Lực lượng, phương tiện "khủng" phục vụ tổng thống Mỹ công du
Tuần qua, nhiều chuyến bay vận tải Boeing C-17 đến Nội Bài mang theo hàng hóa, đồ dùng, trong đó có trực thăng hộ tống và ôtô riêng của Tổng thống Mỹ Obama để chuẩn bị cho chuyến thăm VN từ 23 đến 25-5.
- 16-05-2016“Tôi tin sẽ có thỏa thuận lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Obama”
- 16-05-2016Đổi lịch trình, Tổng thống Obama đến Việt Nam sáng 23-5
- 13-05-2016Hé lộ chi phí đi lại các chuyến công du nước ngoài của Obama
Để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama, lượng hàng hóa được chuyên chở sang Việt Nam rất lớn. Trong đó, có ôtô riêng của Tổng thống Mỹ, xe thang máy bay và một chiếc trực thăng Marine One...
Chiếc trực thăng này được tháo rời cánh để dễ vận chuyển. Những phương tiện trên thường được Tổng thống Obama sử dụng trong các chuyến công du nước ngoài.
“Khổ” từ khâu ăn uống
Những phương tiện này nhằm đảm bảo cho chuyến đi của Tổng thống Mỹ được bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ngoài vấn đề an ninh, chuyện ăn nghỉ của Tổng thống Mỹ trong mỗi chuyến công du cũng là việc được quan tâm đặc biệt. Tổng số nhân viên phục vụ ở các khâu lên tới hàng ngàn người.
Khi đi công cán ở nước ngoài, nếu tổng thống muốn dùng bữa thì các trợ tá sẽ không gọi phục vụ phòng của khách sạn.
Sau âm mưu ám sát năm 1981 nhằm vào Tổng thống Reagan khi ông rời khách sạn Hilton trên Đại lộ Connecticut ở thủ đô Washington D.C, an ninh quanh chuyện ăn ở của Tổng thống Mỹ được thắt chặt hơn.
Sau vụ này, một nhân viên phục vụ ngành Hải quân sẽ được chọn chuẩn bị thức ăn cho Tổng thống trong nhà bếp của khách sạn. Đôi khi phải làm tiệc lớn thì người này sẽ mặc đồng phục của khách sạn và đích thân phục vụ Tổng thống.
George H.W. Bush có thoải mái hơn chút ít, nhưng ông vẫn để các quan chức phụ trách việc chuẩn bị thức ăn và giám sát nhân viên được chỉ định phục vụ.
Còn về ông Obama? "Nhìn chung các sĩ quan Hải quân vẫn phụ trách tất cả các bữa ăn của Tổng thống", một cựu trợ tá tiết lộ. Có lẽ không ai nắm rõ việc phục vụ phòng của Tổng thống hơn John Doherrty, đầu bếp trưởng của khách sạn Waldorf Astoria ở New York trong 30 năm.
"Không có người nếm thức ăn chính thức. Ai tiếp xúc với thức ăn của Tổng thống đều phải qua kiểm tra an ninh", ông kể và nhấn mạnh chỉ một hoặc hai người được giao việc này. Họ phải hiểu là mình đưa ra những món mà Tổng thống thích, để ông cảm thấy như đang ở nhà.
Về y tế, chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống cùng gia đình ông là do đơn vị y tế của Nhà Trắng đảm nhận. Các thành viên của đơn vị này đều là bác sĩ quân y được đào tạo cả về chuyên môn lẫn kỹ năng chiến đấu.
Báo Los Angeles Times cho biết, mỗi khi Tổng thống Mỹ công du thường có 2 đội y tế đi cùng, gồm 6 bác sĩ và y tá. Một đội chăm sóc ông trên chuyên cơ, còn một đội đến nước chủ nhà từ trước để chuẩn bị công việc của mình.
Tiền trạm, dự trù những tình huống bất ngờ
Thông thường, trước nhiều ngày, các mật vụ, đặc vụ cùng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng phải tới địa điểm mà Tổng thống Mỹ sắp đến để thăm dò, kết nối với lực lượng an ninh địa phương. Họ phải đảm bảo không phận tại sân bay luôn thông thoáng vào thời điểm chuyên cơ tổng thống hạ cánh, yêu cầu thành lập đội xe hộ tống, xác định vị trí các bệnh viện, đồng thời tìm những nơi ẩn náu an toàn, đề phòng trường hợp Tổng thống bị tấn công.
