MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lựa chọn khó khăn của người dân tại các vùng nông thôn Trung Quốc

02-03-2024 - 17:39 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người dân ở nông thôn Trung Quốc đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: ở lại những ngôi làng không đủ nguồn lực hoặc di cư đến các thành phố khan hiếm việc làm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Monthly Review

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Vũ Hán (Trung Quốc), mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng của nước này cũng dẫn đến những vấn đề cấp bách ở khu vực nông thôn, như không đủ khả năng chăm sóc người già, tỷ lệ ly hôn gia tăng và tỷ lệ sinh sản giảm.

Tình trạng này đe dọa gây trở ngại cho các kế hoạch phát triển nông thôn và giảm bớt khoảng cách giữa cuộc sống ở thành phố và nông thôn.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và trang mạng xã hội Weibo đã thực hiện nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 115.000 cư dân, trong đó 34.000 người ở nông thôn và 81.000 người ở thành thị, trong dịp Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2/2024.

Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đang trải qua quá trình hội nhập giữa thành thị và nông thôn, với số lượng nông dân mua nhà và ô tô tại các thành phố đang tăng và mua sắm trực tuyến ở các vùng nông thôn cũng đang phổ biến hơn, nhờ vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy 2/3 dân số Trung Quốc sống ở các thành phố vào năm 2023 so với 40% cách đây hai thập kỷ.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Vũ Hán nhận xét do sự chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, nên lối sống đô thị hóa ở các vùng nông thôn đang phải đối mặt với một cái bẫy "tiến thoái lưỡng nan".

Đã có cảnh báo rằng cư dân nông thôn đang ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì một cuộc sống chất lượng cao, bằng chứng là các ngôi làng ngày càng vắng người.

Khoảng 74% những người được khảo sát cho biết chưa tới 60% người dân trong làng chọn ở lại và 30% cho biết làng của họ có chưa đầy 30% số dân.

Theo báo cáo, ở một số làng quê, nhiều hộ nông dân đóng cửa suốt năm, không ai ở nhà. Người lao động chính thường làm việc bên ngoài làng, trẻ em đi học ở nơi khác và người già thì hầu hết đã qua đời.

Đối với những người rời bỏ quê hương, các thành phố họ đến cũng không phải là nơi có nhiều cơ hội việc làm, 43% người lao động đến từ nông thôn cho biết cơ hội việc làm ở thành thị đang thu hẹp.

Báo cáo cũng nêu rằng các hộ gia đình ở nông thôn đang phải đối mặt với áp lực tăng cao về chi phí cho cuộc sống bị thành thị hóa.

Ngoài ra, còn tình trạng tỷ lệ ly hôn tăng và mức sinh giảm. Khoảng 1/3 người ở nông thôn nói rằng tỷ lệ ly hôn đang tăng trong cộng đồng của họ và gần 60% cho biết họ chỉ muốn có một con hoặc không muốn có con.

Tình hình suy giảm dân số là một trong những vấn đề nan giải của Trung Quốc cùng với tình trạng dân số già nhanh chóng và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.

Báo cáo cho biết: "So với dân số trẻ, người già ở vùng nông thôn đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển lối sống thành thị-nông thôn".

Bắc Kinh đã đưa ra các hướng dẫn về thúc đẩy “nền kinh tế tóc bạc” nhằm xây dựng hoặc điều chỉnh các ngành để phục vụ nhu cầu của người già nhằm giải quyết tình trạng dân số già đi nhanh chóng, khi có 15,4% người từ 65 tuổi trở lên tính tới cuối năm 2023.

Mục tiêu trước đây của chính phủ là giúp hai triệu hộ gia đình cao tuổi nâng cao điều kiện sống từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2024 về việc thanh niên thành thị tìm kiếm việc làm ở các vùng nông thôn để nỗ lực phục hồi nền kinh tế nông thôn, đến cuối năm 2025, sẽ có 300.000 thanh niên được đào tạo nâng cao tay nghề trở về nông thôn để phát triển nông thôn.

Trong số những người tham gia, 10.000 người dự kiến sẽ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 10.000 người khác sẽ được giúp đỡ để thành lập doanh nghiệp mới.

Theo Nhật Linh

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên