Luật sư của 9 gia đình chạy thận tử vong yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường
Tròn 1 năm kể từ ngày xảy ra sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình (29/5/2017-29/5/2018), cho đến nay các gia đình của 9 nạn nhân tử vong vẫn đang mong mỏi được nhận tiền đền bù.
- 24-05-2018VKS nói về việc cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xuất cảnh
- 09-08-2017Cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình sau vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong
- 20-07-2017Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình tiết lộ lý do từ chức
- 05-06-2017Mắc sai phạm khi mua máy chạy thận, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình trần tình
Yêu cầu bệnh viện là đơn vị duy nhất phải bồi thường
Tại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố này, sáng 29/5/2018, luật sư Nguyễn Hoàng Trung - đại diện cho 9 gia đình nạn nhân đã viện dẫn những quy định của pháp luật để yêu cầu HĐXX buộc BVĐK tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất phải có trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Theo luật sư Trung, 3 tháng sau khi sự cố xảy ra, Bệnh viện đã ý thức được trách nhiệm của mình và đã đàm phán với các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, do sự thiếu thiện chí của Bệnh viện nên thỏa thuận chưa được thực hiện.
Tòa đã xác định BVĐK tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự trong vụ án. Có 2 quy định cụ thể của pháp luật để chỉ rõ trách nhiệm bồi thường thuộc về bệnh viện gồm:
Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị đơn dân sự là các cá nhân, cơ quan, tổ chức pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ án này, BVĐK tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự duy nhất nên phải có trách nhiệm bồi thường;
Điều 76 Luật Khám chữa bệnh quy định trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chưa mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thì phải tự bồi thường cho nạn nhân.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người đại diện cho 9 gia đình nạn nhân tại phiên tòa xét xử vụ tai biến y khoa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình tháng 5/2017. |
Trước đó, luật sư Nguyễn Danh Huế, luật sư bảo vệ quyền lợi của BVĐK tỉnh Hòa Bình đã đề nghị HĐXX tuyên Công ty Thiên Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thay cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong trường hợp HĐXX tuyên bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung lại có quan điểm ngược lại.
“Sự việc xảy ra, các bệnh nhân không biết được quy trình nội bộ như thế nào. Họ giao toàn bộ tính mạng cho Bệnh viện. Họ không thể biết rằng thiết bị y tế là do bên nào cung cấp. Tất cả những việc ấy là trách nhiệm của Bệnh viện. Pháp luật đã quy định rõ ràng, do vây không thể phủ nhận trách nhiệm bồi thường của Bệnh viện” - luật sư Trung nói.
Đối với quan điểm của Viện kiểm sát (VKS) đề nghị bệnh viện liên đới cùng Công ty Thiên Sơn phải bồi thường, luật sư Trung không đồng tình và cho rằng việc này chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
“Quan hệ giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn là quan hệ riêng, không liên quan đến các bệnh nhân. Các bệnh nhân vào Bệnh viện chỉ có giao dịch với Bệnh viện và họ không cần biết Thiên Sơn là đơn vị nào”, luật sư Trung lý giải.
Đối với số tiền bồi thường, trong phần luận tội, VKS đã chấp nhận các chi phí thực tế tại địa phương, việc đòi hỏi hóa đơn chứng từ là không thể thực hiện được. Do đó, luật sư Trung cho rằng việc Bệnh viện yêu cầu phải có hóa đơn là thiếu thiện chí.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung kê khai các mức yêu cầu bồi thường của gia đình 9 nạn nhân với 3 khoản gồm: Chi phí mai táng ban đầu; Chi phí mai táng vĩnh viễn 148,750 triệu đồng/nạn nhân (9 nạn nhân mua đất xây mộ tập thể tại một nghĩa trang lớn của tỉnh Hòa Bình); và mức bồi thường tổn thất tinh thần, mỗi gia đình nạn nhân yêu cầu mức bồi thường tối đa theo quy định của pháp luật là 130 tháng lương cơ bản, tương đương 130 triệu đồng.
