Lương thấp vẫn dùng đồ hàng hiệu, vi vu du lịch là chuyện bình thường, chẳng có gì khó hiểu như vị CEO người Anh vẫn nghĩ
Với mức lương không quá cao, bạn của bạn vẫn hoàn toàn có thể sống "sang chảnh", ăn ngon, mặc đẹp, vi vu đó đây. Điều này đâu quá khó hiểu như vị Giám đốc người Anh kia nghĩ.
- 02-10-2017Đi du lịch, ở resort, sắm toàn đồ hiệu - Lối sống "kỳ lạ" của dân Hà Nội có thực sự khó hiểu như Giám đốc người Anh đề cập?
- 30-09-2017Xu hướng du lịch xa xỉ của năm 2017: Ngày càng đơn giản, ngày càng nhiều khám phá và kết nối với gia đình nhiều hơn
- 28-09-2017Giám đốc người Anh ngạc nhiên trước lối sống kỳ lạ của dân Hà Nội: Tôi không hiểu họ lấy tiền đâu để đi du lịch, ở resort, sắm đồ hiệu nhiều đến vậy?
- 22-09-2017Vừa đi du lịch vừa làm việc fulltime - Xu hướng mới trong giới trẻ
- 19-09-2017Có thể bạn chưa biết: Người giàu có đi du lịch như thế nào?
Sự khó hiểu của Giám đốc người Anh trước lối sống "sang chảnh" của dân Hà Nội có lẽ cũng là thắc mắc của không ít người. Đôi khi, bạn nhìn thấy những người quanh mình có thu nhập có vẻ “chẳng hơn gì ta”, bố mẹ cũng không thuộc diện có nhiều “của ăn của để” nhưng trong khi bản thân bạn phải chắt bóp từng đồng thì họ vi vu đi đó đi đây suốt ngày và diện đồ “sang chảnh”.
Thực ra, mọi thứ đôi khi không như bạn nghĩ.
Đồ có vẻ sang chảnh khác với đồ sang chảnh và bạn của bạn có thể đang thuộc nhóm “có vẻ sang chảnh”. Tất nhiên là bạn rất khó nhận biết việc “có vẻ sang chảnh” hay “sang chảnh” khi mà bạn chưa từng bước chân vào thế giới của họ để biết cách họ có được món đồ đó.
Có thể, họ đã mua đồ second-hand và họ không nói với bạn. Đồ second-hand thường không đắt đỏ chút nào, thậm chí… cái túi xách hàng hiệu Chanel, LV… họ đang mang thấp hơn mức giá chiếc túi bạn đang đeo.
Có thể, họ mua hàng nhái những hãng sang chảnh. Kể cả những con mắt tinh đời có khi còn không thể phát hiện ra đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái thì tất nhiên, bạn cũng đừng quá buồn khi bạn không biết được điều này.
Có thể bạn không tin nhưng bạn của bạn đã chọn “ăn chắc mặc bền” còn bạn chọn “hào nhoáng tức thì”. Đừng vội cãi, hãy nhìn vào tủ đồ của bạn trước khi phản bác điều này.
Mấy năm qua, bạn vẫn thấy con bạn thân mang cái túi hàng hiệu và lúc nào cũng trông đẹp, sang chảnh lại còn dùng mãi không hỏng. Trong khoảng thời gian đó, bạn đã mua mấy chục cái túi “thông thường”, rẻ tiền và tất nhiên, chóng xấu, chóng hỏng, chóng chán. Tính ra, có khi bạn còn phung phí hơn họ.
Tôi từng đọc đâu đó, vị phu nhân của Tổng thống Pháp chuyên dụng một vài cái túi hàng hiệu cho những dịp xuất hiện tại những buổi lễ quan trọng. Bà Đệ nhất phu nhân còn có thể dùng đi dùng lại một cái túi hàng hiệu bao nhiêu năm không hề lỗi mốt, thì sao bạn lại không thể.
Mỗi năm, đứa bạn thân “sang chảnh” chỉ mua 3-4 bộ quần áo mới và lần nào cũng là bộ khiến người ta trầm trồ vì đẹp, vì sang. Còn bạn, mỗi khi vào cửa hàng, siêu thị hay shop quần áo là mắt lại sáng rực lên. Bạn mua sắm mỗi tháng dăm bộ đồ và có bộ bạn còn chẳng mặc đến 3 lần rồi bỏ xó vì… có vẻ không còn hợp mốt. Tính ra, có khi bạn còn phung phí hơn đứa bạn “sang chảnh” của bạn.
Bạn của bạn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu mỗi năm để mua những đôi giày đẹp, chắc chắn, và hiện trong tủ giày cô ấy đã có sẵn 3, 4 đôi "sang chảnh" hợp với những bộ cánh sang trọng của cô ấy. Còn bạn, mỗi lần qua shop sẽ chăm chăm nhìn vào mấy đôi 3,4 trăm ngàn, với phương châm "hỏng mua cái khác lại có đồ mới thay". Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đôi giày của bạn đã hỏng, bạn lại bỏ tiếp 3,4 trăm ngàn cho lần mua sắm tiếp theo. Và chắc hẳn, những đôi như thế không ở lại với bạn quá lâu, bạn không thể cùng lúc có nhiều đôi giày đẹp mấy năm không hỏng như bạn của bạn để thay đổi mốt.
