MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Quy hoạch: Hủy bỏ quy hoạch treo gây lãng phí, khốn đốn cho dân

27-05-2017 - 08:16 AM | Bất động sản

Đại biểu Quốc hội quan ngại, quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch chống quy hoạch và nhất là quy hoạch treo gây lãng phí, bức xúc cho dân...

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch tại Quốc hội ngày 26/5, đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) nêu thực trạng: Hiện tại đã có hàng trăm loại quy hoạch đang tồn tại tại nhiều trạng thái khác nhau. Biểu hiện rõ nhất, khó khăn nhất, bất cập nhất, đó là quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch chống quy hoạch và nhất là quy hoạch treo. Vừa gây lãng phí nguồn lực, đồng thời một số quy hoạch gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.

Quy hoạch treo vừa lãng phí nguồn lực, vừa gây bức xúc trong dân (Ảnh minh họa: KT)
Quy hoạch treo vừa lãng phí nguồn lực, vừa gây bức xúc trong dân (Ảnh minh họa: KT)

Ông Vượt cho rằng, việc xây dựng ban hành Luật Quy hoạch là cấp thiết làm cơ sở căn cứ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đại biểu này đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định quy hoạch nào đương nhiên bị hủy bỏ và quy hoạch nào nhà nước cấp có thẩm quyền phê duyệt phải công bố làm ngay các thủ tục để hủy bỏ hoặc điều chỉnh.

Chậm triển khai quy hoạch, phải bồi thường dân

Về việc thực hiện quy hoạch, đại biểu Lê Công Đỉnh (tỉnh Long An) cho rằng, sau khi quy hoạch được công bố quy hoạch phải có kế hoạch triển khai quy hoạch, nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau và quy hoạch chậm hoặc không triển khai.

Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh.

"Lâu nay các quy hoạch chậm, không triển khai hay còn gọi là quy hoạch treo, chế tài không rõ, cứ như thế người dân lại càng khổ," ông Đỉnh nói.

Ông Đỉnh góp ý bổ sung thêm nội dung chống việc chậm, không triển khai quy hoạch, quy định rõ thời gian phải triển khai hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng. Cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, không triển khai quy hoạch gây ra.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh - đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - góp ý về nguyên tắc lập quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, tính ổn định lâu dài có tầm nhìn 30 đến 50 năm và tầm nhìn 100 năm. Quy hoạch cũng phải từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên nhưng việc tham khảo ý kiến nhân dân là cần thiết, đúng quy định của pháp luật, mọi thay đổi quy hoạch đều phải tuân thủ đúng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh.

Cần có "trọng tài"

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể băn khoăn, hiện đang có quy hoạch đồng cấp như quy hoạch xây dựng và giao thông trong một đô thị. Vì là quy hoạch đồng cấp trong đô thị xảy ra việc quy hoạch giao thông thì hạn chế nhưng quy hoạch xây dựng thì cho xây nhà cao tầng thoải mái dẫn đến áp lực nặng nề cho hạ tầng đô thị và gây ùn tắc giao thông. Vì vậy, ông Thể cho rằng, phải có 'trọng tài' để xử lý việc này.

Liên quan đến xử lý vi phạm, đại biểu Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến: "Một là chúng ta xử lý hành chính, hai là xử lý hình sự, gây thất thoát thì phải bồi thường".

Luật quy hoạch có điều nói về xử lý mà không nói rõ xử lý như thế nào, nên theo ông Thể, cần nghiên cứu lại Điều 60 xử lý vi phạm, cần làm rõ để việc thực hiện đảm bảo nghiêm minh công bằng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể.

Theo đại biểu Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định), nên ưu tiên quy hoạch bám vào hiện trạng đang sử dụng đất của nhân dân và doanh nghiệp và có phương án xử lý triển khai cho phù hợp, tránh quy hoạch treo cả quốc gia.

Quy hoạch là một công cụ có tính hai mặt, nếu thực hiện tốt và có cơ sở khoa học thì nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy hoạch đã được thông qua mà những người thực thi không thực hiện tốt hoặc không khoa học thì nó sẽ là lực cản rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và bóp chết sự đổi mới, sáng tạo, ông Định lưu ý.

Theo Trần Ngọc

VOV

Trở lên trên