MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Đường bộ 2024 quy định cơ chế đột phá phát triển đường cao tốc

28-06-2024 - 16:51 PM | Bất động sản

Luật Đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua gồm 3 chính sách: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đường bộ cao tốc; tổ chức vận tải đường bộ.

Theo Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Bùi Quang Thái, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024 với tỷ lệ tán thành cao, trong đó, các quy định tại Luật Đường bộ hướng đến phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Luật Đường bộ 2024 quy định cơ chế đột phá phát triển đường cao tốc- Ảnh 1.

Luật Đường bộ quy định cơ chế đột phá phát triển đường cao tốc.

Luật Đường bộ 2024 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh có sự thay đổi về căn cứ chính trị và pháp lý, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII, tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính...

Đáng chú ý, Luật Đường bộ 2024 dành riêng một chương quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch, tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc.

Bên cạnh đó, Luật cho phép thu phí đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác, góp phần thể chế hóa chủ trương Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 52/2017 về chủ trương đầu tư các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Luật Đường bộ 2024 cũng yêu cầu khi đầu tư xây dựng đường cao tốc phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai đầu tư đồng bộ các công trình phụ trợ như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe…

Để Luật Đường bộ 2024 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu trình Bộ GTVT chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với 7 Nghị định, 10 thông tư hướng dẫn thi hành.

Các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo sớm ban hành để hướng dẫn thi hành một số điều của Luật có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 và các văn bản còn lại sẽ ban hành khi Luật có hiệu lực toàn bộ từ ngày 1/1/2025.

Theo Vân Sơn

Báo Tin tức

Trở lên trên