Theo Yahoo News, khi đến khách sạn, không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng được ở phòng hạng sang. Bước lên thảm đỏ chỉ là chuyện bề ngoài. Cái đầu tiên mà Tổng thống Mỹ thường nhìn thấy - và cả ngửi thấy - khi chiếc limousine của ông đỗ lại, đó là rác.
"Dù khách sạn đẹp đến mấy, 5 sao hay sang trọng cỡ nào thì chúng tôi cũng thường đi bằng lối vào của nhân viên phục vụ, qua chỗ thùng rác, cạnh khu bếp. Mùi của nó thì không dễ chịu chút nào" - một trợ tá Nhà Trắng từng tháp tùng Tổng thống đi nước ngoài kể lại.
Khi nhận phòng, không phải lúc nào Tổng thống Mỹ cũng được ở trong những căn phòng tầng cao có quang cảnh đẹp. Một phòng mà khách có thể phóng tầm mắt ra ngoài để ngắm thì cũng có thể nhìn thấu từ bên ngoài, và như vậy nguy cơ an ninh sẽ cao hơn. "Tổng thống chưa từng được ngắm cảnh từ phòng của mình", một viên trợ tá tiết lộ.
Vì lý do an ninh, kể cả khi phòng của ông nhìn xuống đường thì các cửa cũng luôn được đóng kín.
Theo một nguồn tin, để đảm bảo một nơi có đủ điều kiện phục vụ Tổng thống, đội "tiền trạm" của Nhà Trắng, tức đội ngũ hậu cần, phải cử một nhóm khoảng 40 người tới đó từ trước nhiều ngày, kể cả khi ông không ngủ qua đêm.
Nhóm tiền trạm sẽ trinh sát các cơ sở của khách sạn và đánh giá tình hình an ninh, đồng thời đảm bảo sẽ có đủ chỗ đỗ cho đoàn xe của Tổng thống, có thể lên tới 40 chiếc. Và từ trước khi Tổng thống có mặt, khách của khách sạn đó đều phải qua kiểm tra an ninh.
Số lượng người nhiều kỷ lục
Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tới Anh năm 2011, an ninh đặc biệt được siết chặt trong bối cảnh lực lượng Taliban có thể trả thù cho cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Theo tờ Telegraph, khi Tổng thống và phu nhân Michelle Obama tới London, họ được hộ tống bởi đội quân hơn 500 người.
Nhưng trước đó ít nhất là ba tháng, các nhân viên Nhà Trắng và Mật vụ đã tới trinh sát các địa điểm. Họ phải đảm bảo an ninh cho bầu trời trên sân bay trong lúc tổng thống tới, chuẩn bị tuyến đường cho Tổng thống di chuyển trong thành phố, xác định bệnh viện gần nhất để có thể đưa ông tới đó trong vòng 10 phút.
Ông Obama thăm Anh năm 2011
Khoảng 250 nhân viên mật vụ, hàng chục cố vấn và các đội chó nghiệp vụ được triển khai để bảo vệ tổng thống. Một số đặc vụ đeo loại kính đen đặc biệt, có gắn camera có thể ghi lại hình ảnh để chuyển thẳng về trụ sở của Mật vụ Mỹ tại Washington. Toàn bộ khu vực có mái che quanh nơi Tổng thống xuất hiện đều có mật vụ mai phục.
Khi Tổng thống công du, Nhà Trắng phải di chuyển cùng với ông - từ xe ông đi, nước ông uống, cho tới loại xăng chạy xe, loại thức ăn mà ông dùng.
Lực lượng hộ tống còn phải chuẩn bị sẵn một lượng máu nhóm AB dự trữ cho Tổng thống Obama, khi cần cấp cứu.
Tờ Guardian cho biết, năm 2014, ông Obama công du tới Brussels, Bỉ, với đoàn tùy tùng 900 người. Thị trưởng Brussels cho biết, thành phố của ông chi khoảng 10,4 triệu USD để đảm bảo an ninh cho Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm 24 giờ.
Brussels điều 350 nhân viên an ninh bảo vệ riêng ông Obama khi ông di chuyển giữa các địa điểm. Chín trực thăng Mỹ cùng với 30 xe bọc thép được huy động để đưa ông Obama tới thăm một nghĩa trang Thế chiến I.
Những chuyến công du của Tổng thống Mỹ không chỉ tốn kém đối với thành phố chủ nhà, mà còn với cả người dân Mỹ.
Tờ Washington Post cho hay, hồi tháng 6-2013, chuyến đi của cả gia đình Obama tới các nước châu Phi hạ Sahara đã tiêu tốn của Chính phủ Mỹ khoảng từ 60-100 triệu USD.
Tuổi trẻ