Lúa trúng mùa được giá
Cơ bản tránh được hạn mặn, lúa cho năng suất tốt, giá cao hơn trung bình nhiều năm, người trồng lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi vì có vụ mùa bội thu. Dự báo, xuất khẩu gạo tiếp tục khả quan.
- 11-03-2021Giá lúa gạo tăng cao, thương nhân xuất khẩu chốt bán song song
- 07-03-2021Thị trường lúa gạo: Diễn biến không theo thông lệ
- 01-03-2021Nông dân Tiền Giang trồng bắp lãi gấp 2-3 lần so với trồng lúa
Trên nhiều cánh đồng lúa Đông Xuân ở các huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp… của tỉnh Hậu Giang, nông dân đang tập trung thu hoạch. Năng suất lúa bình quân đạt 7,91 tấn/ha, tăng 0,38 tấn/ha so với cùng kỳ. Lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng với giá 6.200-7.200 đồng/kg, cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Theo tính toán của nông dân, trừ chi phí, họ thu được 3-4 triệu đồng/công (1.000m2), tương đương 30-40 triệu đồng/ha.
Vụ Đông Xuân 2020-2021, TP Cần Thơ xuống giống hơn 77.100ha; hiện đã thu hoạch khoảng 20.000ha; năng suất bình quân 7,1-7,2 tấn/ha; giá 6.300-6.700 đồng/kg - mức giá cao nhất những năm gần đây. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho hay, người dân đã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành nông nghiệp triển khai các giống lúa chất lượng cao xuống từng địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nông dân để tạo ra những cánh đồng lớn. Ông Trương Văn Hùng (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) nói: “Mọi năm có hơn 4 ngàn đồng/kg, năm nay được 5 ngàn mấy, rồi lên hơn 6 ngàn… Nói chung là rất vui vì mọi năm đâu tới giá này”.
Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 30.000 ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020. Năng suất bình quân trên 6,9 tấn/ha, tăng gần 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng ước khoảng 10,5 triệu tấn. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, do chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chọn tạo giống ở các địa phương nên cơ bản vượt qua được hạn hán, xâm nhập mặn để có vụ mùa bội thu.
Gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm ưu thế
Gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu năm 2020 với giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh, giá gạo tăng cao nhất trong khoảng một thập kỷ qua. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị dù khối lượng giảm 3,5% so với năm 2019.
Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 1/2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 347.000 tấn gạo, kim ngạch gần 192 triệu USD, giảm 36% về lượng và giảm 34% về giá trị so với tháng trước đó. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chủ lực thời điểm đầu năm thường thấp, trong khi giá bán gần đây ở mức cao, còn vận chuyển gặp khó khăn…
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 được dự báo tiếp tục khả quan do nhu cầu của thị trường vẫn ở mức cao, nhất là khi Việt Nam đã định hình được phân khúc gạo chủ lực, chiếm ưu thế hơn so với gạo giá rẻ từ Ấn Độ hay Pakistan, đồng thời có sức cạnh tranh với gạo thơm của Thái Lan. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện các thị trường chính như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức tốt.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã thay đổi về cơ cấu giống, chọn những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu thị trường. Gạo Việt Nam đang chiếm ưu thế ở thị trường cấp trung và cấp cao so với các nước trong khu vực. “Giá trị các giống này đã được thị trường chấp nhận và chấp nhận ở mức giá cao. Đây là một lợi thế so với các nước xung quanh”, ông Kiên nói.
Theo dự báo của các cơ quan lương thực thế giới, nguồn cung sản lượng của thế giới năm 2021 sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu nhiều gạo với giá cao.
Tiền phong