Ông Đinh La Thăng: "Không thể cứ quy kết bổ nhiệm là lợi ích nhóm"
Trong phiên xử ngày 16/1, các luật sư của các bị cáo và VKS đã thực hiện phần đối đáp.
- 13-01-2018Lời khai mâu thuẫn về hợp đồng số 33 trong vụ xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm
- 12-01-2018Luật sư chỉ ra tình tiết ông Đinh La Thăng "vô tình gỡ tội" cho nguyên TGĐ PVN
- 12-01-2018Luật sư nói gì về mức án Viện kiểm sát đề nghị với ông Đinh La Thăng?
- 11-01-2018VKS đề nghị 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, chung thân cho Trịnh Xuân Thanh
Ông Thăng: "Không thể cứ quy kết bổ nhiệm là lợi ích nhóm"
Đến 11h35, Hội đồng xét xử đã hỏi bị cáo Đinh La Thăng có ý kiến gì về phần đối đáp của luật sư không? Bị cáo Thăng đã lên bục và nêu ý kiến. Theo bị cáo Thăng, trong phần tự bào chữa bị cáo đã đề nghị, những nội dung nào không nằm trong quá trình điều tra, truy tố và diễn ra tại phiên tòa thì đề nghị không đưa vào nhưng VKS vẫn đưa vào và quy kết cho bị cáo "lợi ích nhóm".
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày 16/1
Bị cáo Đinh La Thăng mong VKS xem xét lại, ở doanh nghiệp người đi người đến là chuyện bình thường, việc bổ nhiệm cán bộ là bình thường nên không thể quy trách nhiệm bổ nhiệm là "lợi ích nhóm".
"Ở đây, từ anh Thực trở xuống là bị cáo bổ nhiệm, bản thân bị cáo cũng được người khác bổ nhiệm. Không thể cứ quy kết bổ nhiệm là lợi ích nhóm. Ở sau đây là lương tâm, trách nhiệm danh dự của bị cáo của cả một tập thể lớn PVN", ông Thăng nói.
LS Quynh đòi xem xét trách nhiệm PVPower
Trong phần đối đáp với LS bào chữa của Trịnh Xuân Thanh, VKS đã giải thích về việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh "quanh co, chối tội" và cho rằng đó là quyền của các bị cáo nhưng đại diện VKS không không cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
LS Nguyễn Văn Quynh cho rằng, dư luận đang rất nặng nề với vấn đề của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và ngay các luật sư khi tham gia bào chữa cũng chịu sức ép nặng nề.
"Trong hơn một năm qua, tất cả những gì xấu xa của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đều bị đưa ra, phơi bày ra, đổ tội", luật sư Quynh nói.
Vị luật sư này tiếp tục nêu rõ, chủ trương thực hiện Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là đúng và có từ năm 2007. Tuy nhiên, theo luật sư, trong vụ án này có nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của PVPower đơn vị được giao chủ đầu tư khi ký hợp đồng 33.
Luật sư cũng công bố một bút lục mà theo ông rất quan trọng nhưng chưa được công bố hay đề cập trong phiên tòa. Cụ thể, thời điểm tháng 6/2017, tại biên bản lấy lời khai của ông Vũ Huy Quang, nguyên TGĐ PVPower thể hiện việc ông này biết rõ vấn đề thiếu các hồ sơ quan trọng khi ký kết hợp đồng 33. Theo luật sư, mấu chốt quan trọng của vụ án là hợp đồng 33.
"Nếu không có hợp đồng 33 với sai sót của PVPower thì không bao giờ có vụ án này", luật sư Quynh nêu.
Luật sư Thiệp: "Nếu nói lợi ích nhóm xuất phát từ việc đó thì cần chỉ ra lợi ích gì để cuối cùng 3 ông ngồi đây?"