Bạn của bạn sẵn sàng “cũ người mới ta” - “cũ ta mới người” còn bạn luôn giữ quan điểm “đồ của mình”. Một trong những “nguyên tắc vàng” của người thu nhập trung bình nhưng thích dùng hàng hiệu là quan điểm “cũ người mới ta” - “cũ ta mới người”. Họ sẵn sàng thanh lý đi món đồ họ từng bỏ ra dăm ba triệu để mua với mức giá chỉ bằng một nửa để dùng tiền đó góp vào mua món đồ mới. Còn bạn, bạn cho rằng việc bán đi món đồ mình đã dùng rồi “cứ thế nào ấy” và cuối cùng tủ đồ của bạn chật dần theo năm tháng và món đồ đó bạn chẳng dùng lại lần nào.
Bạn của bạn thấy cửa hàng đồ hiệu thanh lý sẵn sàng nhào vào tìm kiếm món đồ họ thích mà người khác đã chán. Còn bạn, bạn sợ đủ điều từ “chẳng biết người dùng trước có bệnh tật gì không, nhỡ lây lan”; “chẳng biết đây là đồ trộm cắp hay đồ mua bán nọ kia”… Sau đủ loại băn khoăn, bạn chốt lại: “mua đồ mới cho lành!”.
Bạn của bạn sẵn sàng dậy sớm mấy chục phút mỗi sáng, chuẩn bị cho mình bữa sáng ngon lành cùng một vài món khoái khẩu bữa trưa mang theo lên văn phòng cho bữa trưa. Nếu kịp, bạn bạn sơ chế một số thực phẩm đơn giản để sẵn cho buổi tối đi làm về muộn. Còn bạn đang sống theo “guồng quay” xã hội, trên đường đi làm sẽ ghé đâu đó ăn bữa sáng theo khẩu vị từng hôm. Bữa trưa đã có cơm văn phòng gần công ty, hay bạn bè, đồng nghiệp rủ nhau quán xá đâu đó. Thế nên, bạn đừng vội thắc mắc sao tháng nào mình cũng tiêu nhiều tiền vậy vào sinh hoạt phí còn con bạn thân của bạn mỗi khi tụ tập bạn bè vẫn cao hứng đãi mọi người thêm món chè, món bánh mà vẫn rất “xông xênh”.
Bạn của bạn sẵn sàng bỏ ra mấy triệu mỗi lần về quê hay đi đâu đó tiện mua thực phẩm sạch mà an toàn về cất tủ lạnh dùng dần. Bạn đừng ngạc nhiên khi mỗi lần từ quê ra bạn của bạn khệ nệ tay xách tay cầm cả mấy con gà đã làm thịt sẵn, mấy cân thịt bò thịt me ăn cỏ đồng quê, hay mấy chục trứng gà nhà... Còn bạn luôn cho rằng "đi nhẹ nhàng thôi, xách lỉnh kỉnh làm gì, lên thành phố đầy ra".
Bạn không thể hiểu được con bạn thân sau mỗi chuyến đi chơi biển luôn dành mấy tiếng ra mấy cảng cá mua về nào tôm nào cá đủ loại với lời giải thích: “Mua tại cảng vừa rẻ vừa là hàng “xịn”, tội gì không xách về ăn dần”. Trong khi đó bạn vẫn thảnh thơi vi vu, vì “hải sản á, đầy quán có đồ tươi ngon, lúc nào thèm ra quán ăn có phải tiện hơn không”.
Bạn thân của bạn vừa mời bạn tới tân gia nhà mới và bạn nghĩ đủ điều. Ôi, chắc nó vừa trúng mánh, chắc bố mẹ nó vừa bán đất dưới quê… bao nhiêu câu hỏi lởn vởn trong đầu bạn. Hỏi ra, nhà mới của cô bạn mua hết 1,2 tỷ đồng. Là khu chung cư không quá xa trung tâm, có nội thất tương đối đầy đủ. Biết bao giờ mình mới có thể mua nhà đây?
Tuy nhiên, sự thật, mua nhà không quá khó với những người có mức thu nhập bình quân cao vừa phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Với tỷ lệ cho vay mua nhà hiện nay của các ngân hàng khoảng 70%, cô bạn sẽ chuẩn bị sẵn 30% tương ứng gần 400 triệu đồng – coi như cô vét hết khoản tích cóp bấy lâu từ khi đi làm, vay thêm gia đình bạn bè một ít nếu cần. Số còn lại dễ rồi, vay trong vòng 25 năm, mỗi tháng định kỳ cô trích một khoản lương trả vốn và lãi khoảng 5,6 triệu đồng – phần lương còn lại cô cố gắng chi tiêu vẫn thoải mái sống khi không phải mất thêm vài triệu thuê nhà mỗi tháng – lại được sống trong chính ngôi nhà của mình.
Và như thế, việc sống sang chảnh, vi vu đó đây đâu còn quá khó. Nếu sống và chi tiêu như bạn của bạn, thì việc vi vu đó đây, sống sang chảnh, ăn ngon mặc đẹp đâu có khó hiểu như vị giám đốc người Anh kia nghĩ đâu. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể là “người sang chảnh” trong mắt mọi người. Hãy thay đổi tư duy, lối sống của bạn một tí thôi là được.