Mức yêu cầu bồi thường của các gia đình nạn nhân như sau:
Gia đình nạn nhân Bùi Văn Thắng: Yêu cầu bồi thường 227,350 triệu đồng mai táng phí. Trong đó có 78,6 triệu đồng là mai táng phí ban đầu, 148,750 triệu đồng là tiền mai táng vĩnh viễn. Cùng với 130 triệu đồng bồi thường tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 357,350 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Lê Thị Chung: Yêu cầu bồi thường số tiền mai táng phí ban đầu và mai táng vĩnh viễn 260,250 triệu đồng. Cộng với 130 triệu tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 390,25 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Vân: Số tiền yêu cầu bồi thường mai táng ban đầu và mai táng vĩnh viễn là 271,250 triệu đồng. Cộng với 130 triệu đồng tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 401,250 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Đinh Thu Hằng: Yêu cầu bồi thường mai táng phí ban đầu và vĩnh viễn 305,750 triệu. Cộng với 130 triệu đồng tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 540 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Quách Thị Phượng: Yêu cầu bồi thường mai táng phí ban đầu và vĩnh viễn 269,650 triệu đồng. Cộng với 130 triệu bồi thường tổn thất tinh thần, số tiền yêu cầu bồi thường là 369,650 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Bùi Văn Pơi: Yêu cầu bồi thường mai táng phí ban đầu và vĩnh viễn 276,750 triệu. Cộng với 130 triệu đồng tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu là 406,750 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Bùi Văn Huyên: Yêu cầu bồi thường mai táng phí ban đầu và vĩnh viễn là 223,750 triệu. Cộng với 130 triệu đồng tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu là 353,750 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Huyên có xuất trình được 1 tài liệu về khoản vay tại Ngân hàng Nông nghiệp 50 triệu đồng, nhưng khi ông Huyên qua đời đã được Bảo hiểm tiền gửi thanh toán 26 triệu đồng, số nợ 24 triệu đồng còn lại cộng với tổng số tiền gia đình yêu cầu bồi thường tổng cộng là 377,750 triệu đồng.
Gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Bích Ngân: Yêu cầu bồi thường mai táng phí ban đầu và vĩnh viễn là 295,750 triệu đồng. Cộng với số tiền tổn thất tinh thần 130 triệu đồng, tổng cộng là 425,750 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn yêu cầu được cấp dưỡng nuôi con nhỏ 24,7 triệu đồng (mỗi tháng 1 tháng lương cơ bản tính từ tháng 5/2017 đến khi con của nạn nhân đủ 18 tuổi).
Gia đình nạn nhân Phạm Ngọc Chung (nạn nhân thứ 9 tử vong gần đây): Yêu cầu bồi thường mai táng phí ban đầu và vĩnh viễn 280,550 triệu đồng, cùng với số tiền 130 triệu đồng tổn thất tinh thần, tổng số tiền yêu cầu là 410,550 triệu đồng.
Người nhà nạn nhân theo dõi phiên tòa. |
Căn cứ nào để các gia đình đưa ra yêu cầu?
Theo Luật sư Trung, tiền mai táng phí là số tiền chi phí thực tế đã được kê khai và Viện Kiểm sát cũng đã đưa vào cáo trạng.
Riêng về số tiền 148,750 triệu đồng, mỗi nạn nhân yêu cầu với tên gọi “chi phí mai táng vĩnh viễn”, luật sư Trung cho biết các gia đình nạn nhân mong muốn được quy tập về một ngôi mộ tập thể, chứ không phải chi phí cải táng. Chi phí mai táng đã được quy định tại khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015. Các gia đình không yêu cầu phải thanh toán cho các chi phí khác như làm giỗ, cúng lễ,…
Đối với 130 triệu đồng bồi thường tổn thất tinh thần, luật sư Trung cho rằng thân nhân những người đã qua đời bị tổn thất tinh thần là vô cùng lớn, nên việc yêu cầu bồi thường 100 tháng lương cơ bản là hợp tình, hợp lý. Mức bồi thường này cũng nằm trong phạm vi pháp luật cho phép tại khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự.
Cho đến nay, mỗi gia đình đã nhận được 10 triệu đồng từ phía Bệnh viện. Tuy nhiên, luật sư Trung cáo buộc “ý thức của Bệnh viện trong đàm phán thỏa thuận thực sự là một sự ban phát”.
Đối đáp với luật sư Trung, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Infonet