Khi được hỏi, dựa trên căn cứ nào để ký hợp đồng EPC 33, đầu tiên ông Quang dẫn hàng loạt các văn bản nhưng ông khẳng định, các văn bản này đều không có thật. Sau đó, ông Quang cung cấp cho cơ quan điều tra một danh sách thể hiện việc Trưởng ban Kinh tế PVPower đã lập một báo cáo gửi TGĐ PVPower, trong đó hàng loạt danh mục không có trong căn cứ làm hợp đồng 33 và việc này được Ban GĐ của PVPower đồng ý.
"Người làm sau đầu tiên là Ban giám đốc PVPower", luật sư Quynh nhấn mạnh và nói thêm, nổi bật trong hồ sơ chứng cứ vụ án không thấy vai trò của PVN, PVC mà là vai trò của PVPower.
Vị luật sư này chỉ rõ, VKS không đưa ra được chứng cứ nào chứng tỏ bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận. Lời khai của các bị cáo cho thấy các cuộc họp giao ban, bị cáo Thanh đều có chỉ đạo hàng tuần nhưng hồ sơ vụ án lại không thấy một biên bản họp nào của PVC.
"VKS suy diễn theo kiểu ông là Chủ tịch HĐQT, ông phải biết hết, phải chỉ đạo bị cáo Thuận. Suy diễn đó thiếu căn cứ, cũng giống như suy diễn đối với bị cáo Đinh La Thăng trong vụ này, ông là Chủ tịch, ông phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng như vậy không thuyết phục, không đủ căn cứ", luật sư Quynh nói.
Luật sư Quynh cho rằng, việc xác định hậu quả trong vụ án này cũng không đúng quy định của pháp luật mà là "hậu quả tưởng tượng".
Luật sư tìm chứng cứ trong hồ sơ thì không phù hợp với kết luận của cáo trạng
Trước đó, luật sư Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng đối đáp lại với phần tranh luận của Viện kiểm sát. Ông Thiệp cho rằng, VKS xác định tội phạm có tổ chức nhưng đây là cơ cấu tổ chức cơ quan, họ là pháp nhân, có sự phân công, phân trách nhiệm khi triển khai dự án chứ không phải tập hợp để đi thực hiện hành vi phạm tội.
Theo LS, nói các bị cáo lợi dụng cơ chế đặc thù là không thoả đáng, bởi trước đây, vừa làm vừa hoàn thiện chính sách và "người tiên phong mở đường rất dễ lĩnh hậu quả".
"Cần xem xét vai trò tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn con người ở đây còn phần luận tội mới xác định các hành vi chứ không đánh giá cái được và chưa được đối với dự án", ông Thiệp nêu.
"Nếu được lợi, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn con người cũng là đóng góp cho xã hội. Tôi đề nghị cần đánh giá toàn diện để đảm bảo bối cảnh lịch sử đó nhận thức chủ quan của các bị cáo nghĩ như thế nào và đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức.
Đề nghị VKS xem xét và đánh giá phân hoá trách nhiệm của bên nhận thầu sao cho phù hợp để xem xét việc xử lý, bởi đây là thiếu sót của quá trình quản lý, nó cũng là thuộc tính của doanh nghiệp…", luật sư nói.
Luật sư Thiệp
Luật sư cho biết bị cáo Thanh bị truy tố tội tham ô ở điều 278. Đại diện VKS nói có căn cứ để xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư tìm chứng cứ trong hồ sơ thì không phù hợp với kết luận của cáo trạng.
"Lời khai ít nhất phải chứng minh được chứ không phải niềm tin nội tâm, vì như thế quả thực không phù hợp quy định pháp luật. Trong trường hợp này niềm tin thôi chưa đủ để chứng minh vi phạm pháp luật mà phải chứng minh bằng chứng cứ phù hợp", luật sư Thiệp nhìn nhận.
"Lập khống hồ sơ lấy tiền là có rồi nhưng dòng tiền đi đâu chưa làm rõ. Đề nghị VKS xem xét, HĐXX đánh giá", ông Thiệp đề nghị.
Thời Đại