Lương 8 triệu nhưng một tháng tiêu hết gần 30 triệu: Cách nhanh nhất để nghèo là nghĩ mình “có thể trả sau”
Kiếm bao nhiêu tiêu từng ấy đã là một cái dại, đằng này…
- 25-03-2024Cô gái 34 tuổi mua căn nhà đầu tiên sau 7 năm tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp quản lý tài chính dù lương chỉ 10 triệu đồng
- 25-03-20242 bước để tiết kiệm tiền hiệu quả dù bạn đang có mức lương thấp
- 24-03-2024Nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, lương vừa nhận đã lo hết tiền: Người trẻ học dùng thẻ tín dụng đúng cách
- 23-03-2024Bố mẹ chồng tôi mua nhà và có của hồi môn tặng cho chúng tôi chỉ bằng tiền lương, còn chúng tôi lương tháng vài chục triệu vẫn mắc nợ
Lương 8 triệu nhưng tiêu gần 30 triệu/tháng, thoạt nghe, điều này có vẻ phi lý nhưng với sự tồn tại của thẻ tín dụng, nó hoàn toàn là điều có thật.
Mở thẻ tín dụng hạn mức 40 triệu đồng với mức lương 8 triệu/tháng, ban đầu, H. - Một nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chắc mẩm "mình chỉ dùng thẻ này để đi siêu thị thôi", nhưng thực tế lại không như vậy.
Thẻ tín dụng như một cái cây tiền?
Khoảng 1 tuần đầu tiên sau khi cầm trong tay chiếc thẻ tín dụng hạn mức 40 triệu, đúng là H. chỉ dùng thẻ khi đi siêu thị. Loại thẻ tín dụng mà H. sở hữu có ưu đãi hoàn tiền khi đi siêu thị, đó cũng chính là lý do khiến cô quyết định mở chiếc thẻ tín dụng đầu tiên.
"Ngày xưa không có thẻ tín dụng, đi xem phim trong TTTM, mình và bạn cũng hay rủ nhau ghé mấy cửa hàng túi xách, thời trang để xem chơi cho vui. Đến khi có thẻ tín dụng, mình vẫn giữ thói quen ấy, nhưng không còn là xem cho vui nữa, mình mua thật" - H. kể về lý do khiến bản thân tiêu gần hết hạn mức thẻ chỉ trong 1 tháng.
Những lần quẹt thẻ của H. khá giống với hiệu ứng Domino, hiểu nôm na là một chuỗi những thay đổi liên tục xảy ra sau 1 thay đổi nhỏ - rất nhỏ. Mua được đôi giày xinh quá, lại cần thêm bộ váy hợp với đôi giày này. Đủ giày, đủ váy rồi mà thiếu cái túi xách thì giao diện nhìn chung vẫn chưa được xuất sắc lắm. Sẵn cái thẻ trong tay, H. cứ thế mà quẹt, tổng số tiền lên tới hơn 29,2 triệu đồng.
"Mình quẹt thẻ như bị thôi miên ấy, giờ nghĩ lại mình vẫn không hiểu lúc đó mình nghĩ gì mà lại hành động như vậy; hoặc cũng có thể mình bị thôi miên, đến mức cứ quẹt thẻ mà chẳng nghĩ gì thật" - H. bộc bạch.
Bản chất của thẻ tín dụng, thẳng thắn mà nói, cũng là một khoản vay. Chúng ta có thể tiêu nhiều hơn số tiền chúng ta đang thực sự có, rồi trả sau. Ảo tưởng dư dả cũng từ đó mà ra.
Cái giá của 1 tháng "huy hoàng" là gần nửa năm sống khổ!
Vào kỳ sao kê đầu tiên của thẻ tín dụng, H. chỉ trả được số dư nợ tối thiểu, khoảng 1,4 triệu đồng. Ngay khi nhận ra số tiền mình tiêu gấp hơn 3 lần số tiền mình kiếm, H. đã bừng tỉnh, quyết tâm không tiêu vào 10 triệu còn lại trong hạn mức thẻ tín dụng nữa, để tập trung thanh toán hết dư nợ rồi đáo hạn thẻ.
"Với mức thu nhập 8 triệu/tháng, trừ đi tiền ăn uống, thuê nhà và đi lại, mỗi tháng mình chỉ dư được khoảng 2 triệu là căng đét. Mình phải vét sạch 11 triệu tiền tiết kiệm, cộng thêm việc cắt giảm chi tiêu ở mức tối đa và thanh lý những món đồ đã mua, sau 5 tháng thì mình trả được hết 29 triệu" - H. kể.
Cô giải thích việc cắt giảm chi tiêu tối đa bằng 1 câu ngắn gọn: Không mua sắm bất cứ thứ gì ngoài thịt và rau. H. không mua mỹ phẩm, đồ dưỡng da, thậm chí cả hoa quả cũng hạn chế chứ đừng nói tới việc mua quần áo hay giày dép.
"Mình nhớ lúc đó, chai toner gần 1,8 triệu đồng mà mình mua bằng thẻ tín dụng đã hết, xong mình cứ ngồi nhìn cái chai rỗng tuếch đấy mà bần thần cả người. Dùng đồ đắt sắt ra miếng nhưng da mình cũng chẳng đẹp xuất sắc hẳn lên; đi đôi guốc, xách cái túi bằng tiền ăn cả tháng cũng không tạo ra cho đời mình bất cứ thay đổi nào, ngoài một khoản nợ" - H. chia sẻ.
Khoản nợ thẻ tín dụng này đã xảy ra từ cách đây gần 2 năm, nhưng khi kể lại, H. thừa nhận vẫn chưa thể tha thứ chợ bốc đồng, dại dột của mình.
"Mình thấy giận mình vì toàn mua những thứ linh tinh, vô nghĩa, chứ nếu giả như mình dùng thẻ để đăng ký đi học hay đi khám sức khỏe, hoặc đầu tư cho sức khỏe, thì nó lại khác.
Vì giận bản thân quá nên mình mới ép mình phải cắt giảm chi tiêu tối đa cho đến khi trả được hết 29 triệu mới thôi, chứ thẻ có thời hạn 4 năm cơ, mình cứ đủng đỉnh thanh toán số dư nợ tối thiểu thì cuộc sống cũng không đến mức khổ sở quá. Nhưng nếu thế thì có khi mình lại lún sâu hơn vào nợ nần mất" - H. khẳng định "sống khổ để trả hết nợ" là quyết định đúng đắn nhất mà cô đã đưa ra.
Tạm kết
Bây giờ, H. vẫn đang sử dụng chính chiếc thẻ tín dụng ngày ấy nhưng tuyệt nhiên, không có chuyện quẹt gần hết hạn mức thẻ như xưa.
"Sau lần đó, mình cũng nghĩ tới việc hủy thẻ nhưng như thế cảm giác mình đang thua một vật vô tri vô giác vậy, nên mình cứ dùng tiếp, để "phục thù". Giờ mình chỉ dùng thẻ này để đi siêu thị thôi, mỗi tháng quẹt hết tầm 3,5-3,8 triệu đồng, được hoàn khoảng 200.000 đồng. Mình thấy thế là ổn, là phục thù thành công rồi" - H. chia sẻ.
Nhịp sống thị trường