MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư: Ai đang ngộ nhận, nếu CNC không phải công ty bình phong vì sao ôtô đeo biển 80A?

22-11-2018 - 11:09 AM | Xã hội

Trong phần bào chữa cho Nguyễn Văn Dương, luật sư dẫn ra nhiều điểm cho thấy vì CNC là công ty bình phong của C50 nên nhận được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của ngành công an.

Sáng 22/11, phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet tiếp tục phần tranh luận. Sau phần bào chữa của luật sư Nguyễn Chiến, luật sư Trần Hồng Phúc là người thứ 2 bào chữa cho Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC ) - bị cáo vừa bị VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị mức án từ 11-13 năm tù.

Trong phần bào chữa của mình, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, thân chủ của bà đã khai nhận toàn bộ hành vi, xác nhận việc truy tố về hai tội danh "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền" là đúng.

Tuy nhiên, tổng mức hình phạt thân chủ bà bị đề nghị là mức cao nhất trong số 91 bị cáo, có phần nghiêm khắc. Luật sư mong VKS, HĐXX nhìn nhận toàn diện, thấu đáo để có thể xem xét, giảm nhẹ hình phạt của thân chủ mình.

Luật sư: Là công ty bình phong thì ôtô của CNC mới được đeo biển 80A

Trong phần bào chữa, luật sư Phúc khẳng định thân chủ của bà không lầm tưởng, không ngộ nhận việc CNC là công ty bình phong của C50 như cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) khai 2 ngày trước. Bà Phúc nói, nhiều cán bộ công an cũng không ngộ nhận về việc CNC là công ty bình phong của Cục C50 mà "chỉ đâu đó có ai đang ngộ nhận mà thôi".

Luật sư Phúc dẫn ra nhiều điểm cho thấy, vì CNC là công ty bình phong nên nhận được nhiều sự tạo điều kiện, giúp đỡ của ngành công an.

Cụ thể, về phương tiện đi lại của CNC, trong lời khai Dương đã xác nhận trong quá trình hợp tác với C50, CNC có nhu cầu sử dụng xe biển xanh chữ trắng và đề nghị cấp biển số 80A.

 Luật sư: Ai đang ngộ nhận, nếu CNC không phải công ty bình phong vì sao ôtô đeo biển 80A? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Tiến Tuấn.

Trước đó, trong phiên xét xử ngày 20/11, cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa khẳng định nhiều người đã ngộ nhận, hiểu không đúng về về CNC là công ty bình phong, trong đó có cả Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch CNC) cũng hiểu nhầm, dẫn đến sai lầm rất đáng tiếc.

Ông Hóa khai rằng Cục C50 chỉ phối hợp với CNC trong hóa trang nghiệp vụ, chỉ sử dụng khi cần thiết chứ không hướng dẫn Dương đi sâu vào trinh sát, điều tra. Do đó, suốt quá trình đó C50 không có văn bản nào hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo nghiệp vụ cho Dương…

"Vì vậy, cứ nói đây là công ty thế này, thế kia nhưng thực chất CNC không là gì cả mà chỉ phục vụ trong vấn đề khi công an cần thiết", ông Hóa giải thích.

Sau khi CNC có tờ trình gửi C50, ông Võ Tuấn Dũng (nguyên Cục phó) đã có văn bản gửi Trung tướng Phan Công Sơn (Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát) đề xuất cho phép đăng ký xe biển xah 80A cho công ty nghiệp vụ của C50.

Tiếp đó, Trung tướng Sơn ký công văn gửi Bộ trưởng Công an đề xuất cho phép đăng ký xe biển số 80A cho công ty nghiệp vụ CNC của Tổng Cục Cảnh sát.

Theo luật sư Phúc, việc đề xuất cấp biển số xanh cho CNC, ông Hóa trong lời khai cũng xác nhận.

Việc bị cáo Dương sử dụng ôtô công tác mang biển xanh cũng được Cục C50, các cục chức năng trình lãnh đạo Tổng cục cảnh sát, được cho phép thì CNC mới sử dụng.

Đến tháng 4/2017, Nguyễn Văn Dương đã trả lại biển số xanh cho Cục CSGT sau khi có thông báo dừng hợp tác công ty bình phong với C50.

Trùm đánh bạc Nguyễn Văn Dương từng được đề xuất vào ngành

Theo luật sư Phúc, nếu cựu Chủ tịch HĐTV CNC Nguyễn Văn Dương chỉ là một chủ tịch HĐTV công ty bình thường thì không thể có việc đề xuất tuyển dụng vào ngành.

Nữ luật sư nói trong hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi có lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ bình phong, Cục trưởng C50 đề nghị tuyển dụng Dương vào ngành công an.

 Luật sư: Ai đang ngộ nhận, nếu CNC không phải công ty bình phong vì sao ôtô đeo biển 80A? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Hồng Phúc.

Cụ thể, ngày 17/3/2016, Dương làm đơn xin vào ngành công an gửi ông Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng C50). Một ngày sau, ông Hóa ký công văn gửi ông Phan Văn Vĩnh đề xuất tuyển Dương vào ngành. Việc này đã được cơ quan điều tra và chính ông Vĩnh xác nhận.

Luật sư nhắc lại lời khai của ông Vĩnh, trong đó ngày 21/3/2016, Tổng cục trưởng Cảnh sát ký công văn gửi Bộ Công an, đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ năm 2016.

Nội dung công văn nêu, tổng cục cảnh sát đề xuất lãnh đạo Bộ xét, duyệt bổ sung một chỉ tiêu Thạc sỹ quản trị kinh doanh và chiếu cố về độ tuổi để tuyển chọn anh Nguyễn Văn Dương vào C50 công tác".

Ngày 22/3/2016 Bộ trưởng Bộ Công an bút phê: "Kính gửi Tổng cục II, Tổng cục III, đồng ý đề xuất" - luật sư trình bày.

Luật sư Phúc nêu rõ, phiên tòa chiều 20/11, khi thực hiện thẩm vấn, cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã xác nhận nội dung này, các tài liệu chứng cứ vật chất nêu trên hoàn toàn phù hợp với lời khai của Dương tại phiên tòa về việc đề xuất tuyển dụng Dương vào ngành công an.

"Nếu như không có việc xác định đây là đơn vị nghiệp vụ kinh tế của C50, nếu không có việc sử dụng Dương lâu dài trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của C50 thì không có nhu cầu đề xuất đưa Dương vào ngành", luật sư Phúc nói.

Theo Nhóm Phóng viên

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên