MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lười gấp quần áo - "triệu chứng" khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng

22-03-2023 - 14:38 PM | Sống

Nếu là một người yêu thích sự ngăn nắp, kỹ tính, bạn có thể suy nghĩ đến 'nghề tay trái' là trở thành một 'chuyên gia' gấp quần áo.

Dưới đây là bức hình chụp khu để quần áo của một người. Cảnh này, bạn có thấy quen không? Cũng có giá và xếp vào các ngăn đấy, nhưng sao đống vải vóc nhiều màu sắc này khiến cho người ta cảm thấy lấn cấn, chướng mắt mỗi khi nhìn vào?

Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 1.

Với thói quen mua sắm liên tục và tích trữ đồ của nhiều người thì còn có những khu để quần áo lộn xộn hơn thế nữa.

Và liệu bạn hay bao nhiêu người khác sẽ kiên nhẫn, dành cả một buổi chiều, thậm chí một ngày, ngồi phân loại và sắp xếp cả một mớ hỗn độn tương tự?

Vẫn biết rằng có thể “tự thân vận động”, nhưng đâu phải ai cũng có đủ thời gian, sức lực và cả kinh nghiệm để sắp xếp lại chiếc tủ quần áo của mình. Nhất là những người đến thời gian để ngủ một giấc ngon lành cũng chẳng có. Và lúc này, họ thật sự cần đến sự trợ giúp.

Đó là lý do dịch vụ "giải cứu” quần áo ngày càng được ưa chuộng ở nước ta

Trên thực tế, công việc sắp xếp tủ đồ, dọn dẹp tủ đồ hay quần áo được cho rằng bắt nguồn từ Mỹ vào những năm 1980 và cực kỳ phát triển ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong quan niệm của nhiều người, dịch vụ này chỉ để phục vụ những gia đình quý tộc, giàu có, có nhân công riêng.

Còn tại Trung Quốc, đây thường được coi là một nghề tay trái. Song, hồi đầu năm 2021, nước này đã thêm nghề chuyên gia sắp xếp nhà cửa vào danh sách những nghề nghiệp mới ở đất nước tỷ dân. Thậm chí, người ta còn đăng ký tham gia các khóa học chuyên sâu và có thể đặt lịch sử dụng dịch vụ qua ứng dụng di động.

Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 2.
Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 3.

Những khu để quần áo lộn xộn.

Còn tại Việt Nam, dịch vụ này mới nhen nhóm ở các thành phố lớn một vài năm gần đây. "Ngoài Hà Nội có công ty triển khai trước và khá thành công. Qua một vài tháng thử nghiệm thì thấy nhu cầu của mọi người rất nhiều, đặc biệt ở các chung cư dành cho người thu nhập từ trung bình đến cao, các mẹ bỉm sữa và nhiều chị em bị cuốn vào guồng quay mua sắm bất tận nhưng lại không có thời gian thu dọn tủ”, chị Nguyễn Thị Vân Trang, người sáng lập công ty chuyên “giải cứu” tủ quần áo ở TP.HCM cho hay.

Mới thành lập một thời gian nhưng ngày nào chị Trang cũng có khách nhắn tin tìm hiểu dịch vụ. Chị tiết lộ, mỗi ngày đều có khách đặt lịch sử dụng. Tuy nhiên, vì nhân sự còn hạn hẹp, chỉ tầm 10 người, nên đôi khi có nhiều khách quá phải xin đẩy lịch sang những ngày sau.

Để xếp được tủ đồ cũng cần tuân thủ quy trình bắt buộc

Công việc sắp xếp tủ quần áo mà công ty chị Vân Trang làm phải tuân thủ theo các bước nhất định.

Với những chất liệu dễ nhăn hoặc các loại đầm, váy áo cầu kỳ, cần giữ "form" thì phải treo theo bảng màu và độ cao thấp.

Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 4.
Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 5.
Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 6.

Những tủ quần áo sau khi được đi "spa" sẽ trông như thế này.

Kế đó, tiếp tục giải quyết đồ lót và phụ kiện riêng biệt, chăn ga, vỏ gối cũng cần được để trong túi, hộp chuyên dụng để không lẫn với quần áo. Cuối cùng là dán nhãn cho từng loại quần áo đã xếp, treo lên để chủ nhân dễ phân biệt. Đồng thời phải hướng dẫn khách hàng cách xếp để duy trì sự trật tự, ngăn nắp hằng ngày của tủ đồ.

Nói thì nghe đơn giản vậy thôi nhưng chỉ những ai có chiếc tủ đang “kêu SOS” hay người trong ngành mới biết nó cần sự tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian, công sức đến như nào. Theo chị Vân Trang: “Một buổi sắp xếp tủ đồ cần ít nhất 2 nhân lực và thời gian làm việc của mỗi ca chưa bao giờ dưới 3 tiếng. Thậm chí, nếu nhận đến các gia đình thì phải 5-6 tiếng là ít bởi hầu như các nhà đều có hơn 2 chiếc tủ đựng quần áo”.

Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 7.

Nếu được sắp xếp khoa học thì kể cả giá quần áo đơn sơ cũng ngăn nắp, vừa mắt hơn.

Cơ hội nghề nghiệp mở rộng với nhiều đối tượng

Với các gia đình thuê riêng người giúp việc thì đôi khi, sắp xếp tủ quần áo cũng nằm trong công việc này luôn. Tuy nhiên, nếu cần sự chuyên nghiệp và bài bản hơn, vẫn nên tìm đến những công ty dịch vụ như của chị Vân Trang.

Nói về tình hình của ngành, chị cho biết: “Nhân sự làm nghề rất cần những người trẻ có thể phân biệt được hay am hiểu các kiểu quần áo hiện đại và mắt thẩm mỹ tốt”.

Sau khi tham gia khóa học sắp xếp đồ đạc ở Trung Quốc, chị Trang đã trở về, trực tiếp đào tạo nhân viên và theo sát kiểm tra hiệu quả cũng như lắng nghe phản hồi của các khách hàng để cải thiện dịch vụ.

Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 8.
Lười gấp quần áo - triệu chứng khó bỏ của nhiều người nay biến thành cơ hội việc làm, mang về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng - Ảnh 9.

Sự khác biệt giữa tủ quần áo chưa và đã được sắp xếp.

Theo khảo sát của chúng tôi, trên thị trường thì hiện nay, mức giá của dịch vụ sắp xếp tủ quần áo tại Hà Nội và TP.HCM sẽ dao động từ 250.000đ - 350.000đ/giờ/nhân viên, hoặc cũng có thể tính khoán tùy vào số lượng tủ và quần áo của các gia đình. Khách hàng hoàn toàn có thể chụp lại hình ảnh hiện trạng tủ đồ của nhà rồi bên dịch vụ sẽ ước tính và báo mức chi phí trước khi thực hiện.

So với thời điểm cách đây hơn một năm, mức phí cho dịch vụ này đã giảm khoảng 50.000đ - 100.000đ. Tuy nhiên, nếu như làm việc hết công suất thì một ngày, mỗi người có thể làm đến 2-3 ca, rơi vào 5-8 tiếng. Thử nhẩm tính một chút thì thù lao nhận được cũng là một con số đáng để nhắc đến đấy.

“Nhiều người chỉ nghe thôi thì cứ nói rằng mình bỏ số tiền 1,5 triệu đồng ra để thuê người dọn tủ đồ là lãng phí. Nhưng phải tận mắt nhìn hai bạn nhân viên toát mồ hôi giúp mình phân loại, sắp xếp, tốn gần 5 tiếng mới xong thì mới thấy thật xứng đáng. Thay vì mình phải còng lưng làm một công việc không đúng chuyên môn, thì mình dành thời gian đó để làm những công việc khác của bản thân”, chị Mai Lam - một người sử dụng dịch vụ “detox” tủ đồ nêu quan điểm.

Liệu chăng sự tiện lợi này sẽ khiến chị em trở nên lười nhác?

Đây là câu hỏi chắc chắn có không ít người đặt ra sau khi nghe hoặc biết về dịch vụ này. Bởi gấp quần áo vừa không phải là việc chỉ làm “ngày một ngày hai”, mà nó gần như trở thành “công việc không tên” gắn liền trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình.

“Vậy thì cớ sao phải mất một đống tiền chỉ để dọn tủ quần áo? Chẳng thà học cách sống sao cho gọn gàng, chứ dọn xong vài ngày sau trở về như cũ?”.

Trả lời câu hỏi này, chị Minh Minh - người từng sử dụng dịch vụ tương tự khẳng định: “Nếu ai nói gấp quần áo là công việc phụ nữ và mọi người vợ, bà mẹ đều phải làm thì không thác gì là định kiến. Chẳng có bất cứ công việc nào trong gia đình lại phải “điểm mặt, đích danh” người phụ nữ phải làm. Thay vì mất cả ngày chỉ để sắp xếp ngăn tủ đang ở tình trạng quá quá tải thì sự tiện ích khi xuất hiện các dịch vụ thế này sẽ giúp chúng ta có thời gian cải thiện chất lượng cuộc sống, có thêm thời gian để làm việc, chăm con, nhưng cũng không có nghĩa là “phụ thuộc” vào cái gì đó quá nhiều hay trở thành lý do để cổ súy cho lối sống lười biếng, bừa bộn ngày thường.

Cá nhân tôi 1 năm sẽ sử dụng dịch vụ từ 1 đến 2 lần tuỳ vào nhu cầu lẫn thời điểm. Nhất là vào dịp cuối năm khi chúng ta cần refresh lại mọi thứ trong nhà, và tủ quần áo khổng lồ của một đại gia đình là điều tiêu tốn rất nhiều thời gian lẫn công sức”.


Theo Hạnh Mỹ

Thể thao văn hóa

Trở lên trên