MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúc này, giữ tiền mặt hay mạnh dạn "xuống tiền" mua bất động sản?

08-05-2020 - 08:42 AM | Bất động sản

Nhiều nhà đầu tư BĐS chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán BĐS trong giai đoạn kinh tế bất ổn và dự báo tình hình này có thể kéo dài đến hết quý 2/2020.

Sau thời gian giãn cách ly xã hội, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm kinh doanh BĐS đang trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trên thị trường đã và đang có dấu hiệu một số dự án mở bán trở lại sau thời gian khá dài bị “nén” vì dịch bệnh. Tuy nhiên, có lẽ BĐS chỉ mới ở trạng thái “thăm dò” thị trường là chính, các hoạt động mở bán, giới thiệu dự án hay khách hàng đi xem BĐS vẫn chưa thực sự quay trở lại ở thời điểm này.

Theo đại diện một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Tp.HCM, hiện khách hàng đi xem dự án rất ít. Sau thời điểm giãn cách ly xã hội chỉ một lượng khách lẻ tẻ đi xem nên việc bán hàng vẫn khá khó khăn, giao dịch chậm. Hầu hết khách hàng ở thời điểm này vẫn trong tâm lý “giữ tiền mặt” chưa mạnh dạn “xuống tiền”.

Theo dự báo của một số chuyên gia, ít nhất phải hết quý 2/2020 tình hình giao dịch BĐS trên thị trường mới ổn định trở lại. Và vào khoảng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 nhà đầu tư (NĐT) mới thực sự trở lại thị trường ổn định. Còn ở giai đoạn này, dù có tiền nhiều NĐT vẫn cân nhắc khá kỹ việc mua BĐS, cũng không có nhiều sự lựa chọn ở các dòng sản phẩm nên đa số NĐT vẫn ở trạng thái nghe ngóng, quan sát thị trường.

Ông Stuart Crow, CEO, Capital Market, Châu Á Thái Bình Dương của JLL cho rằng, với tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư BĐS vẫn chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán trong giai đoạn kinh tế bất ổn và dự báo tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư có thể sẽ phục hồi vào nửa cuối năm, khi đó, nhà đầu tư với tiềm lực vốn mạnh đang chờ đợi cơ hội sẽ triển khai vốn và thúc đẩy dòng chảy giao dịch mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực. Đây cũng là lúc mà các NĐT cá nhân sẽ quay trở lại thị trường.

Lúc này, giữ tiền mặt hay mạnh dạn xuống tiền mua bất động sản? - Ảnh 1.

Còn theo đại diện Savills Việt Nam, thị trường sẽ mất khoảng 6 tháng để phục hồi mặc dù nhu cầu về BĐS còn khá lớn. Nghĩa là phải đến thời điểm cuối năm, sang đầu năm sau thì khách hàng, giao dịch cũng như nguồn cung mới trở lại thị trường ổn định.

Theo các chuyên gia, hiện tại, cả CĐT lẫn NĐT cá nhân vẫn ở trạng thái giữ bình tĩnh và lạc quan. Việc trì hoãn của NĐT là bởi họ đang chờ thời cơ mới.

Tuy vậy, ở bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 lên tất cả các phân khúc thì theo các chuyên gia sẽ có những phân khúc phục hồi nhanh hơn, do mức độ ảnh hưởng nhẹ. Đó là những sản phẩm đánh đúng vào thị hiếu của NĐT từ trước đến nay. Đa phần sẽ là phân khúc đất nền và căn hộ giá vừa túi tiền.

Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, trong mùa dịch Covid-19 giao dịch vẫn diễn ra ở loại hình đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM và căn hộ có giá hợp lý. Đây cũng là các phân khúc sẽ có khả năng phục hồi sớm sau dịch bởi đáp ứng nhu cầu ở thực của số đông.

Quả thực, trên thị trường thứ cấp, nhiều NĐT nắm tài sản là đất nền và căn hộ giá vừa túi tiền vẫn kì vọng lợi nhuận sẽ tốt hơn sau thời điểm dịch khi mà họ cho rằng, lượng khách hàng mua ở thực sẽ quay trở lại thị trường sớm hơn NĐT. Quan sát thị trường gần đây cho thấy, giá trên thị trường thứ cấp có dấu hiệu chững lại nên những BĐS đã có sổ được người mua thực quan tâm. Những giao dịch phát sinh ở thời điểm này cũng chủ yếu đến từ nhu cầu thực.

Dù chưa thể nói chính xác cụ thể thời điểm thị trường ổn định trở lại nhưng theo hầu hết các chuyên gia, việc các doanh nghiệp BĐS chủ động trong sản phẩm và hoạt động kinh doanh của mình sau thời điểm dịch sẽ khiến thay đổi động thái của người mua trên thị trường.

Khi có sản phẩm mới cùng các chính sách bán hàng tốt thì chắc chắn người mua sẽ quan tâm. Riêng với NĐT, họ cũng sẽ chọn cách xoay chuyển dòng tiền chứ không thể để tiền bị ngâm quá lâu. Vì thế, nhịp độ thị trường sẽ tốt lên nếu cả doanh nghiệp lẫn NĐT nhìn thị trường tích cực trở lại.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên