Lựa chọn các nhà đầu tư uy tín vào ba khu công nghiệp mới ở Đà Nẵng
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, thành phố đang cố gắng lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt là khả năng thu hút các nhà đầu tư để việc phát triển sản xuất công nghiệp thành phố có kết quả tốt hơn.
- 27-05-2022Ngã ngửa với ma trận “chăn dắt” nhà đầu tư của giới “cò” đất
- 27-05-2022Siết tín dụng BĐS: Người mua thực gặp khó, cần điều chỉnh dòng vốn thế nào cho thấu đáo?
- 27-05-2022“Lướt sóng” bất động sản, nhà đầu tư lo lắng lãi ảo nhưng “chôn” vốn thật
Các khu công nghiệp mới vẫn chưa tìm được chủ
Từ tháng 4/2020, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (Ban Quản lý) đã tổ chức công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN mới gồm: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn, Hòa Ninh.
Theo đó, KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) có diện tích quy hoạch hơn 120ha tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); KCN Hòa Ninh có tổng diện tích hơn 400ha tại xã Hòa Ninh; KCN Hòa Nhơn có tổng diện tích hơn 360ha tại xã Hòa Nhơn. Mặc dù có nhiều nhà đầu tư tham dự sơ tuyển đầu tư 3 KCN nói trên nhưng không có nhà đầu tư nào trúng tuyển.
Liên quan đến tiến độ các KCN mới trên địa bàn thành phố, tại chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" lần thứ 2, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, về đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoà Cầm, ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chấp thuận đầu tư khu công nghiệp giai đoạn 2.
Hiện tại, Ban Quản lý đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai, dự kiến đến 15/11/2022 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và sau đó sẽ triển khai các thủ tục tiếp theo như đền bù, giải toả, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh: Thành Vân)
Về khu công nghiệp Hoà Ninh, hiện tại thành phố đã trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, các Bộ ngành Trung ương đang xử lý. Dự kiến đến đầu năm 2023 Đà Nẵng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.
Về khu công nghiệp Hoà Nhơn, Ban Quản lý đang tiếp tục tham mưu UBND thành phố sớm có quỹ đất phục vụ cho sản xuất thành phố.
"Chúng tôi phải cố gắng lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt là khả năng thu hút các nhà đầu tư để việc phát triển sản xuất công nghiệp thành phố có kết quả tốt hơn", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hiện KCN Liên Chiểu còn khoảng 100ha; ngoài ra có khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung còn quỹ đất phục vụ cho các nhà đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp
Hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang triển khai đầu tư 3 cụm công nghiệp gồm: Cẩm Lệ, Hoà Nhơn và Hoà Khánh Nam.
Trong đó, cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã được đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng hoàn thành sớm nhất. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành 90%, dự kiến hoàn thành vào quý III/2022, giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022. Có thể đưa doanh nghiệp tiếp cận được đất đai.
Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương. (Ảnh: Thành Vân)
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện cụm công nghiệp Cẩm Lệ đang gặp vướng mắc ở khâu thuê đất và cho thuê đất. Đà Nẵng đang làm việc để xin Thủ tướng cơ chế để giải quyết vướng mắc này. Dự kiến, sẽ phấn đấu đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động vào quý IV/2022 sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý xử lý vướng mắc.
Đối với cụm công nghiệp Hoà Nhơn, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành trong quý III/2022, triển khai thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Đối với cụm công nghiệp Hoà Khánh Nam, trong quý II/2023 sẽ hoàn thành giải toả mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật năm 2024.
"Đối với cụm công nghiệp Hoà Nhơn, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương. UBND thành phố đang rà soát, xem xét và sớm ban hành để làm cơ sở lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hoà Nhơn, sau đó là cụm công nghiệp Hoà Khánh Nam và các cụm công nghiệp mới", bà Phương thông tin.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, về đầu tư mới các cụm công nghiệp còn đang vướng mắc về quy định đầu tư. Trong luật đầu tư công quy định không được đầu tư công khu, cụm công nghiệp trừ khu vực miền núi, hải đảo. Trong khi cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã sử dụng đầu tư công nên hiện tại đang vướng về cơ chế quản lý. "TP. Đà Nẵng đang xin cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc này", ông Triết nói.
Theo ông Triết, chủ trương đầu tư, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp là đúng đắn và cần quyết liệt triển khai. Đà Nẵng phát triển theo cơ cấu thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Qua đại dịch COVID-19 cho thấy do cơ cấu kinh tế như vậy khiến thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, phát triển công nghiệp giúp thành phố bền vững hơn.
"Do đó, đề nghị UBND TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương và các quận huyện phải đeo bám, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc. Chúng ta nên tham khảo cách làm của các địa phương khác. Sao địa phương khác làm nhanh mà Đà Nẵng động vào cái gì cũng khó khăn", ông Triết cho hay.
Nhà đầu tư