Lúng túng trong xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng
Biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả do các quy định tự xử lý còn nhiều rào cản, vướng mắc…
- 18-10-2016Vẫn có “lối đi riêng" cho tổ chức tín dụng
- 16-10-2016Đang còn bao nhiêu tổ chức tín dụng yếu kém?
- 11-04-2016Tất cả các tổ chức tín dụng đã hủy mua ngoại tệ kỳ hạn với NHNN
Hiện nay, 90% tổng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng là tài sản bảo đảm, việc đẩy nhanh xử lý các loại tài sản này sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu giảm về mức an toàn theo quy định. Tuy nhiên, các quy định hiện hành đang khiến các tổ chức tín dụng khó xử lý loại tài sản này.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 năm (2012-2016) hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý trên 493.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các đơn vị này tự xử lý các khoản nợ chiếm 55,4%, còn lại là bán nợ.
Tuy nhiên, trong thực tế biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả do các quy định tự xử lý còn nhiều rào cản, vướng mắc và các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo khiến các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý. Trong khi đó, với việc 90% tổng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng là tài sản bảo đảm đang khiến cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) nêu thực tiễn, khi ngân hàng thực hiện quyền bán tài sản, khách hàng đồng ý chấp thuận nhưng khi đem bán tài sản hoặc gán nợ, đưa hợp đồng hoặc thỏa thuận bán ra các cơ quan quản lý nhà nước lại là một vấn đề. Các cơ quan này đòi hỏi giấy ủy quyền, không hoàn toàn dựa vào hợp đồng, không dựa vào thỏa thuận gán nợ đó để thực hiện các thủ tục hành chính sang tên.
Một trong những vướng mắc phổ biến khi xử lý tài sản bảo đảm bảo ở các tổ chức tín dụng là vấn đề thủ tục, thứ tự xử lý tài sản bảo đảm khi thi hành án khi dẫn đến tình trạng quy trình tố tụng kéo dài. Thậm chí có những vụ tố tụng chưa xử lý xong thì tài sản bảo đảm bị hư hỏng, giảm sút giá trị, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng… hoặc có những trường hợp khách hàng sau thời gian khó khăn vì kinh tế suy thoái nay đã bắt đầu hoạt động ổn định trở lại, có doanh thu, lợi nhuận nhưng vẫn chây ì không trả nợ.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết, trong bảo đảm thì có bảo lãnh bằng tài sản bảo lãnh bên thứ 3. Do đó cần phải xử lý cái nào trước cái nào nhanh thì nên làm để ngân hàng có được vốn để hoạt động.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành Ngân hàng mà còn cần sự tham gia tích cực của các tổ chức đơn vị có liên quan. Đó là sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp.
Ngân hàng Nhà nước nên đóng vai trò đầu mối phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để chỉnh sửa các quy định có liên quan từ Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đến các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, góp phần giải quyết dứt điểm nợ xấu, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ nợ và người vay nợ.
Bộ Luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 tới đây sẽ có những thay đổi căn bản giải quyết những khó khăn vướng mắc của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các quy định vẫn chưa làm hài lòng các tổ chức tín dụng khi vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng và chắc chắn sẽ còn vướng mắc trong thời gian tới khi thực thi.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, với 10 điều khoản quy định tại phần về các biện pháp bảo đảm có liên quan trực tiếp đến xử lý tài sản bảo đảm, vẫn còn một số những điều khoản dự kiến chắc chắn sẽ gây vướng mắc tới qua trình thực thi của các tổ chức tín dụng.
Thứ nhất, liên quan đến hiệu lực đối kháng với người thứ 3 thì cần phải xác định rõ người thứ 3 là gồm những ai. Nếu chỉ hiểu đơn giản là giữa các tổ chức tín dụng với nhau tức là các bên nhận bảo đảm thì sẽ tiếp tục gây ra các vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến vấn đề quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng trước khi được xử lý tài sản. Trong bộ Luật Dân sự hoàn toàn không đề cập đến quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng như cách tiếp cận của Nghị định 163 hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2005.
Rõ ràng, quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng được thực thi hiệu quả thì không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay, mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần có những nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo được tiếng nói chung của các bên liên quan, xử lý dứt điểm các vụ việc về tài sản đảm bảo kéo dài, bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế./.
VOV