MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật "chưa từng có trên thế giới" được Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/12, nhiều người dân nổi giận

03-12-2019 - 10:49 AM | Tài chính quốc tế

Người dân Trung Quốc hiện sẽ phải quét mặt để bổ sung dữ liệu nhận diện danh tính khi đăng ký số điện thoại mới. Luật mới này đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/12.

Chính quyền Trung Quốc cho biết luật nói trên được áp dụng để "bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích của người dân trên không gian mạng". Trước đó, Trung Quốc cũng đã áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để kiểm soát dân chúng.

Tuy vậy, việc tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ đã làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi về quyền riêng tư của người dân.

Nội dung luật mới

Thông thường, khi đăng ký điện thoại hoặc hợp đồng dữ liệu viễn thông mới, người dân Trung Quốc phải trình chứng minh nhân dân (cũng giống như ở nhiều quốc gia khác) và phải nộp ảnh chụp.

Tuy nhiên, từ ngày 1/12, người dân nước này phải quét mặt bằng công nghệ mới để xác nhận rằng gương mặt của họ khớp hoàn toàn với CMND được cung cấp.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng một số luật nhằm đảm bảo rằng mọi người trên mạng đều sử dụng danh tính thật, "tên thật".

Ví dụ, trong năm 2017, những luật mới yêu cầu một người dùng phải xác minh danh tính trước khi được phép đăng tải nội dung lên mạng.

Luật chưa từng có trên thế giới được Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/12, nhiều người dân nổi giận - Ảnh 1.

Camera giám sát tại Trung Quốc. Ảnh: BBC

Các điều luật được áp dụng bởi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc nhằm "củng cố" hệ thống và đảm bảo rằng chính phủ có thể xác định mọi người sử dụng điện thoại. Hầu hết người dùng mạng ở Trung Quốc đều lên mạng thông qua điện thoại.

Jeffrey Ding, một nhà nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc tại Đại học Oxford, nói một trong những nguyên nhân để Bắc Kinh làm như vậy là để xóa bỏ những tài khoản điện thoại và tài khoản mạng nặc danh, tăng cường an ninh mạng và giảm thiểu lừa đảo.

Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có những nguyên nhân khác. Ông Ding cho rằng đây cũng là cách để Trung Quốc theo dõi hoạt động của người dân.

Sự phản đối

Khi điều luật được giới thiệu hồi tháng 9, hàng trăm người dùng trên mạng xã hội đã tỏ ra quan ngại về số lượng dữ liệu được thu thập.

"Người dùng đang ngày càng bị quản lý chặt hơn. Tại sao họ lại làm vậy?" - một người dùng trên trang Weibo viết.

Nhiều người khác cũng tức giận, phàn nàn rằng ở Trung Quốc đã xảy ra quá nhiều vụ đánh cắp dữ liệu. "Trước đây, những kẻ trộm biết tên bạn là gì, trong tương lai chúng sẽ biết bạn trông như thế nào. Việc thu thập dữ liệu được thực hiện mà không được sự đồng thuận của công chúng".

Một người khác cho biết thường nhận được những cuộc gọi lừa đảo từ những kẻ biết tên và địa chỉ nhà của họ.

Bên cạnh đó, một số người khác cho rằng luật này chỉ đơn thuần là "tiến trình công nghệ" trong quá trình phát triển ở Trung Quốc. Hiện tại, quốc gia này có một bức "Vạn Lí Trường Thành trên mạng", ám chỉ bức tường ảo ngăn người dân truy cập các nội dung và dịch vụ từ nước ngoài, bao gồm Facebook và Youtube.

Nhận diện khuôn mặt tại Trung Quốc

Trung Quốc có một khối lượng lớn camera và máy theo dõi. Năm 2017, 170 triệu camera CCTV đã được lắp đặt trên khắp cả nước. Bắc Kinh đặt mục tiêu tới năm 2020, cả Trung Quốc sẽ có 400 triệu camera mới.

Trung Quốc cũng đang bắt đầu chuẩn bị áp dụng hệ thống "tín nhiệm xã hội" để quản lý các hành vi công cộng và sự tương tác của tất cả các công dân trong một kho dữ liệu chung. Sau đó, mỗi người sẽ được tính điểm và xếp hạng.

Nhận diện khuôn mặt được đánh giá là một yếu tố quan trọng trong hệ thống giám sát. Năm ngoái, truyền thông cho biết cảnh sát đã bắt được nghi phạm trong đám đông 60.000 người nhờ vào sức mạnh của công nghệ.

Tuy nhiên, một số nhược điểm cũng đã xuất hiện. Đầu năm nay, một giáo sư đại học đã kiện một công viên hoang dã vì bắt buộc tất cả các du khách phải quét mặt. Vụ việc đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận lớn về việc thu thập dữ liệu công dân quy mô lớn.

Hồi tháng 9, Bắc Kinh cho biết sẽ "giới hạn" công nghệ nhận diện khuôn mặt ở trường học sau khi có các báo cáo cho biết một trường đại học đã áp dụng công nghệ này để điểm danh và quản lí hạnh kiểm sinh viên.

Theo Tất Đạt

Trí thức trẻ

Trở lên trên