MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tướng Công an khuyến cáo cách phòng tránh

15-06-2024 - 10:35 AM | Kinh tế số

Năm ngoái có gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, với con số thiệt hại là hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP).

Tại hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), Sở Công Thương TP HCM và các đơn vị liên quan tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) - cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.

Theo Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2023, ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến với con số thiệt hại là hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính; 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt, nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tướng Công an khuyến cáo cách phòng tránh- Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục A05. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Các đối tượng tội phạm hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ để tấn công người dùng. Tội phạm trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar…; các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài.

Ngoài ra, việc người dùng mạng xã hội thiếu ý thức, cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.

Trong phần trình bày, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo:

Thứ nhất, tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch. 

Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. 

Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ.

Tuyệt đối không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. 

Cài đặt bảo mật 2 lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè trên mạng.

Phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng

Tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tướng Công an khuyến cáo cách phòng tránh- Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, đơn vị trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.

Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Day 2024 diễn ra 3 ngày, từ 14/6, tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP HCM), là sự kiện mô phỏng một xã hội không dùng tiền mặt thu nhỏ, giúp người dân trải nghiệm các công nghệ thanh toán, dịch vụ, mua bán không tiền mặt. Lễ hội đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn giao dịch, thanh toán không tiền mặt an toàn, giúp người dân nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Chương trình Tháng khuyến mãi tập trung - mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2024 của Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục đồng hành cùng "Chương trình Ngày không tiền mặt 16/6" năm 2024. Chương trình khuyến mãi sẽ kéo dài ba tháng thay vì một tháng như mọi năm để kích cầu tiêu dùng, tạo động lực góp phần thúc đẩy kinh tế.


Theo Dy Khoa

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên