MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lựa chọn cổ phiếu nào để đầu tư khi giá cao su khó có cơ hội bứt phá mạnh trong nửa cuối năm 2017?

Trong báo cáo mới được đưa ra, CTCK BSC cho rằng giá cao su thường có có xu hướng tăng tốt trong quý 1 với mức tăng khoảng 20% so với giá đầu năm, sau đó giảm dần khi bắt đầu vào mùa vụ. Trong giai đoạn này, giá cao su thường kết thúc cuối năm ở mức giá dao động từ 60% - 80% so với mức giá khởi điểm đầu năm.

Trong giai đoạn đầu năm 2017, giá cao su RSS3 biến động khá mạnh và có thời điểm tăng lên mức 314,9 JPY/kg vào cuối tháng 1/2017 trước các thông tin lũ lụt của Thái Lan, và sau đó biến động mạnh với biên độ 20-30 JPY trong nửa đầu tháng 2.

Từ ngày 14/2 tới nay, giá cao su đã giảm mạnh khoảng 20% và đang giao dịch ở mức 254 JPY/kg, dưới các thông tin (1) Thái Lan tuyên bố sẽ sử dụng quỹ dự trữ của quốc gia để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu của quốc gia này (2) Các nhà sản xuất lốp cao su ở Ấn Độ cắt giảm sản xuất bởi giá cao su tăng mạnh.

Giá cao su sẽ không lặp lại câu chuyện của năm 2016?

Trong báo cáo mới được đưa ra, CTCK BSC cho rằng giá cao su thường có có xu hướng tăng tốt trong quý 1 với mức tăng khoảng 20% so với giá đầu năm, sau đó giảm dần khi bắt đầu vào mùa vụ. Trong giai đoạn này, giá cao su thường kết thúc cuối năm ở mức giá dao động từ 60% - 80% so với mức giá khởi điểm đầu năm.

Năm 2017, giá cao su đã đạt đỉnh ở mức 314,9 JPY, tăng 25% so với thời điểm đầu năm, cao hơn so với mức bình thường trong lịch sử, kéo theo kỳ vọng rằng giá cao su có thể giữ được ở mức cao cho cả năm. Tuy vậy, dựa theo các dữ liệu lịch sử trong giai đoạn 2011 – 2015, BSC cho rằng giá cao su có thể chỉ còn ở mức 200 – 220 JPY/kg vào thời điểm cuối năm.

BSC cũng lưu ý giá cao su năm 2016 đã có những diễn biến trái chiều so với tính chu kỳ, tuy nhiên chỉ mang tính đột biến. Trái ngược với diễn biến đi xuống về phía cuối năm, giá cao su đã tăng mạnh lên gấp 2 lần mức giá đầu năm. Sự tăng mạnh này là kết quả của sức tăng trưởng mạnh trong sản lượng tiêu thụ ô tô Trung Quốc, tăng 13,7% trong 2016 dưới ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế.

Cụ thể, thuế tiêu thụ ô tô Trung Quốc đã giảm từ 10% xuống 5%, có hiệu lực từ cuối 2015. Đây là nhóm ngành có tác động trực tiếp đến ngành săm lốp, và qua đó đến nhu cầu tiêu thụ cao su. Từ 1/1/2017, thuế tiêu thụ ô tô tăng lên mức 7,5% và sẽ về mức cũ 10% từ 2018. Do vậy, BSC cho rằng giá cao su sẽ không thể lặp lại xu hướng tăng về cuối năm như năm 2016.

Ngoài ra, BSC cũng lưu ý nhà đầu tư nên quan tâm đến diễn biến giá cao su trong dài hạn (nửa cuối năm) thay vì trong vòng 1-2 tháng tới. Do giá cao su trong nước có độ trễ nhất định, hiện giá trong nước vẫn chưa giảm nhiều, chỉ ở mức khoảng 3-5% so với mức đỉnh của năm.

Bên cạnh đó, khi giá cao su thế giới được phản ánh vào giá cao su trong nước thì ngành cao su bước vào giai đoạn rụng lá và không có sản phẩm để bán ra. Như vậy biến động giá cao su trong ngắn hạn sẽ không tác động trực tiếp lên KQKD các doanh nghiệp. Ngành cao su sẽ bắt đầu cạo mủ lại từ tháng 4 – tháng 5 và gia tăng sản lượng vào giữa quý 3 hằng năm.

Chọn cổ phiếu nào để đầu tư?

Hiện tại, mức giá sàn được công bố bởi tập đoàn cao su cho các doanh nghiệp trong nước đang ở mức 52 – 59 triệu/tấn cao su, cao gần gấp đôi so với giá bán cùng kỳ (khoảng 28-30 triệu/tấn). Mức giá sàn đã có xu hướng giảm từ giữa tháng 2, cũng chịu ảnh hưởng bởi những biến động mạnh trên giá cao su thế giới.

Với giả định giá cao su các doanh nghiệp trong nước bán ra ở mức trung bình 40 triệu/tấn trong năm 2017, BSC nhận định lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su của Cao su Tây Ninh (TRC) sẽ tăng mạnh 104% lên mức 64,6 tỷ đồng, và LNTT của doanh nghiệp có thể đạt 120,3 tỷ đồng (tăng 46,7% so với cùng kỳ năm trước), tương đương EPS năm 2017 đạt 2.823 đồng/cp. Mức giá kỳ vọng BSC đưa ra cho TRC là 38.000 đồng trong năm 2017.

Còn với Cao su Đồng Phú (DPR), BSC kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động cao su trong năm 2017 ước đạt khoảng 120 tỷ đồng (tăng 150% so với cùng kỳ) và LNST thuộc công ty mẹ 2017 ước đạt 201,5 tỷ đồng (tăng 26,7%), tương ứng EPS 2017 ước đạt 3.523 VND/cp. Mức giá kỳ vọng với DPR là 48.800 đồng/cp.

Với trường hợp Cao su Phước Hòa (PHR), BSC cho rằng lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp này trong năm 2017 có thể đạt 269 tỷ đồng (tăng 5%), tương đương EPS đạt 2.249 đồng/cp. Việc công ty khó tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong năm nay có 2 nguyên nhân (1) Sản lượng khai thác sụt giảm 15% do việc thanh lý làm giảm diện tích khai thác; (2) Lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng đất KCN sụt giảm từ 106 tỷ (2016) còn khoảng 20 tỷ. Với phân tích trên, BSC dự báo PHR sẽ có mức giá quanh ngưỡng 31.000 đồng/cp.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên