MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư Trương Thanh Đức: Về mặt kỹ thuật, pháp lý và thực tế, việc hồi tố Nghị định 20 không vướng gì cả

10-04-2020 - 18:04 PM | Doanh nghiệp

Hy hữu lắm mới có trường hợp doanh nghiệp "nội" chuyển giá khi có chênh lệch thuế suất giữa các địa bàn ưu đãi đầu tư.

Dù đồng ý sửa Nghị định 20, nhưng Bộ Tài chính vẫn không đồng ý áp dụng hồi tố về năm 2017 và 2018, khiến doanh nghiệp vẫn phải nộp hàng nghìn tỷ đồng thuế thu nhập do quy định bất cập trước đây. Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Trong Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Từ khi Nghị định 20 ra đời, ông là một trong những người đầu tiên kiến nghị những điểm bất cập trong việc khống chế chi phí lãi vay được trừ tại điều 8 nghị định này. Tại sao từ ngày đó ông đã dự liệu được những điều chưa hợp lý tại Nghị định 20, thưa ông?

Khi đọc nội dung Nghị định này, tôi đã thấy ngay những bất cập. Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 được đưa ra với hy vọng góp phần chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI. Bởi một trong những cách thức các doanh nghiệp này chuyển giá là thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh từ công ty mẹ sang công ty con để chuyển hết lãi về nước.

Tuy nhiên, điều này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật. Chi phí của doanh nghiệp này lại là thu nhập của doanh nghiệp kia và kiểu gì cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 18 - 20%. Hy hữu lắm mới có trường hợp doanh nghiệp "nội" chuyển giá khi có chênh lệch thuế suất giữa các địa bàn ưu đãi đầu tư.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhiều tập đoàn, công ty con do năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn và phân bổ xuống các công ty con. Vì vậy, nếu tổng chi phí lãi vay" trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng nên được chấp nhận. Chi phí thật, hợp lý, hợp lệ, cần thiết lại không cho doanh nghiệp được khấu trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp là oan ức, vô lý vô cùng.

Khoản 3 điều 8 đáng ra chỉ áp dụng với doanh nghiệp FDI vì chúng ta không quản được đầu vào cũng như đầu ra của họ. Bộ Tài chính hy vọng khống chế chi phí lãi vay được trừ ở mức 20% thì sẽ "đánh" được chuyển giá ở khu vực FDI nhưng thực tế cũng không hề "đánh" được.

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến chi phí quảng cáo, tiếp thị khuyến mại… trước đây cũng bị khống chế không quá 10%, sau đó tăng lên 15% trong 3 năm đầu. Nếu doanh nghiệp chi thật 100% thì cũng phải chấp nhận cho họ được trừ khi tính thuế. Còn nếu là chi bất hợp pháp thì 1 đồng cũng phải thu.

Sau hơn 2 năm, Bộ Tài chính đã có một số động thái sửa chữa so với quy định hiện hành. Cụ thể là tỷ lệ khống chế đã được điều chỉnh từ 20% lên 30% EBITDA, cho phép tính chi phí lãi thuần và ngoại trừ một số sẽ không áp dụng Nghị định 20 như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vốn ODA. Nhờ đó, 90% doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20 "thoát". Nhưng nếu triệt để, Bộ Tài chính phải cho phép không áp dụng điều này với doanh nghiệp Việt Nam vì doanh nghiệp thật sự chịu chi phí lãi vay này.

Sau hơn 2 năm doanh nghiệp, chuyên gia miệt mài kiến nghi, phản biện, Bộ Tài chính mới sửa quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ. Ông thấy sự tiếp thu này có chậm trễ không?

Đúng là phải qua 2-3 lần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì họ mới sửa. Ban đầu họ không tiếp thu tí nào cả, nhưng khi thấy bị nói nhiều quá, gây sức ép nhiều quá, Thủ tướng chỉ đạo nhiều quá thì mới làm. Nếu như ngay từ 2017, họ lắng nghe các ý kiến phản biện mà sửa luôn thì không có chuyện doanh nghiệp yêu cầu hồi tố lại các khoản thu từ 2017 đến nay.

Giờ hồi tố không vướng gì luật cả, cơ bản điều này có lợi cho đối tượng áp dụng thì nên hồi tố.

Có ý kiến nói hồi tố thì không có căn cứ pháp lý, vướng mắc nhiều thứ. Vậy theo ông có hồi tố được cho những khoản doanh nghiệp đã phải nộp từ 2017-2018 hay không, thưa ông?

Căn cứ pháp lý cực kỳ rõ. Việc hồi tố cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý. Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 quy định, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức cá nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).

Điển hình là Luật Đầu tư luôn có điều khoản về hồi tố. Giả sử, khi Nhà nước cho thuê đất giá rẻ, sau đó ban hành văn bản thay đổi mức giá cho thuê thì luôn luôn có câu nhà đầu tư được giữ nguyên quyền lợi đã hưởng trước đó. Nguyên lí là như vậy.

Điều khó ở đây là những khoản doanh nghiệp đã nộp rồi thì doanh nghiệp đã quyết toán, cổ tức đã chia… Nhưng với những khoản đã nộp, hoàn toàn có thể cho doanh nghiệp bù trừ cho những kỳ tính thuế sau này. Có nghĩa, thay vì phải nộp ngân sách cho những khoản thuế đó, doanh nghiệp có thể được trừ.

Luật Xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định về thời hiệu xử phạt, nếu quá 1 năm không phát hiện ra vi phạm thì không tiến hành xử lý. Một số lĩnh vực đặc biệt như xây dựng, ngân hàng thời hạn xử phạt là 2 năm, lĩnh vực tài chính thời hiệu là 5 năm, thậm chí có trường hợp là 10 năm nếu phát hiện ra vi phạm doanh nghiệp vẫn phải nộp lại. Các đơn vị của Bộ Tài chính thường xuyên có những đợt kiểm tra, rà soát như vậy, nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì vẫn bị điều chỉnh.

Cho nên việc hồi tố bằng cách bù trừ khoản thuế phải nộp là đúng luật, đúng phương pháp kế toán.

Chính phủ hiện nay đang tìm mọi biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Trong khi đó, hàng nghìn tỷ doanh nghiệp phải nộp bất hợp lý lại đang không được Bộ Tài chính cho hồi tố. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, thưa ông?

Đúng là khi nền kinh tế phát triển bình thường thì doanh nghiệp còn đỡ bị ảnh hưởng. Nhưng trong lúc khó khăn thế này, doanh nghiệp bị thu sai như vậy thì không có lý do gì không khắc phục cái sai, hồi tố để doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính vượt qua nghịch cảnh. Về mặt kỹ thuật, pháp lý và thực tế, việc hồi tố không vướng gì cả. Vấn đề là có muốn hay không, có thiện chí không, có dám chấp nhận sửa sai hay không thôi.

Xin cảm ơn ông!

Luật sư Trương Thanh Đức: Về mặt kỹ thuật, pháp lý và thực tế, việc hồi tố Nghị định 20 không vướng gì cả - Ảnh 2.

Hà Nam (thực hiện)

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên