Lười biếng – Phong cách quản trị "lùi 1 bước để quan sát" mà bất kỳ lãnh đạo nào cũng nên học theo
"Lười biếng" là cách quản trị lùi lại một bước, tinh giản đội ngũ nhân viên và trở thành người quan sát thay vì trực tiếp tham gia làm việc tại doanh nghiệp của chính mình.
- 14-06-2016Chớ vội sa thải nhân viên lười, họ cực kỳ hữu ích cho công ty của bạn!
- 21-02-2016Đây là lý do mà nhân viên lười nhác cũng được "thưởng theo năng lực"
Nhìn thoáng qua, tôi thừa nhận mình là một CEO “kinh khủng”. Tôi rất ít khi tới văn phòng, chỉ gặp nhân viên 2 lần một tuần và đặc biệt ghét phát biểu, họp, đưa ra các tuyên bố về tầm nhìn, sứ mệnh của công ty và tất cả những công việc vặt vãnh khác của các CEO mà báo chí vẫn hay nhắc tới.
Cuối cùng, điều tồi tệ nhất là tôi hiếm khi bắt tay vào làm việc trước buổi chiều.
Với những đặc điểm ấy, tôi thật sự là một vị sếp lười biếng . Tôi cá là bạn cũng đang nghĩ như vậy phải không? Tôi thừa nhận đúng là như vậy.
Dẫu vậy, bằng một cách nào đó tôi vẫn mở thành công một nhóm công ty với tổng cộng hơn 200 nhân viên và đầu tư vào hơn 30 công ty khác nữa. Tất cả mọi việc đều được thực hiện một cách trơn chu bởi một người hiếm khi ra khỏi giường trước buổi chiều.
2 năm trước, tôi luôn nghĩ sự lười biếng là điểm yếu lớn nhất của mình. Chứng kiến những người bạn doanh nhân làm việc không mệt mỏi trong khi tôi chỉ việc thuê nhân viên để làm những công việc mà mình ghét bỏ. Tôi cảm thấy tội lỗi vì điều đó. Tuy nhiên sau vài năm, tôi nhận ra sự lười biếng lại chính là một lợi thế to lớn.
Bằng việc tập hợp hàng loạt ý tưởng từ những người thông minh hơn mình, tôi đã phát triển nên một hệ thống gọi là “Lazy Leadership” (Phong cách lãnh đạo lười biếng) – dùng để điều hành các công ty.
Cần phải nhớ rằng, "Lazy Leadership" không phải là ngồi trên võng cả ngày hay làm việc 4 tiếng mỗi tuần từ bãi biển Costa Rica xinh đẹp nào đó. Đây là cách quản trị lùi lại một bước, tinh giản đội ngũ nhân viên và trở thành người quan sát thay vì trực tiếp tham gia làm việc tại doanh nghiệp của chính mình.
Vậy “Lazy Leadership” là gì?
Tinh thần doanh nhân chỉ là một từ mỹ miều dùng để chỉ người được giao phó, ủy quyền. Đó là một quá trình diễn ra liên tục để kéo bản thân từ người luôn kèm cặp từng bước, từng bước một sau đó trao quyền cho nhân viên để làm những thứ mà họ giỏi nhất.
Đầu tiên, hãy loại bỏ người trung gian và bắt đầu làm việc cho chính bản thân mình. Sau đó, thuê một người khác làm trong khi bạn xử lý những công việc ở cấp cao hơn. Dần dần, bạn nhận ra rằng mình có thể thuê nhiều người hơn, để làm nhiều việc hơn nữa.
Sau đó, những nhà quản lý có thể chỉ quan sát và kiểm tra những người này. Tiếp đến, các giám đốc điều hành sẽ quản lý một nhóm nhân viên lớn hơn. Cuối cùng, nếu muốn, bạn có thể thuê một CEO để điều hành toàn bộ hoạt động công ty.
Điểm tuyệt vời nhất của "Lazy Leadership" có lẽ là việc bạn sẽ trở thành người ủy thác của công ty theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm…
Lần đầu tiên khi cố gắng để nhân viên tự xoay sở, tôi cảm thấy rất kinh khủng. Công ty giống như một chiếc xe không người lái, chậm chạp di chuyển tới một hố sâu mà chỉ đến những giây cấp bách cuối cùng, tôi là người duy nhất kéo nó lùi lại.
Điều này khiến tôi luôn có cảm giác như mọi thứ đang nổ tung nếu không có tôi và tôi thường ước mình có thể phân thân để giải quyết mọi chuyện.
Tuy nhiên sau 2 năm để nhân viên tự do và đưa cho họ một vài chỉ dẫn và cách thức tiến hành, công ty của tôi đã đạt tiến bộ vượt bậc, thậm chí vượt xa khỏi những gì tôi có thể tưởng tượng.
Cuối cùng khi rời khỏi vị trí lãnh đạo, tôi nhận ra rằng nhân viên của mình có đủ khả năng để tiếp tục giữ cho con tàu đi đúng hướng và thậm chí tiến xa hơn những gì tôi có thể làm.
Điều tuyệt vời nhất là tôi trao quyền cho một nhóm những người giỏi nhất để làm những việc họ giỏi nhất trong lúc tôi chỉ tập trung vào việc xây dựng cỗ máy vận hành.
Những rào cản
Môt vài doanh nhân không bao giờ phá vỡ phong cách cũ và gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành. Họ cố gắng tuyển người và sau đó nếu không làm được việc như mong đợi, những lãnh đạo kiểu này sẽ tự nguyện tham gia và trực tiếp giải quyết công việc.
Họ luôn tâm niệm rằng người duy nhất có thể làm mọi thứ trơn tru là chính bản thân họ. Rằng nếu không trở thành mano-manager (nhà quản lý luôn theo đuổi sự toàn mỹ trong tất cả mọi việc, luôn cầu toàn và chú ý đến từng chi tiết nhỏ) thì công ty của họ sẽ rơi vào khủng hoảng.
Bản thân tôi biết rất nhiều người như vậy và tôi cho rằng họ thật khốn khổ. Nếu đang là một lãnh đạo, doanh nhân, hãy hỏi chính bản thân mình xem: Công ty sẽ ra sao nếu bạn nghỉ trong 6 tháng?
Nếu câu trả lời là công ty có thể gặp khủng hoảng, vai trò của bạn ở công ty rất quan trọng thì bạn chỉ đơn giản đang là một nhân viên bình thường chứ không phải người chủ sở hữu công ty.
Đó là dấu hiệu cho thấy đã tới lúc bạn nên tính tới việc xây dựng lại cỗ máy điều hành hoạt động và trao quyền cho nhân viên của mình nhiều hơn.
Tác giả sách nổi tiếng Michael Gerber từng nói: "Hãy nhớ một điều rằng, nếu công ty phụ thuộc vào một mình bạn, bạn không phải là ông chủ mà chỉ đơn giản đang có một công việc mà thôi. Và tôi cho đó là công việc tồi tệ nhất trên thế giới bởi bạn phải làm việc một cách điên cuồng".
Trí thức trẻ/CafeBiz