MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư phân tích góc độ pháp lý liên quan vụ kết luận nghệ sĩ không ăn chặn từ thiện

27-01-2022 - 11:51 AM | Sống

Theo luật sư phân tích, CQĐT không khởi tố vụ án liên quan đến hoạt động từ thiện cũng như việc tố cáo lẫn nhau liên quan đến vụ việc không có nghĩa là những trường hợp đó không vi phạm, có thể những hành vi vi phạm đó chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Sau quá trình xác minh, CQĐT Bộ Công an đã có kết luận khẳng định các nghệ sĩ bị tố không ăn chặn tiền từ thiện.

Dưới góc độ pháp lý, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, không khởi tố vụ án hình sự đối với những trường hợp bị tố giác ăn chặn từ thiện, cũng như hành vi chửi bới xúc phạm trên không gian mạng không phải là những người đó không sai.

"Họ có thể sai, có vi phạm nhưng theo quan điểm của CQĐT thì cái sai và vi phạm đó chưa đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm", vị luật sư phân tích.

Đối với loạt đơn thư tố cáo ăn chặn từ thiện

Hàng loạt sự việc nghi ngờ về gian lận trong hoạt động từ thiện thời gian qua khiến dư luận xã hội rất bức xúc, làm giảm sút niềm tin đối với nhiều người.

Qua quá trình xác minh, CQĐT đã có quyết định không khởi tố hình sự đối với một số trường hợp. Việc không khởi tố vụ án hình sự căn cứ vào kết quả xác minh tin báo đối với những vụ việc cụ thể, ở những thời điểm cụ thể.

Luật sư phân tích góc độ pháp lý liên quan vụ kết luận nghệ sĩ không ăn chặn từ thiện - Ảnh 1.

Thuỷ Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng cùng nhiều nghệ sĩ khác đều được minh oan.

Nếu kết quả xác minh đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội danh nào đó thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự. Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án. Dù kết quả xác minh có thể chứng minh vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm hành chính hoặc vi phạm nghĩa vụ dân sự, nhưng hành vi chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Bởi vậy, đối với những người bị tố cáo về hành vi ăn chặn từ thiện, qua quá trình điều tra, có thể CQĐT chưa chứng minh được hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, nếu có thêm người khác tố cáo hoặc có thêm chứng cứ khác thì mọi chuyện cũng có thể thay đổi. Hoặc trường hợp người tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết xác minh tin báo như vậy mà họ có khiếu nại thì kết quả cũng có thể thay đổi.

CQĐT không khởi tố vụ án hình sự, không có nghĩa người bị tố cáo trong sạch, không vi phạm. Có thể vẫn có hành vi vi phạm pháp luật nhưng đây là vi phạm pháp luật dân sự, vi phạm đạo đức xã hội chứ chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Với người bị tố vu khống

Từ những thông tin, tranh cãi trên mạng xã hội về hoạt động từ thiện của những người nổi tiếng, của các nghệ sĩ đã khiến mạng xã hội dậy sóng, nhiều người liên tục đăng đàn chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều người vì cho rằng những người này ăn chặn từ thiện.

Sự việc chỉ tạm thời lắng đi khi CQĐT vào cuộc và các bên chọn giải pháp giải quyết vấn đề bằng pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình các bên đôi co, lời qua tiếng lại, các buổi phát trực tiếp đã có nhiều lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau, thậm chí tố cáo nhau đến cơ quan bảo vệ pháp luật.

Luật sư phân tích góc độ pháp lý liên quan vụ kết luận nghệ sĩ không ăn chặn từ thiện - Ảnh 2.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường

Sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mạng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, đặc biệt là trẻ em. Nhiều người vì bị chửi bới, bị quy kết là tội phạm đã khiến đời sống tâm lý sức khỏe và cả sự nghiệp.. bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, CQĐT cũng đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo, tố giác tội phạm của nhiều người vì họ cho rằng họ đã bị chửi bới, xúc phạm trên mạng xã hội.

Đã có nhiều đơn thư tố cáo tố giác một số cá nhân, thậm chí tố cáo lẫn nhau về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng quyền tự do dân chủ và đưa tin trái phép trên mạng Internet.

CQĐT cũng đã tiến hành xác minh làm rõ và đến nay đã có kết luận đối với một vài trường hợp là không khởi tố vụ án hình sự.

Việc cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự không có nghĩa là không có việc xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, cũng như phân tích ở trên, hành vi đó chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Pháp luật quy định, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh người bị tố cáo vi phạm pháp luật. Do đó, khi CQĐT chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm thì họ phải kết luận là không phạm tội.

Nếu tiếp tục có hành vi vi phạm hoặc CQĐT tiếp tục thu thập được chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội thì vẫn có thể xử lý hình sự. Bởi vậy, một người bị tố cáo mà không bị xử lý hình sự, không có nghĩa là họ sẽ an toàn đến suốt đời.

Luật sư Cường đánh giá, nhìn chung, năm qua những chuyện đấu tố, bới móc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau trên mạng xã hội diễn ra rất phổ biến và trở thành trào lưu gây náo loạn mạng xã hội.

Nhiều người bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều người cũng bị tố cáo về hành vi làm nhục, vu khống, lợi dụng quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên, đến nay CQĐT mới chỉ khởi tố vụ việc liên quan đến Tịnh thất bồng lai, còn các vụ việc khác thì đều xác định là không có dấu hiệu tội phạm.

Vụ việc có thể kết thúc ở đây nếu như chuyện tranh cãi kết thúc hoặc cơ quan điều tra không thu thập thêm được tài liệu chứng cứ gì khác hoặc không có người tố cáo khác.

Tuy nhiên trường hợp có khiếu nại về kết quả xác minh tin báo, có thêm những thông tin tài liệu mới hoặc có người vi phạm pháp luật mới, có những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau hoặc được thông tin sai sự thật thì CQĐT cũng sẽ tiếp tục tiếp nhận thông tin để xem xét giải quyết.

https://kenh14.vn/luat-su-phan-tich-goc-do-phap-ly-lien-quan-vu-ket-luan-nghe-si-khong-an-chan-tu-thien-20220126223530528.chn

Theo Đặng Thủy

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên