80 - 100 kg/ha.

Nhiều nông dân cho biết, ngay trong vụ đông xuân sớm 2016-2017 sắp tới, sẽ tự nhân các giống lúa chịu mặn OM380 và LP05 để canh tác đại trà trong vụ xuân hè 2017.

Không phải… dễ ăn

Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, Sóc Trăng vừa phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa chịu mặn. Tham quan đánh giá trên đồng ruộng, các đại biểu được nghe chủ ruộng báo cáo lại quá trình canh tác, chăm sóc và kết quả ghi nhận về một số đặc điểm của các giống lúa chịu mặn.

Theo đó, thực nghiệm được gieo sạ (sạ lan) trên nền đất bị nhiễm mặn trong vụ xuân hè 2016, mật độ sạ 120kg/ha, lượng phân bón gồm phân hữu cơ vi lượng 55 kg/ha và phân vô cơ 200 - 250 kg/ha. So với giống đối chứng IR 50404, giống OM380 có thời gian sinh trưởng tương đương nhưng có các ưu điểm nổi bật là không bị chết cây ở giai đoạn mạ do mặn, nhẹ phân hơn khoảng 25-30%, chống chịu khá đối với bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông (giảm được 50% số lần phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn), lúa trổ gọn, vào chắc nhanh.

Trong khi đó, giống LP05 có thời gian sinh trưởng dài hơn giống IR 50404 và OM380 khoảng 5 ngày và có các ưu điểm tương tự như giống OM380. Theo đánh giá của các “lão nông tri điền” thì cả hai giống OM380 và LP05 đều có khả năng cho năng suất cao hơn giống IR 50404.

Nông dân Nguyễn Văn Hoàng (xã An Mỹ) rất ưng ý với giống OM380 vì cho rằng đây là giống đầu tiên có thể thay thế được giống IR 50404 vì các ưu thế nổi bật như ngắn ngày, nhẹ phân, ít bệnh, chống chịu mặn và năng suất cao. Nhận xét về giống LP05, nông dân Nguyễn Văn Út, xã Kế Thành, cho rằng, đây là giống có thể bổ sung, đưa vào sản xuất trong cánh đồng mẫu do được bao tiêu, năng suất cao, ít sâu bệnh và quan trọng nhất là chịu được mặn nên thích ứng với tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô, ít rủi ro, trồng an tâm hơn.

Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước cho rằng, hai giống chịu mặn, ngắn ngày OM380 và LP05 được trồng và chọn lọc từ bộ giống lúa chịu mặn của Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng từ năm 2011 tại vùng đất nhiễm mặn ở huyện Trần Đề. Các giống lúa này có khả năng chịu mặn từ 2-3‰ trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; hạt gạo trong, ít bạc bụng và được doanh nghiệp đặt hàng để sản xuất và tiêu thụ trong cánh đồng mẫu.

Cần giống lúa chịu được hạn mặn để phát triển bền vững

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Cty CP Phân bón Bình Điền. Từ xa xưa, loài người muốn tồn tại luôn phải thích nghi với thiên nhiên, dù có lúc thiên nhiên rất khắc nghiệt với con người. Sự thích ứng đó đã trở thành bản năng tồn tại và phát triển của con người trong mọi điều kiện. Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lúc khai thiên lập địa đã phải tiếp cận với bờ biển dài hàng ngàn cây số, người dân đã từng chia sẻ ngọt bùi với vị mặn chát của muối biển và trong sản xuất nông nghiệp đã thông minh kết hợp hài hòa giữa đặc điểm tự nhiên với kinh nghiệm sản xuất một cách nhuần nhuyễn.

Họ dựa vào điều kiện tự nhiên thực tế để nuôi trồng thủy sản với hệ thống cây trồng, trong đó hệ thống lúa - tôm ngày càng mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững, còn được gọi là hệ thống canh tác thông minh, nó khai thác được thế mạnh, khả năng chịu mặn của các loài tôm và khả năng thích ứng với nhiều giống lúa đi theo con tôm. Từ thực tế đó, các nhà khoa học đã chọn lọc và nhân tạo nhiều loại giống lúa có khả năng chịu độ muối từ 3 đến 5%O, những giống này đã được bà con nông dân sử dụng và đạt được yêu cầu cũng như năng suất. Nhiều giống lúa chịu hạn, mặn đã được công nhận kèm theo quy trình canh tác, bón phân NPK đặc chủng phù hợp cho vùng mặn, quy trình chăm sóc...

Trước mắt, bà con nông dân bớt lo lắng cho vụ mùa của mình nếu thực hiện đúng theo khuyến cáo của các nhà khoa học và cơ quan nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên việc xâm nhập mặn ngày càng cao do biến đổi khí hậu. Theo dự báo, phần lớn diện tích ở đây sẽ bị ảnh hưởng mặn và để cứu lấy vựa lúa của cả nước trong tương lai phải cần đến nhiều giải pháp, trong đó có việc nghiên cứu và nhân tạo thêm nhiều loại giống chịu hạn, mặn cao hơn nữa đang là thách thức và nhiệm vụ cấp bách của các nhà khoa học Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học do Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 11 và 12.8, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương đã xác định việc nghiên cứu các loại giống mới trong đó có giống lúa để thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt kèm theo đó là một quy trình gieo trồng, chăm sóc, bón phân... là một mục tiêu cấp bách để góp phần làm cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển một cách bền vững. Điều này phù hợp với nguyện vọng của người dân ở ĐBSCL vì đã đến lúc chúng ta không còn tìm cách né mặn hoặc chống mặn mà phải chấp nhận sống chung với hạn, mặn để từ đây tìm các giải pháp để thích nghi như bao đời nay chúng ta đã thích nghi để tồn tại và phát triển.

Lê Quốc Phong

Theo Hoàng Huy

Lao động

Trở lên trên