Lùm xùm cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam: Rà soát chóng vánh, nghệ sỹ bất bình
Xung quanh nghi vấn tiêu cực trong cổ phần hóa (CPH) hãng phim lớn nhất ngành điện ảnh cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình CPH. Tuy nhiên, việc rà soát diễn ra chóng vánh, do chính bộ máy cũ thực hiện và không chỉ ra một sai sót nào.
- 30-12-2016Rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
- 12-05-2016Cổ phần hóa hãng phim truyện VN: Chủ đầu tư cam kết hoạt động sản xuất phim trong 5 năm
- 28-03-2016IPO Hãng phim truyện Việt Nam: Khi thủy thủ “đóng phim”
Tự rà soát
CPH Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) với những lùm xùm: Thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0; hàng nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp; Tổng Cty Vận tải thủy thâu tóm đến 65% cổ phần. Thực tế này gây bức xúc giới nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu. Cuối tháng 12/2016, Thường trực Chính phủ tiến hành họp, Thủ tướng chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hoá hãng phim này. Ngày 11/1/2017, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái có công văn giao chính VFS thực hiện việc rà soát, báo cáo ngày 15/1 (tức 5 ngày sau khi có chỉ đạo, trong đó có 2 ngày nghỉ cuối tuần).
Đạo diễn Nghệ sỹ Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc VFS, người cùng nhiều nghệ sỹ điện ảnh nổi tiếng (như Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Thị Đức Lưu…) từng viết đơn kiến nghị lên các cơ quan Đảng, Chính phủ được tham gia các cuộc họp rà soát này.
Sau chặng đường chật vật hơn 1 năm bỏ bê việc làm phim, “bất đắc dĩ một cách cay đắng” để đưa đơn đi các nơi, ông Vân mừng vì được Chính phủ quan tâm đến sự việc. Tuy nhiên, điều ông bất bình là việc rà soát lại do chính những người cũ trong ban CPH VFS và đơn vị tư vấn xác định giá trị VFS trước khi CPH (Cty TNHH Kiểm toán quốc gia VIA) và tư vấn CPH (Cty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương) chủ trì. “Họ tiến hành một cách chóng vánh, khẳng định không có gì sai, các ý kiến của tôi và các nghệ sỹ bị phủ nhận. Sau chặng đường kiên trì, hành động này khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm” – ông Vân nói.
Tại cuộc họp này, nội dung về xác định giá trị thương hiệu VFS (theo chỉ đạo của Thủ tướng) được ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTvà DL) cho biết, sẽ chuyển vào giai đoạn II và vẫn thừa nhận kết quả CPH hiện nay. Nghệ sỹ Thanh Vân không đồng tình với cách giải quyết này. “Với một hãng phim, tài sản lớn nhất là thương hiệu của hãng, chất xám của các nghệ sỹ. Một khi tài sản lớn nhất chưa được định giá không nên công nhận CPH”.
Vì sao thương hiệu 60 năm được định giá bằng 0?
Sau hơn 50 năm tồn tại, dù gần đây rơi vào thua lỗ, nợ nần nhưng VFS đã sản xuất hơn 300 bộ phim, trong đó nhiều bộ phim là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội… Tuy nhiên, giá trị thương hiệu Hãng phim được xác định bằng 0 được các cơ quan chủ trì CPH lý giải: Hãng không có những chi phí để xác lập nên giá trị thương hiệu như chi phí đào tạo, chi phí quảng cáo, lập trang web...Tuy nhiên, các nghệ sỹ trong nhóm kiến nghị (nêu trên) cho hay, có nhiều chi phí hoàn toàn có thể tính theo công thức trên như: Đưa phim đi công diễn ở vùng sâu vùng xa, tham dự các liên hoan phim, nỗ lực học tập trau dồi nghề nghiệp của mỗi cá nhân nghệ sỹ, khả năng khai thác các bộ phim hiện có, uy tín để Nhà nước giao hàng chục tỷ đồng mỗi năm để làm phim.
Một điều đáng chú ý trong phương án CPH VFS là phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, điểm làm giới nghệ sỹ khó hiểu là phương án chọn nhà đầu tư chiến lược không hề nêu việc lựa chọn đơn vị có tiềm lực trong làm phim.
Việc đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chỉ được thực hiện ở một tờ báo địa phương, có lượng phát hành nhỏ; việc lựa chọn chỉ chốt lại sau 10 ngày cũng hạn chế việc tìm ứng viên. Điều đó dẫn tới “bi hài”: Biểu tượng của ngành điện ảnh nằm trong tay một đơn vị chuyên về lái tàu, kinh doanh cảng sông (là Tổng Cty Vận tải Đường thủy- doanh nghiệp như Tiền Phong phản ánh được mua bởi Cty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường).
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia có kinh nghiệm trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cho hay, đối với các doanh nghiệp mà giá trị lớn nhất là trí tuệ, cần ưu tiên bán cổ phần cho chính lực lượng lao động đó để phát huy được năng lực lao động. Việc cổ phần hoá Tổng cty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) là một ví dụ. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép bán phần vốn của Nhà nước tối đa cho người lao động (hiện người lao động chiếm khoảng 50%, thành cổ đông lớn nhất tại Tedi). Trong khi, phương án được Bộ VHTT và DL lựa chọn là bán cho nhà đầu tư “ngoại đạo” đến 65%, còn các đạo diễn, diễn viên, quay phim… chỉ được nắm giữ 4,5% cổ phần.
Ông Trần Hoàng – Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTT và DL), đại diện Ban Chỉ đạo CPH VFS cho hay: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xác định bổ sung giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của VFS. Tuy nhiên, đây là chỉ đạo có tính đặc thù, áp dụng riêng cho VFS nên Bộ VHTT và DL đang cùng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.
Về việc vì sao không lập ban rà soát kiểm tra độc lập, ông Hoàng cho hay: “Việc rà soát quá trình CPH là một trong những nội dung giám sát CPH và thuộc trách nhiệm ban chỉ đạo CPH”.
Tiền phong