Lửng lơ số phận lò mổ Xuyên Á
Dù được kết luận "vô can" trong vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần nhưng lò mổ Xuyên Á vẫn tạm thời bị đình chỉ hoạt động và chưa biết khi nào mở cửa trở lại.
- 18-10-2017Sẽ có test thử nhanh thuốc an thần trên thịt lợn
- 11-10-2017Giá thịt lợn đang giảm tại các tỉnh phía Nam sau vụ tiêm thuốc an thần
- 06-04-2016Chất cấm chăn nuôi: Kiểm tra, tiêu huỷ gia súc ngay tại lò mổ
Sau hơn 40 ngày xảy ra vụ việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại Cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM), các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức "số phận" của lò mổ này.
Thương lái ép giá người nuôi
Cơ sở giết mổ Xuyên Á có công suất giết mổ bình quân 5.000 con/ngày đêm. Từ khi Xuyên Á tạm ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ hiện hữu tại TP HCM đã tăng công suất giết mổ nhưng theo số liệu của UBND TP HCM, hiện công suất giết mổ của các cơ sở giết mổ hiện hữu chỉ đạt khoảng 5.100 con/ngày đêm, giảm khoảng 3.700 con/ngày đêm so với trước. Để bù vào lượng thiếu hụt, từ cuối tháng 10, TP HCM phải nhờ các tỉnh hỗ trợ giết mổ heo.
Cơ sở giết mổ Xuyên Á vẫn tạm đóng cửa và chưa biết khi nào hoạt động trở lại
Trao đổi với phóng viên ngày 9-11, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết việc lò mổ Xuyên Á ngừng hoạt động ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của tỉnh. Nông dân bán heo rất khó, thương lái không đến bắt cả đàn mà chỉ chọn những con đẹp, còn lại không bán được để quá lứa giá lại càng rẻ. Ở Việt Nam, do tiêu dùng thịt nóng nên điểm giết mổ gần nơi tiêu thụ cực kỳ quan trọng, chỉ sau 1 giờ thịt xuống giá, thương lái sẽ ép giá ngược lại người nuôi. Trong khi đó, ở các nước tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh nên nhà máy giết mổ xa nơi tiêu thụ là bình thường. "Nhiều thương lái nói với tôi họ có thể tăng giá mua heo từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng/kg nếu lò mổ Xuyên Á được hoạt động trở lại. Tính ra, mỗi con heo trung bình 100 kg người nuôi được thêm 200.000 đồng. Đây thực chất là chi phí tăng lên mà thương lái phải chịu khi phải chuyển việc giết mổ từ TP HCM về các tỉnh Long An, Đồng Nai, Tây Ninh" - ông Đoán phân tích.
Ông Bùi Quang Vinh, một chủ lò hoạt động tại cơ sở Xuyên Á (không vi phạm trong vụ heo tiêm thuốc an thần), cho biết rất vất vả khi chuyển heo về tỉnh giết mổ do di chuyển xa. "Trước đây đi làm lúc 12 giờ đêm, 5 giờ sáng xong việc được về nhà thì nay 10 giờ đêm đã phải chuẩn bị đi làm, 7-8 giờ sáng mới về nhà. Giờ chúng tôi chỉ mong lò Xuyên Á được mở trở lại để ổn định làm ăn vì chúng tôi không vi phạm trong vụ heo tiêm thuốc an thần" - ông Vinh kiến nghị.
Nhiều lò mổ chung số phận
Trong khi đó, kết quả điều tra xác minh từ Cục Cảnh sát môi trường phía Nam (C49B) cho thấy không có thông tin, tài liệu thể hiện việc chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á bao che, tiếp tay cho thương lái tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. C49B nhận xét: "Quá trình kiểm tra xử lý vi phạm tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, chủ cơ sở có thái độ chấp hành, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vi phạm và khắc phục hậu quả theo quy định".
Theo C49B, cơ sở giết mổ Xuyên Á có hợp đồng cho 21 hộ thuê mặt bằng để kinh doanh giết mổ gia súc, bên cho thuê yêu cầu bên thuê cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong hoạt động giết mổ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, đại diện cơ sở giết mổ Xuyên Á, cho biết dù bà đã "hỏi khắp nơi" nhưng chưa có trả lời chính thức về số phận của lò mổ. "Khi xảy ra vụ việc, 13 thương lái (chủ lò) vi phạm biết thế nào cũng bị đình chỉ nên đã nhanh chân về tỉnh kiếm lò giết mổ thuận lợi. Trong khi 8 chủ lò khác không vi phạm nghĩ mình không bị ảnh hưởng nên chậm chân thành ra long đong. Như vậy, quyết định tạm đình chỉ hoạt động 13 chủ lò kia không có hiệu lực vì thực chất họ vẫn tổ chức giết mổ bình thường" - bà Thắm bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng cơ sở giết mổ Xuyên Á, hầu hết các cơ sở giết mổ hiện hữu tại TP HCM đều hoạt động theo mô hình cho thuê mặt bằng cho các cá nhân, tổ chức giết mổ. Mô hình này tương tự như với ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, khi cơ quan chức năng xử lý vi phạm của các quầy, sạp bên trong thì ban quản lý chủ yếu đóng vai trò chứng kiến. Thế nhưng, do vướng quy hoạch giết mổ nên các cá nhân thuê mặt bằng tại đây đi đăng ký kinh doanh lại không được cấp đúng với thực tế hoạt động.
Heo giết mổ từ Long An tăng gấp 10 lần
Ghi nhận tại 2 chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và Hóc Môn, lượng heo giết mổ từ các tỉnh (nhiều nhất là Long An) về chợ đã gia tăng trong thời gian qua. Riêng tại chợ đầu mối Hóc Môn - nơi tiếp nhận phần lớn heo giết mổ từ cơ sở Xuyên Á trước đây, lượng heo từ các tỉnh đưa về chiếm gấp rưỡi heo giết mổ ở TP HCM. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết trung bình lượng heo giết mổ tại TP HCM về chợ khoảng 1.900 con/ngày đêm, từ các tỉnh khoảng 3.100 - 3.500 con/ngày đêm. Trong đó, số heo từ lò mổ ở Long An đã tăng gấp 10 lần trước đây, từ khoảng 100 đến trên 200 con/ngày đêm lên khoảng 2.300 con/ngày đêm. Hiện 100% heo về chợ Hóc Môn có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của TP HCM.
T.NHÂN
Người lao động