MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúa thu đông sớm thắng lợi, nông dân có lãi

31-08-2016 - 10:13 AM | Thị trường

Năm nay lũ nhỏ nên nông dân trồng lúa thu đông ở các tỉnh đầu nguồn không chịu áp lực thu hoạch chạy lũ. Lượng mưa vừa phải và không có bão lớn kéo dài nên thuận lợi cho lúa phát triển cũng như thu hoạch.

Nông dân ĐBSCL gieo sạ lúa thu đông sớm đang bước vào vụ thu hoạch, năng suất trung bình tăng nhẹ, trong khi giá bán ổn định nên đảm bảo mức lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/ha.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích lúa thu đông (TĐ) thu hoạch sớm nhất ở khu vực ĐBSCL.

Các huyện đầu nguồn như: Tân Hồng, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò... chủ động xuống giống sớm, đến nay đã thu hoạch được gần 12.000 ha, năng suất từ 6,5 - 7 tấn/ha đối với lúa và trên 7 tấn đối với nếp, tăng khoảng 250-300 kg/ha so với cùng kỳ năm rồi. Nhiều nông dân phấn khởi vì giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 4.400 - 4.600 đồng/kg, nếp giá từ 5.000 - 5.100 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Vũ, ở xã Phú Thuận, huyện Tân Hồng, cho biết, thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt khá. Những năm trước, mùa lũ không thể canh tác lúa do thiếu đê bao, bây giờ tăng thêm được vụ lúa TĐ nên cuộc sống cũng ổn định. Bình quân mỗi công thu hoạch, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 2 triệu đồng. Nhà nào có 20-30 công ruộng là bỏ túi dăm chục triệu sau 3 tháng. Mức lãi như vậy là sống được.

Vụ hè thu năm 2016 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn làm nhiều tỉnh bị thiệt hại, năng suất và sản lượng đều bị sụt giảm. Để bù lại sản lượng trên, vụ TĐ được kỳ vọng nhiều, như tăng diện tích gieo sạ, chọn giống tốt, cứng cây, năng suất cao, phẩm chất gạo đạt chuẩn đảm bảo ăn chắc và giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Những giống lúa được xem là chủ lực gồm: Jasmine 85, VD 20, OM 2514, OM 4218, OM 6976, OM 5451 và các giống triển vọng như: OM6162, OM6561, OM 6377, OM 7347 cho năng suất cao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa để giảm chi phí, hạ giá thành, khuyến cáo lịch xuống giống né rầy, phòng mưa lũ.

Ông Nguyễn Trường An, ngụ huyện Hồng Ngự, chia sẻ, nhiều năm trước xuống giống vụ TĐ đều bị mưa bão phải sạ đi sạ lại nhiều lần, tốn nhiều chi phí đầu tư, còn năm nay thời tiết thuận lợi nên xuống giống là lúa phát triển tốt, tình hình sâu bệnh cũng ít, kỳ vọng vụ này sẽ trúng mùa, được giá, nông dân có cuộc sống khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: vụ lúa TĐ năm nay toàn tỉnh xuống giống hơn 184.000 ha, tăng 15.000-20.000 ha so với năm rồi.

Hiện tại một số trà lúa ở tuyến khu vực các huyện biên giới như Tịnh Biên, Châu Đốc và An Phú chuẩn bị thu hoạch, diện tích xuống giống sau cũng phát triển tốt. Nhiều nông rất phấn khởi vì điều kiện thuận lợi, sâu rầy ít xuất hiện so với các vụ lúa trước.

Mặt khác, nhiều HTX, tổ hợp tác tổ chức các chương trình cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu sản phẩm với các DN địa phương. Thực hiện phương thức chuỗi giá trị lúa gạo: Đầu tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV) và tiêu thụ lúa, bao tiêu đầu ra hoặc các hợp đồng sản xuất lúa với giá cao hơn thị trường từ 500 - 700 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tùng, huyện Phú Tân (An Giang), chia sẻ, vụ nàynông dân có thể đạt từ 700 - 800 kg/công nếp tươi, giá hiện trên 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công.

Còn tại TP Cần Thơ, các huyện ngoại thành như Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Ô Môn, Thốt Nốt đã bước vào giai đoạn đầu vụ thu hoạch lúa TĐ. Riêng huyện Thới Lai có hơn 10.000 ha diện tích lúa đã thu hoạch gần xong, cho năng suất cao hơn năm rồi khoảng 5%.

Ông Nguyễn Văn Bé Ba, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, vừa thu hoạch 7 công lúa TĐ sớm cho biết: Vụ TĐ này làm rất khỏe, lúa từ khi sạ đến thu hoạch ít sâu bệnh, lúa cứng cây không bị đổ ngã. Ngày thu hoạch 7 công lúa, gặp trời nắng, máy GĐLH vào cắt xong buổi sáng, buổi chiều thương lái vào tận ruộng thu mua giống IR 50404 với giá 4.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi mỗi công hơn 2 triệu đồng.

Hậu Giang, vụ TĐ này cũng tăng diện tích gieo sạ và nhiều trà lúa đã sang giai đoạn trổ, chín.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được 54.000 ha lúa TĐ, lúa phát triển tốt, những nơi sạ sớm đã cho thu hoạch. Cụ thể đã có hơn 3.000 ha được thu hoạch xong, năng suất trung bình đạt 5,1 - 5,2 tấn/ha. Đây là vụ lúa được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập cho nông dân, bù đắp lại sản lượng bị sụt giảm do đợt hán hán gây ra cho vụ hè thu vừa qua.

Vụ lúa TĐ 2016, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) xuống giống được 7.600ha, hiện đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều nông dân phấn khởi vì khi lúa sắp chín là thương lái tìm đến nhà ngã giá đặt cọc trước. Giá bán khoảng 4.100 - 4.300 đồng/kg lúa tươi đối với giống IR 50404 và 4.500 - 4.600 đồng/kg đối với lúa hạt dài OM 5451. Giá này cao hơn đầu vụ TĐ năm rồi từ 100 - 200 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, do có nhiều vùng gần biển nên có một số diện tích lúa TĐ xuống giống chậm hơn so với các địa phương khác. Hiện toàn tỉnh đã gieo sạ được 91.272/112.000 ha lúa TĐ theo kế hoạch. Riêng các huyện vùng ngọt hóa, có diện tích gieo sạ lớn như: Tân Hiệp (33.699 ha), Giồng Riềng (40.045 ha)… nông dân đã bắt đầu thu hoạch. Giá lúa sau khi sấy khô được thương lái thu mua 5.500 đồng/kg đối với lúa thường và 5.700 đồng/kg lúa chất lượng cao, hạt dài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo Vũ Trung Chánh

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên