Lương chưa tới 15 triệu, tháng nào cũng gửi về quê 5 triệu mà vẫn dư hơn 3 triệu
Mỗi tháng, Thùy Linh chỉ giữ lại khoảng 40% thu nhập để chi tiêu, còn lại là gửi cho bố mẹ và tiết kiệm.
- 20-05-2024Không lương hưu, không cần dựa con cái, cụ bà U65 vẫn ung dung hưởng tuổi già nhờ kế hoạch nghỉ hưu bài bản
- 17-05-2024Người có 5 đặc điểm này trên cơ thể chứng tỏ mệnh trường thọ, cơ thể sung sức: Nếu có đủ thì xin chúc mừng
- 16-05-2024Bán nhà, người phụ nữ rơi vào ‘bẫy’, mất trắng 17 tỷ đồng: Cảnh sát vào cuộc điều tra phanh phui đường dây lừa đảo hơn 100 đối tượng
Với mức lương trung bình khoảng 14,5 triệu đồng/tháng, Thùy Linh (27 tuổi) hiện đang làm content marketing cho một thương hiệu thời trang nữ ở Hà Nội cho biết: “Mỗi tháng tất cả chi phí của mình chỉ hết khoảng 6 triệu đồng. Số tiền còn lại mình chia làm 2 phần: 5 triệu gửi về quê cho bố mẹ, 3-3,5 triệu để tiết kiệm” .
Để làm được việc này, Thùy Linh phải kiểm soát chi tiêu khá chặt chẽ và quy củ, không thể “cứ hứng lên là mua”.
Thành thật với bố mẹ về thu nhập, mục tiêu tiết kiệm
Trước đây khi mới ra trường và đi làm, mức lương của Thùy Linh chỉ dao động trong khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Biết gia đình mình khó khăn, bố mẹ còn đang phải nuôi em học cấp 3 cũng khá tốn kém, nên ngay từ khi tự kiếm được tiền, Thùy Linh đã ngỏ ý gửi tiền về hỗ trợ bố mẹ hàng tháng.
“Mình cũng thành thật kể với mẹ là hàng tháng lương con có nhiêu đó, trừ đi tiền thuê nhà, đi lại và ăn uống thì còn bao nhiêu. Ngoài ra, mình cũng cần phải tiết kiệm một ít để phòng trường hợp bất trắc, cần đến tiền thì còn có mà trang trải.
Từ đó, mình mới cân đối được số tiền gửi về quê để hỗ trợ bố mẹ tiền đóng học phí cho em. Như hồi lương mình chưa được chục triệu thì mỗi tháng mình chỉ gửi về được 2 triệu đồng và tiết kiệm 1 triệu thôi. Giờ lương khá hơn rồi thì cả tiền gửi bố mẹ và tiền tiết kiệm đều tăng - Thùy Linh kể và cho biết cô đã duy trì việc gửi bố mẹ 5 triệu mỗi tháng được gần 2 năm.
Hiện tại, thu nhập trung bình một tháng của Thùy Linh khoảng 14,5 triệu đồng. Có tháng cao hơn, có tháng thấp hơn tùy vào số lượng công việc “tay trái” mà cô tìm được. Thu nhập không cố định nhưng kể từ khi đạt được mức thu nhập trên 12 triệu/tháng, Thùy Linh chưa bao giờ “cắt” tiền gửi về quê.
“Vì đã thành thật chia sẻ với mẹ về thu nhập cũng như mục tiêu tiết kiệm, nên mình nghĩ việc giữ đúng lời hứa gửi cho mẹ 5 triệu/tháng không chỉ đơn thuần là chuyện tiền nong, mà còn là một cách để mẹ yên tâm rằng mình vẫn đang kiếm được tiền và có cuộc sống khá ổn ngoài này.
Tháng nào thu nhập giảm thì mình cố gắng cân đối các khoản chi tiêu cá nhân khác, giảm tiền tiết kiệm đi một chút, chứ chưa bao giờ cắt tiền gửi về quê cả” - Thùy Linh chia sẻ.
Sống sao với 6 triệu giữa thành phố đắt đỏ?
Sau khi gửi cho mẹ 5 triệu và tiết kiệm 3-3,5 triệu đồng mỗi tháng, Thùy Linh chỉ còn khoảng 6 triệu để trang trải chi phí sinh hoạt và các nhu cầu cá nhân. Đây chắc chắn không phải việc đơn giản nhưng Thùy Linh cho biết cô vẫn xoay sở được.
Để sống được ở Hà Nội với ngân sách 6 triệu đồng, đây là 3 bí quyết của Thùy Linh.
1 - Thuê homestay ở ghép chứ không thuê phòng trọ riêng
“Hình thức thuê phòng này khá giống với việc mình ở kí túc xá thời sinh viên nhưng sẽ thoải mái hơn chút. Như phòng mình thuê là 1 căn 30m2 khép kín, có chỗ nấu ăn và có 2 giường tầng - là 4 người 1 phòng.
Chi phí thuê trọn gói là 1,9 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền điện, nước, gửi xe và phí dịch vụ luôn rồi. Thú thật là ở như vậy thì có bất tiện, không có sự riêng tư nhưng đổi lại là chi phí hợp lý nên mình thấy vẫn chấp nhận được” - Thùy Linh chia sẻ.
2 - Gần như luôn “nói không” với việc shopping
Thùy Linh cho biết bản thân gần như không mấy khi mua quần áo, giày dép. Nếu có mua, cô thường chỉ mua mỹ phẩm, khoảng 4-5 tháng mới mua 1 lần chứ không phải thường xuyên.
“Mình ít mua đồ một phần vì ngân sách cũng hạn hẹp, một phần vì đang thuê trọ hình thức homestay, cả phòng 4 người mới có 1 tủ quần áo nên mua nhiều cũng không có chỗ mà treo cơ ấy. Nghĩ đi nghĩ lại thì mình thấy như vậy càng tốt, càng tiết kiệm” - Thùy Linh kể.
3 - Nấu ăn bằng bếp gas, ưu tiên đi xe bus hơn xe máy
Ngoài việc hạn chế shopping ở mức tối đa, Thùy Linh cũng không mấy khi ăn uống bên ngoài. Cô luôn tự nấu ăn tại nhà gần như cả tháng.
Nếu không phải dịp đặc biệt như sinh nhật bạn bè hoặc bất chợt được thưởng nóng, Thùy Linh sẽ không ăn hàng, đặt đồ ăn về nhà cũng không nốt.
“Chúng mình thống nhất với nhau sẽ dùng bếp gas để nấu ăn thay vì bếp từ vì tiền điện 4k/số mà dùng bếp từ thì không kham nổi. Mình nấu cơm tối dư ra để dành một ít mang đi làm ăn trưa cho ngày hôm sau nên tiền ăn cả tháng cũng rẻ, khoảng 3 - 3,5 triệu thôi.
Ngoài ra thì mình cũng ưu tiên đi xe bus hơn đi xe máy để tiết kiệm tiền xăng. Vé tháng xe bus có 250k thôi, công ty với chỗ trọ của mình cũng tiện chuyến bus, bắt 1 chuyến là đi làm được rồi nên mình chỉ đi xe máy nếu có hẹn bạn bè đi trà đá hoặc về đi về quê thôi” - Thùy Linh chia sẻ.
Với lối sống tiết kiệm như vậy, Thùy Linh một lần nữa khẳng định 6 triệu là đủ sống ở Hà Nội rồi. Quan trọng là bạn có đủ động lực và đủ quyết tâm để sống tiết kiệm hay không mà thôi!
Nhịp sống thị trường